Thứ 6, 29/03/2024, 19:28[GMT+7]

Đề án tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (Sửa đổi, bổ sung năm 2014)

Thứ 4, 08/01/2014 | 08:42:55
2,368 lượt xem
Ngày 27 tháng 12 năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 08-ĐA/TU tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Toàn văn như sau:

I- SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1.  Sự cần thiết xây dựng Đề án

Cán bộ và công tác cán bộ có vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, là khâu then chốt trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cán bộ nói chung và công tác lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ nói riêng; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần nâng cao trình độ, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Tuy nhiên, công tác lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành vẫn còn bộc lộ một số hạn chế; quy trình bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử chưa thực sự bảo đảm dân chủ, khách quan; có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng cục bộ, khép kín.

Để tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013 Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” và Kế hoạch  số 66-KH/TU, ngày 18-7-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng “Đề án tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý”. Kết quả bước đầu thực hiện Đề án đã cơ bản khắc phục được những hạn chế nêu trên. Tuy nhiên, do yêu cầu mới và để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả việc kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành “Đề án tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý” sửa đổi, bổ sung năm 2014.

2. Căn cứ xây dựng Đề án
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 37-KL/TW Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến 2020”;
- Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị “Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;
- Quyết định số 67, 68-QĐ/TW, ngày 04-7-2007 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ; Quy chế bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử;
- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 64-KL/TW, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) “Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”;
- Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
- Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01-3-2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh đến năm 2020”;
 - Quyết định số 654, 655-QĐ/TU, ngày 09-8-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định phân cấp quản lý cán bộ; Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử;
- Đề án số 06- ĐA/TU ngày 14 tháng 8 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý;
- Tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành.

II- NỘI DUNG ĐỀ ÁN
1. Mục đích
Việc tuyển chọn cán bộ nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, uy tín, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý để kiện toàn những vị trí chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý khi khuyết thiếu; thông qua tuyển chọn góp phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Nguyên tắc tuyển chọn
- Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
- Tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý phải kết hợp hài hòa với việc điều động, luân chuyển và phân công cấp ủy để đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ.
- Bảo đảm thực hiện đúng Điều lệ Đảng, quy định của pháp luật, phù hợp với điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng.
- Mỗi vị trí chức danh cần tuyển phải có ít nhất 02 người tham gia dự tuyển; trường hợp không đủ số lượng 02 người dự tuyển, việc kiện toàn chức danh đó do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

3. Phạm vi điều chỉnh
 Đề án này áp dụng đối với các chức danh cán bộ cần tuyển chọn để bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vị trí cao hơn diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến giám đốc sở và tương đương. Việc điều động, luân chuyển cán bộ; kiện toàn chức danh chủ tịch hội đồng nhân dân huyện, thành phố; bổ nhiệm cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong lực lượng vũ trang và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành, không áp dụng Đề án này.
Đối với các đồng chí Tỉnh ủy viên thực hiện sự phân công, điều động theo yêu cầu của cấp ủy tỉnh.

4. Đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển
4.1. Đối tượng dự tuyển
Cán bộ, công chức, viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển, trong đó:
- Đối với các chức danh bổ nhiệm: Là cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch chức danh cần bổ nhiệm và cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch chức danh tương đương trở lên.
- Đối với các chức danh bầu cử: Là cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch chức danh cần bầu.

4.2. Điều kiện của người dự tuyển
- Bảo đảm đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định.
- Người dự tuyển đến thời điểm thông báo kế hoạch tuyển chọn phải có 03 năm liên tục được đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức và xếp loại đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và được tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị nơi công tác nhất trí giới thiệu tham gia dự tuyển.
- Người dự tuyển vào chức danh cấp trưởng đến thời điểm thông báo kế hoạch tuyển chọn phải có ít nhất 03 năm (36 tháng) liên tục giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trở lên. 
- Người dự tuyển vào chức danh cấp phó đến thời điểm thông báo kế hoạch tuyển chọn nếu không là lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên thì phải có ít nhất 05 năm (60 tháng) công tác liên tục ở nơi đang công tác. 
- Đối với các chức danh phó chủ tịch hội đồng nhân dân huyện, thành phố, các chức danh lãnh đạo các ban của hội đồng nhân dân tỉnh nếu không có người dự tuyển do không có trong quy hoạch hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định hình thức giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

4.3. Tiêu chuẩn của người dự tuyển
Người dự tuyển phải đảm bảo tiêu chuẩn chung của cán bộ theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII và tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

5. Hình thức, nội dung tuyển chọn
Người dự tuyển phải tham gia 3 nội dung tuyển chọn:
- Thi viết (tự luận hoặc trắc nghiệm);
- Lấy phiếu tín nhiệm;
- Bảo vệ chương trình hành động.

