Thứ 7, 20/04/2024, 09:19[GMT+7]

Đi đầu trong nghiên cứu khoa học

Thứ 3, 25/04/2017 | 08:23:30
1,257 lượt xem
Ngoài giảng dạy và khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm đối với mỗi cán bộ, giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Do đó mỗi năm, Trường có hàng chục đề tài nghiên cứu, trong đó nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng trong hoạt động khám chữa bệnh tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Do thường xuyên bê vác nặng nên bà Nguyễn Thị Bốn ở thôn Lam Sơn, xã Song An (Vũ Thư) bị trượt cột sống, thoái hóa xương vùng eo lưng không thể ngồi lâu và đi bộ được với khoảng cách 20m. Sau khi được các bác sĩ tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình chẩn đoán, tư vấn, bà Bốn quyết định mổ tại Thái Bình. Ca mổ diễn ra thành công. Đến nay, sức khỏe của bà Bốn đã bình phục. Bà có thể tham gia lao động sản xuất bình thường. Bà Bốn chia sẻ: Bản thân tôi cảm thấy may mắn khi được mổ trong tỉnh, đỡ tốn chi phí và thời gian đi lại, không phải lên Hà Nội nên người thân chăm sóc cũng thuận tiện hơn. Sau khi mổ, tôi thấy người khỏe mạnh, tiếp tục quay lại nghề xay xát gạo.

Trường hợp của bà Bốn chỉ là 1 trong số gần 80 bệnh nhân được mổ hẹp ống sống thắt lưng tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình thời gian qua. Đây là kết quả của việc ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chẩn đoán và triển khai ứng dụng phẫu thuật điều trị bệnh lý hẹp ống sống thắt lưng cùng” của Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Hải, Trưởng Bộ môn Khoa Chấn thương Trường Đại học Y Dược Thái Bình vào hoạt động khám chữa bệnh. Việc ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn đã mang lại niềm vui cho nhiều người bệnh.

Phó GS, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết: Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, nhà trường luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, giảng viên, sinh viên thực hiện đề tài. Trường cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học cho cán bộ trẻ và sinh viên nhằm tìm ra những đề tài mới, hiệu quả ứng dụng cao. Bên cạnh đó, nhà trường đã lấy tiêu chí nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố bắt buộc để đánh giá thi đua, bình xét hàng năm, đồng thời thành lập hội đồng cố vấn để giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu. Với khoảng 86% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học, mỗi năm nhà trường có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài đã dự hội thi khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường y dược Việt Nam và đạt giải cao như: “Đánh giá kết quả nội soi vá nhĩ bằng màng sụn nắp bình tai” của Thạc sĩ Khiếu Hữu Thanh đạt giải xuất sắc, đề tài “Phát hiện đột biến gen F8 gây bệnh Hemophillia A bằng kỹ thuật PCR” của Thạc sĩ Bùi Thị Minh Phượng đạt giải nhì.

Cùng với những đề tài của giảng viên là sự ra đời của 15 đến 20 đề tài do sinh viên nghiên cứu mỗi năm. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã gắn kết các bạn sinh viên tham gia Câu lạc bộ Khoa học trẻ của Trường. Từ nền móng là niềm đam mê, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, nhiều đề tài tham dự giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc và đã đạt giải, trong đó điển hình như đề tài: “Kiến thức thái độ và nhu cầu giáo dục giới tính của học sinh hai Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh và Nguyễn Trãi tỉnh Thái Bình năm 2016” của nhóm sinh viên Phạm Thị Thu Huyền, Trần Thị Khuyên, Trương Diệu Thu, Đào Huy Cừ, Nguyễn Thế Duy đạt giải nhì.

Không chỉ là giải thưởng, thành công lớn nhất của các đề tài là việc áp dụng vào thực tiễn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là nguồn động viên, khích lệ để mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên hăng say nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu tại Trường gặp một số khó khăn. 

Phó GS, TS Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm: Hiện nay, một giảng viên phải thực hiện nhiều nhiệm vụ giảng dạy, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học. Thêm vào đó, số lượng sinh viên đông, giờ giảng tăng, địa điểm giảng dạy mở rộng ra các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh… nên quỹ thời gian nghiên cứu khoa học của thầy cô bị bó hẹp hơn. Giải quyết khó khăn trên, Trường thường xuyên động viên, sắp xếp tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên có thời gian nghiên cứu. Năm 2017, Trường có 93 đề tài được triển khai, trong đó có 6 đề tài cấp tỉnh. Đây vừa là nguồn động viên, khích lệ cũng là yêu cầu đòi hỏi cán bộ, giảng viên phải nỗ lực, phát huy tính sáng tạo để các đề tài nghiên cứu có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày