Thứ 5, 28/03/2024, 19:57[GMT+7]

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người khuyết tật

Thứ 6, 06/11/2020 | 08:49:13
3,743 lượt xem
Đối với người khuyết tật (NKT), phát triển kinh tế luôn là bài toán khó. Sau khi loay hoay với nhiều nghề, anh Bùi Ngọc Mãn, thôn Đoàn Kết, xã Bình Minh (Kiến Xương) đã tìm cho mình nghề mới, đó là nuôi ốc nhồi. Anh cũng là NKT đầu tiên trong tỉnh đến với một mô hình đã và đang trở thành hướng đi mới giúp nhiều NKT phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi ốc nhồi của anh Bùi Ngọc Mãn, thôn Đoàn Kết, xã Bình Minh (Kiến Xương).

Trước khi đến với nghề nuôi ốc nhồi, anh Mãn đã có hơn 25 năm làm thợ kim hoàn. Tháng 11/2019, trong một lần được tham quan mô hình nuôi ốc nhồi của một gia đình tại xã Duy Nhất (Vũ Thư), anh đã nhanh chóng tìm hiểu quy trình, kỹ thuật nuôi ốc nhồi để phát triển kinh tế cho gia đình. Nhận thấy nuôi ốc nhồi phù hợp với sức khỏe của bản thân, gia đình lại sẵn vườn, ao nên anh Mãn quyết định đầu tư nuôi ốc nhồi. Anh chia sẻ: Ốc nhồi hiện có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Đây là loài phát triển rất nhanh, có sức đề kháng tốt. Nuôi ốc nhồi rất nhàn, chi phí đầu tư thấp, 3 - 4 ngày mới cho ăn một lần. Thức ăn của ốc nhồi chủ yếu là cây cỏ tự nhiên như bèo tấm, lá sắn, lá đu đủ, rau, củ, quả nên rất dễ kiếm. Ốc nhồi sống tốt, phát triển và sinh sản ở nhiệt độ từ 20 - 320C. Chỉ sau khoảng 6 tháng kể từ khi ốc đẻ trứng là trọn vẹn một quy trình sinh trưởng và có thể xuất bán ra thị trường. Mặc dù bị khuyết tật vận động bẩm sinh nhưng tôi cũng không gặp nhiều khó khăn khi nuôi ốc nhồi.

Để ốc nhồi sinh sản và phát triển tốt, anh Mãn đã làm tráng rộng từ 5 - 30m2/tráng, quây kín bằng các loại lưới thích hợp rồi thả xung quanh ao, tránh các loại cá, ốc bươu vàng ăn hại ốc nhồi. Để không ô nhiễm nguồn nước, anh tiến hành buộc các loại thức ăn của ốc nhồi lại và thả nổi trên mặt nước. Sau khi ốc nhồi ăn hết lá sẽ dùng dây thu gom phần thức ăn thừa (chủ yếu là cuộng lá) lên bờ. Ngoài việc quản lý về thức ăn và môi trường ao nuôi, việc phòng, chống dịch bệnh cho ốc nhồi cũng được anh Mãn hết sức quan tâm. 

Theo anh Mãn, ốc nhồi chịu nóng kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào ao. Còn trong mùa đông, ốc rúc xuống bùn trú đông gần như không hoạt động, lúc này phải rút bớt nước trong ao, thả cây, cỏ xuống ao để giữ ấm cho ốc. Ngoài ra, nuôi ốc nhồi cần lưu ý đến bệnh sưng vòi, bệnh nguy hiểm nhất trên ốc, dễ gây chết hàng loạt nên phải giám sát ao nuôi thường xuyên. Nếu quan sát thấy ốc có dấu hiệu bỏ ăn, vòi bị sưng to, có mùi hôi cần phải cách ly ngay để xử lý bệnh, tránh dịch lây lan.

Từ 150 cặp ốc nhồi giống ban đầu, đến thời điểm hiện tại anh Mãn đang nuôi khoảng gần 10.000 con ốc nhồi, chủ yếu là ốc nhồi giống. Anh đã cung cấp hơn 5.000 con giống cho một số hội viên Hội Người khuyết tật tỉnh, giúp họ có được hướng đi mới trong phát triển kinh tế. 

Anh Nguyễn Minh Ngọc, hội viên Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết: Sau khi biết được mô hình nuôi ốc nhồi của anh Mãn, tôi đã mua hơn 2.000 con ốc nhồi giống của anh để nuôi tại ao của gia đình. Được anh Mãn hướng dẫn quy trình và kỹ thuật nuôi, đến nay, sau hơn 2 tháng tôi thấy ốc nhồi sinh trưởng và phát triển tốt. Do đó, thời gian tới tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích nuôi để phát triển kinh tế cho gia đình.

Có thể nói, mô hình nuôi ốc nhồi của anh Bùi Ngọc Mãn đã giúp phát triển kinh tế gia đình rất hiệu quả, nhất là đối với NKT. Thời gian tới, song song với việc cung cấp con giống cho NKT, anh Mãn sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi ốc nhồi và sẽ bắt đầu cung cấp ốc nhồi thương phẩm ra thị trường.

Chị Tô Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Thái Bình cho biết: Mô hình nuôi ốc nhồi là hướng đi mới của NKT. Qua khảo sát, tôi thấy đây là mô hình khả quan, phù hợp với điều kiện của một số hội viên Hội Người khuyết tật tỉnh cũng như Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật bởi đa số họ sống ở vùng nông thôn, có đầy đủ điều kiện để nuôi ốc nhồi và phù hợp với sức khỏe của NKT. Thời gian tới, tôi hy vọng các hội viên khác có thể nhân rộng mô hình này để ngày càng có thêm nhiều mô hình nuôi ốc nhồi do NKT làm chủ, cùng giúp nhau phát triển kinh tế.  

Thu Hoài

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày