Thứ 6, 29/03/2024, 01:44[GMT+7]

“Giữ nhịp” sản xuất vụ đông (Kỳ 1)

Thứ 2, 16/11/2020 | 10:15:25
8,886 lượt xem
Vụ đông được xác định là vụ sản xuất chính sau hai vụ lúa. Đây là vụ được định hướng áp dụng các loại cây trồng hàng hóa đem lại thu nhập cao cho người dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích canh tác. Nhiều năm qua, nhờ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, diện tích sản xuất vụ đông của tỉnh được duy trì từ 35.000 - 36.000ha, giá trị sản xuất đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Trồng khoai tây vụ đông tại xã Mê Linh (Đông Hưng).

Kỳ 1: Vụ đông - những mảng màu sáng - tối

Với nền nhiệt thấp, dịch hại trên cây trồng vụ đông có thể được xem là ít có nguy cơ nhất so với các vụ trong năm. Biên độ nhiệt độ ngày đêm cao, tích lũy sinh khối thuận lợi tạo nên năng suất, chất lượng cho nhiều nông sản ở Thái Bình. Cùng với truyền thống và trình độ thâm canh, vụ đông tuy chỉ kéo dài khoảng 3 tháng nhưng cho giá trị thu hoạch bằng 2 - 3 lần cấy lúa.

Cánh đồng thôn Hữu, xã Mê Linh (Đông Hưng) những ngày đầu tháng 11 rộn rã khác thường. Tiếng máy xen lẫn tiếng nói cười của người lao động vang cả cánh đồng. Những chiếc máy làm đất nhanh chóng phá tan những bờ ngăn nhỏ lẻ, tạo hình những luống đất vuông vắn, thẳng tắp, hình thành những mảnh ruộng khổng lồ. 

Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc HTX DVNN xã Mê Linh cho biết: Khoai tây từng là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông ở Mê Linh với thu nhập gấp nhiều lần cấy lúa. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu lao động nên diện tích vụ đông nói chung, diện tích trồng khoai tây nói riêng giảm đáng kể trong vài năm trở lại đây. Nhìn những cánh đồng đất pha cát từng là “bờ xôi ruộng mật” bị “ngủ đông” sau vụ lúa mùa không chỉ cán bộ HTX mà nhiều người dân xót xa. Để vực lại phong trào sản xuất vụ đông, năm 2020, HTX DVNN xã Mê Linh liên kết với Công ty Cổ phần 686 trên địa bàn xã mượn 20ha đất của người dân trồng khoai tây. Thực hiện mô hình này, HTX trực tiếp đứng ra ký hợp đồng mượn đất với gần 170 hộ dân, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công và chịu trách nhiệm về kỹ thuật sản xuất; phía Công ty cung ứng giống. Để động viên các hộ cho mượn ruộng, HTX hỗ trợ một phần công làm đất và giống lúa gieo cấy vụ xuân năm 2021. Hơn nữa, ruộng trồng khoai không có cỏ, bón phân ít hơn ruộng khác do đất được cải tạo trong quá trình trồng khoai nên người dân vui vẻ đồng thuận. Chúng tôi huy động 2 máy làm đất, lên luống; thuê 40 lao động tập trung trồng từ ngày 3/11, dự kiến đến trung tuần tháng 11 sẽ trồng xong. HTX DVNN xã Mê Linh ký hợp đồng với Công ty Thương mại Hoa Nam (Hà Nội) thu mua khoai tây sau thu hoạch với giá 7.000 đồng/kg. 

Theo tính toán của ông Linh, nếu thời tiết thuận lợi mỗi sào khoai tây sau khi trừ chi phí cho thu lãi gần 2 triệu đồng.

Cách làm mới của HTX DVNN xã Mê Linh không chỉ giúp địa phương đạt chỉ tiêu diện tích vụ đông được giao, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần thay đổi lối sản xuất manh mún đã ăn sâu vào nếp nghĩ bao đời của người nông dân, từng bước “hồi sinh” cây khoai tây trên các cánh đồng. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít HTX dám nghĩ, dám làm như vậy. Cùng với sự thiếu hụt lao động, nhất là lao động trẻ trong nông nghiệp, sản xuất vụ đông còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều vụ do ảnh hưởng của mưa, bão gây ngập úng gây thiệt hại, phải gieo trồng lại nhiều lần, làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, nhất là cơ giới hóa trong khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch hầu như chưa được thực hiện, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, trên 80% nông sản tiêu thụ qua tư thương không có hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ nên sản xuất gặp nhiều rủi ro... Tất cả những khó khăn trên đã khiến phong trào sản xuất vụ đông trầm lắng tại một số địa phương.

Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giúp tăng giá trị sản xuất vụ đông. 

Qua cánh đồng những địa phương từng một thời “sáng lúa - chiều màu”, có nơi khi lúa chuẩn bị thu hoạch người dân đã rẽ lúa đặt bầu trồng bí, khi gặt lúa, đã thấy màu xanh của bí nhưng nay, mấy ai còn mặn mà với sản xuất vụ đông. Thế chỗ những cánh đồng xanh mướt lúa, ngô, khoai... là những chân ruộng nằm không nhàn hạ, trơ gốc rạ đợi chờ để bước vào vụ lúa xuân. 

Ông Nguyễn Xuân Tân, xã Phú Lương (Đông Hưng) cho biết: Vụ mùa trước đây thường kết thúc vào cuối tháng 9, lúa gặt đến đâu thì ngô, bí được gieo đến đó. Thậm chí, để có bí xanh bán đầu vụ cạnh tranh về giá, nông dân chúng tôi còn gối vụ, gieo hạt bí trong bầu rồi đặt ra ruộng khi lúa còn đỏ đuôi. Cánh đồng làng lúc nào cũng đông người, chẳng cần phải họp hành, tuyên truyền, vận động hay giao chỉ tiêu sản xuất vụ đông như bây giờ. 

Theo ông Tân, hiện nay hạ tầng thủy lợi, giao thông được đầu tư xây dựng đến tận chân ruộng. Không chỉ tỉnh mà huyện cũng có chính sách khuyến khích nhưng nông dân vẫn không mặn mà với sản xuất vụ đông bởi trong điều kiện sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị từ sản xuất nông nghiệp nói chung, vụ đông nói riêng còn thấp so với các ngành nghề khác.

Từ thực tế sản xuất vụ đông tại các địa phương trong những năm gần đây cho thấy, nơi nào vận dụng linh hoạt, bám sát nhu cầu và xu hướng thị trường thì dù diện tích cây vụ đông giảm song giá trị kinh tế vẫn tăng cao và ngược lại. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính cần nhiều hơn nữa những giải pháp mang tính bền vững.

(còn nữa)
Lưu Ngần - Thanh Huyền