5.1. Thi viết
 Cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch vào các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phải tham gia kỳ thi viết do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức.
 - Hình thức thi viết: Thi tự luận hoặc thi trắc nghiệm;
Việc lựa chọn hình thức thi tự luận hoặc thi trắc nghiệm do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định ở mỗi kỳ tuyển chọn cán bộ.
- Nội dung thi viết gồm 02 phần: Về kiến thức xây dựng Đảng và kiến thức  quản lý Nhà nước.
- Thời gian thi viết:
+ Đối với thi tự luận, thời gian thi 120 phút;
+ Đối với thi  trắc nghiệm, thời gian thi từ 45-60 phút;
- Thang điểm là 100 điểm, điểm thi của 02 phần như sau:
+ Kiến thức xây dựng Đảng 50 điểm.
+ Kiến thức quản lý Nhà nước 50 điểm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Hội đồng thi và Ban giám sát kỳ thi; Hội đồng thi thành lập các ban giúp việc để tổ chức kỳ thi theo quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thi mỗi nội dung từ 25 điểm trở lên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển, phải đăng ký dự tuyển ít nhất vào 01 vị trí chức danh cần tuyển theo thông báo tuyển chọn đầu năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đối với các vị trí chức danh cán bộ khuyết thiếu phát sinh trong năm, căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có quy định cụ thể về việc đăng ký dự tuyển.

Cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch của vị trí chức danh cần tuyển thì đăng ký dự tuyển vào vị trí chức danh cần tuyển đó; nếu tại thời điểm tuyển chọn mà 01 người được quy hoạch vào nhiều vị trí chức danh cần tuyển thì sẽ lựa chọn đăng ký dự tuyển theo nguyện vọng 1, 2, 3. Trường hợp ở mỗi vị trí chức danh cần tuyển có nhiều người đăng ký, Ban Tổ chức Tỉnh ủy căn cứ vào kết quả thi viết lựa chọn tối đa 04 người để tham gia vào các nội dung tuyển chọn tiếp theo. Trường hợp có 01 người hoặc không có người tham gia dự tuyển vào một vị trí chức danh để bổ nhiệm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy căn cứ vào kết quả Thi viết và năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp để giới thiệu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy những người có chức danh quy hoạch tương đương tham gia dự tuyển.

5.2. Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người dự tuyển ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi đang công tác và giới thiệu của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nơi có vị trí chức danh cần tuyển
- Tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi người dự tuyển đang công tác:
Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị cán bộ, hội nghị cấp ủy và tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. Người dự tuyển phải đạt từ 50% số phiếu tín nhiệm trở lên ở mỗi hội nghị mới được tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm ở hội nghị tiếp theo. Tại hội nghị cán bộ người dự tuyển trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử vào vị trí chức danh cần tuyển, hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm.

- Giới thiệu của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nơi có vị trí chức danh cần tuyển:
Căn cứ kết quả tín nhiệm ở các hội nghị trên và hồ sơ của người dự tuyển, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nơi có vị trí chức danh cần tuyển thể hiện tín nhiệm của mình đối với người dự tuyển, xếp danh sách theo thứ tự tín nhiệm từ cao xuống thấp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Kết quả phiếu tín nhiệm tại hội nghị cán bộ, hội nghị cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị có vị trí chức danh cần tuyển được lượng hóa bằng điểm theo thang điểm 100,  gọi là điểm tín nhiệm; mức điểm từng nội dung như sau:
- Điểm tín nhiệm tại hội nghị cán bộ là 50 điểm (tương đương 50% số điểm).
- Điểm tín nhiệm của hội nghị cấp ủy và tập thể lãnh đạo là 35 điểm (tương đương 35% số điểm).
- Điểm giới thiệu của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị có vị trí chức danh cần tuyển là 15 điểm (tương đương 15% số điểm).
Nội dung, phương pháp lấy phiếu tín nhiệm ở các hội nghị; phương pháp lượng hóa phiếu tín nhiệm thành điểm tín nhiệm được quy định cụ thể trong Quy chế tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người dự tuyển là thời điểm khuyết thiếu vị trí chức danh cần tuyển.

5.3. Bảo vệ chương trình hành động tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Căn cứ kết quả thi viết và điểm lấy phiếu tín nhiệm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định tiêu chuẩn của người dự tuyển trước khi tham gia bảo vệ chương trình hành động tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trường hợp sau khi có kết quả thi viết và kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ở một vị trí cần tuyển có trên 04 người dự tuyển thì lựa chọn để thẩm định 04 người theo thứ tự từ người có điểm cao nhất trở xuống.

Người dự tuyển trình bày chương trình hành động và trả lời câu hỏi tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy; mỗi đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấm điểm theo thang điểm 100. Điểm bảo vệ chương trình hành động của người dự tuyển là điểm trung bình cộng của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được nhân hệ số 1,2.

Thời điểm bảo vệ chương trình hành động: Sau khi hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm và thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn chức danh cán bộ cần tuyển đối với người dự tuyển Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cho người dự tuyển bảo vệ chương trình hành động.

6. Xác định người trúng tuyển
6.1. Phương pháp tính điểm
Điểm của người dự tuyển là tổng số điểm của 03 nội dung tuyển chọn, bao gồm: Điểm thi viết, điểm tín nhiệm và điểm bảo vệ chương trình hành động.

6.2. Xác định người trúng tuyển
Người trúng tuyển trong kỳ tuyển chọn là người đã được thẩm định đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh cán bộ cần tuyển và có tổng số điểm cao nhất. Trường hợp có trên 02 người dự tuyển có tổng số điểm bằng nhau thì người trúng tuyển là người có số điểm cao hơn ở các nội dung theo thứ tự: điểm bảo vệ chương trình hành động; điểm thi viết. Nếu các nội dung trên có số điểm bằng nhau thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét, bỏ phiếu biểu quyết để xác định người trúng tuyển.

7. Bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử
7.1. Căn cứ vào kết quả đạt được của người trúng tuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, biểu quyết bổ nhiệm hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử.
7.2. Nếu không có người trúng tuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện việc điều động cán bộ để bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử.

8. Quy trình tổ chức tuyển chọn
8.1. Hàng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt vị trí chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý khuyết thiếu cần tuyển chọn.
8.2. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông báo các vị trí chức danh cần tuyển chọn trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
8.3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế thi, kế hoạch thi viết; thành lập Hội đồng thi, ban giám sát kỳ thi; tổ chức thi viết sau khi tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch hàng năm.
8.4. Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị có vị trí chức danh cần tuyển tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển. Căn cứ số lượng người đăng ký dự tuyển ở mỗi vị trí chức danh cần tuyển lựa chọn, giới thiệu đủ số lượng người tham gia dự tuyển theo quy định; đồng thời thông báo cho những người đủ điều kiện được tham gia dự tuyển, thông báo cho cơ quan, đơn vị có vị trí chức danh cần tuyển và cơ quan, đơn vị có người dự tuyển biết, phối hợp thực hiện các nội dung tuyển chọn tiếp theo.
8.5. Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn chức danh cán bộ cần tuyển và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức bảo vệ chương trình hành động cho người dự tuyển.
8.6. Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết nghị bổ nhiệm cán bộ hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử.

9. Xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức không tham gia các nội dung tuyển chọn.
Cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch vị trí chức danh cần tuyển không tham gia dự thi viết hoặc không đăng ký dự tuyển mà không có lý do chính đáng thì sau 03 năm (36 tháng) mới được tham gia dự tuyển vào các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch chức danh tương đương với vị trí chức danh cần tuyển không tham gia dự thi viết hoặc không đăng ký dự tuyển mà không có lý do chính đáng thì sau 02 năm (24 tháng) mới được tham gia dự tuyển vào các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sửa đổi, bổ sung “Quy chế tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý” để tổ chức thực hiện.
2. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 01 kỳ thi viết cho cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Kết quả thi viết của người dự thi được sử dụng để dự tuyển vào các vị trí chức danh cần tuyển cho đến khi tổ chức kỳ thi viết tiếp theo.
3. Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan xác định vị trí chức danh cán bộ cần tuyển, tổng hợp số lượng báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tuyển chọn để tổ chức thực hiện.
4. Ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan thực hiện Đề án; đồng thời cụ thể hoá việc tuyển chọn cán bộ đến cấp trưởng phòng và tương đương, hiệu trưởng các trường công lập từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông và các đơn vị sự nghiệp công lập khác theo phân cấp quản lý; thời gian thực hiện từ quý I năm 2014.
5. Kinh phí thực hiện tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được cấp từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Đề án này thay thế Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 14-8-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, các địa phương, cơ quan, đơn vị báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) để điều chỉnh, bổ sung.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày