Thứ 6, 29/03/2024, 22:26[GMT+7]

Thái Bình: Từ ngày 15/4 sẽ chuyển đổi mã vùng viễn thông

Thứ 7, 15/04/2017 | 08:33:35
21,036 lượt xem
Thực hiện Quyết định số 2036 của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ tháng 2/2017, 59 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ được quy hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại mới. Theo lộ trình, Thái Bình nằm trong đợt 2 của việc chuyển đổi mã vùng. Từ ngày 15/4, mã vùng cũ 036 sẽ chuyển thành 0227.

Cán bộ kỹ thuật VNPT Thái Bình bảo đảm kỹ thuật phục vụ công tác chuyển đổi mã vùng.

Những ảnh hưởng nhất định

Việc thực hiện các cuộc gọi liên tỉnh từ thuê bao di động hoặc quốc tế đến thuê bao cố định (TBCĐ) sẽ không tránh khỏi bị gián đoạn do chịu tác động của chuyển đổi mã vùng. Người dân, cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp sử dụng TBCĐ sẽ chịu ảnh hưởng nhất định do phải làm lại các sản phẩm có gắn mã vùng trước số TBCĐ như biển quảng cáo, danh thiếp, tờ rơi, bao bì sản phẩm, hàng khuyến mại… Là một doanh nghiệp vận tải uy tín lâu năm, Công ty Cổ phần Hoàng Hà cũng chịu tác động từ việc chuyển đổi mã vùng. 

Ông Phan Văn Thuần, Trưởng phòng Điều hành taxi Hoàng Hà cho biết: Hiện Công ty có gần 370 đầu xe các loại, trong đó, ngoài xe khách chạy tuyến liên tỉnh, xe buýt, xe cho thuê thì một số lượng lớn là xe taxi. Trước chủ trương chuyển mã vùng, dịch vụ gọi xe taxi chủ yếu thông qua TBCĐ chắc chắn bị thiệt hại đầu tiên. Ngoài ra, Công ty phải bỏ ra chi phí trung bình 800.000 đồng/xe cho việc sơn sửa, thay đổi quảng cáo các đầu số trên xe. Chi phí in ấn lại các biển quảng cáo tại các điểm chờ xe buýt trong toàn tỉnh và một số bến xe ngoại tỉnh tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. 

Cùng chung tâm trạng đó, anh Nguyễn Văn Dương, một chủ cửa hàng kinh doanh gas tại thành phố Thái Bình chia sẻ: Khách thường gọi đổi gas và các dịch vụ khác theo số TBCĐ của cửa hàng, nay đổi đầu số mã vùng, khách chưa quen đầu số mới gọi không liên lạc được sẽ gọi cửa hàng khác, đồng nghĩa với việc tôi sẽ bị mất khách. Ngoài ra, chúng tôi phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc in lại biển quảng cáo, tờ rơi, hàng khuyến mại… Biết là khó khăn chung nhưng trước những lợi ích trong tương lai, người dân chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.

Hướng tới lợi ích dài lâu

Trong những năm qua, do việc chia, tách và hợp nhất một số tỉnh, thành phố, độ dài mã vùng của Việt Nam không nhất quán, có tỉnh có mã vùng dài 2 chữ số, có tỉnh 3 chữ số thậm chí lên đến 4 chữ số, đầu số cũng chưa có sự thống nhất. Ví dụ như trước đây mã vùng của Hà Nội là 04, Thái Bình là 036, Nam Định lại là 0350, Đăk Nông là 0501. Điều này không phù hợp với thông lệ viễn thông quốc tế, đồng thời dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ cho người sử dụng. Việc chuyển đổi mã vùng nằm trong quy hoạch kho số viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông. Dự kiến, sau khi quy hoạch, tất cả các TBCĐ sẽ dồn về đầu số mã vùng 02. Ngoại trừ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có đầu số với ba chữ số là 024 và 028, tất cả các tỉnh, thành phố còn lại mã vùng sẽ có 4 số và được thống nhất theo vùng địa lý. Ví dụ mã vùng của Hải Phòng là 0225, Hà Nam là 0226, Thái Bình 0227, Nam Định 0228. Sau khi thống nhất lại mã vùng cho thuê bao cố định, kho số quốc gia sẽ dư ra 6 đầu số.

Trong 6 đầu số thu được, đầu số 06 sẽ được dùng cho các dịch vụ mới như: điện thoại internet, điện thoại vệ tinh, dùng cho các cơ quan đảng, nhà nước… 5 đầu số còn lại sẽ là nguồn tài nguyên quốc gia, phục vụ mục đích lâu dài về sau như chuyển thuê bao di động 11 chữ số về 10 chữ số, góp phần hạn chế sim rác, tin nhắn rác… Ngoài ra, việc chuyển đổi mã vùng sẽ giúp độ dài mã vùng được nhất quán, đáp ứng thông lệ quốc tế. Đây là những việc làm cần thiết, mang lại nhiều lợi ích và mang tính bền vững so với những ảnh hưởng tiêu cực gây ra. Những tác động của việc chuyển đổi mã vùng TBCĐ là có nhưng sẽ không quá lớn và cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn trước khi người dân quen với mã vùng mới.

Ngoài việc chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, để bảo đảm công tác chuyển đổi mã vùng được thông suốt, Trung tâm Kinh doanh VNPT Thái Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp trong toàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, chuyên viên truyền thông, Trung tâm Kinh doanh VNPT Thái Bình cho biết: Từ 2 tháng trước, công tác truyền thông đã được VNPT Thái Bình triển khai tới 14 điểm giao dịch, 1.150 điểm bán hàng, trên 110.000 khách hàng sử dụng TBCĐ, tất cả các doanh nghiệp trong toàn tỉnh và nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, qua công văn, email, trên phiếu báo cước, nhắn tin tới các đầu số thuê bao, tờ rơi, băng rôn… Ngoài ra, VNPT Thái Bình còn tiến hành biện pháp kỹ thuật để quay số song song trong 30 ngày, duy trì âm thông báo trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ khi kết thúc việc quay số song song, sau khi kết thúc âm thông báo, các cuộc gọi TBCĐ trên địa bàn Thái Bình chỉ thành công khi người sử dụng quay số theo mã vùng mới 0227.

Trịnh Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày