Thứ 6, 19/04/2024, 14:33[GMT+7]

Dồn điền đổi thửa ở Thái Thụy Phải quyết tâm mới hoàn thành

Thứ 3, 27/11/2012 | 15:25:31
2,682 lượt xem
Sau 22 xã đã dồn điền đổi thửa trong 2 năm 2010-2011, thời điểm này 23 xã còn lại của Thái Thụy tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng theo tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, quá trình thực hiện ở cơ sở sẽ phát sinh các vướng mắc, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân thì sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.

Nông dân Thái Thụy tích cực đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới

Năm 2012, Thái Thụy xác định nhiệm vụ trong tâm trong xây dựng nông thôn mới là tập trung chỉ đạo hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện để chỉnh trang đồng ruộng, đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng theo hướng sản xuất hàng hoá. Vì vậy, ngay từ đầu năm, huyện ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn các xã  thành lập tiểu ban dồn điền đổi thửa, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, lợi ích mà dồn điền đổi thửa mang lại. Xây dựng phương án dồn điền đổi thửa trên cơ sở điều tra, kiểm kê, xác định quỹ đất, cắm mốc giao thông thủy lợi nội đồng, cân đối diện tích đất nông nghiệp giữa các thôn cụ thể, chi tiết, chính xác và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương mình.

 

Kết quả, đến trung tuần tháng 11/2012, Thái Thụy đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng cho 100% xã và phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa cho xã Thụy Ninh; 2 xã đã giao ruộng cho nhân dân là Thái Thành, Thụy Dương; 15 xã đã điều tra xong hiện trạng, xây dựng định hướng chung đưa xuống các thôn bàn bạc, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, tổ chức đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng. Hầu hết người dân đều đồng thuận góp đất nông nghiệp, tích cực tham gia làm thủy lợi.

 

Tại xã Thụy Sơn, ngay từ cuối tháng 10, đầu tháng 11, đã tổ chức cho nhân dân ra đồng làm thủy lợi với khí thế đông vui như ngày hội. Chủ tịch UBND xã Ngô Ngọc Chiêm cho biết: "Để lấy ý kiến hoàn thiện phương án dồn điền đổi thửa, đến thời điểm này xã đã tổ chức hàng chục cuộc họp, trung bình mỗi thôn 5 cuộc để bàn bạc, thảo luận, tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân bằng nhiều hình thức. Nhờ vậy, đa số người dân đều đồng thuận hiến đất, góp công thực hiện dồn điền đổi thửa. Dự kiến trong tháng 11, Thụy Sơn sẽ hoàn thành đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng với khối lượng 104.478m3, đầu tháng 12 sẽ tổ chức bốc thăm chia ruộng và sẽ phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, phấn đấu trung bình mỗi hộ nhiều nhất cũng chỉ còn 2 thửa".

 

Cũng dồn điền đổi thửa như Thụy Sơn, nhưng xã Thái Hoà còn nỗ lực trồng được 170 ha cây vụ đông. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Quân cho biết: "Thái Hoà chủ động xây dựng phương án dồn điền đổi thửa từ năm 2011, hoàn thành phóng tuyến khi lúa mùa chưa trỗ, sau khi thu hoạch đã cắm 1.780 cọc bê tông. Càng khó khăn, càng thấy được quyết tâm của nhân dân, bà con vừa khôi phục cây vụ đông vừa làm thủy lợi nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, từ 16/10 đến 16/11 hoàn thành đủ khối lượng. Việc còn lại là bốc thăm chia ruộng cho nhân dân và Thái Hoà sẽ phấn đấu hoàn thành việc dồn điền đổi thửa trong năm 2012".

 

Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng hiện nay dồn điền đổi thửa ở Thái Thụy cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Cái khó trước hết là số lượng các xã còn phải thực hiện dồn đổi ruộng nhiều nhưng lại tập trung chủ yếu ở khu Namon> huyện, điều kiện đất canh tác không đồng đều. Một số xã có diện tích đất xâm canh với nhiều xã lân cận nên phụ thuộc vào quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng của những địa phương đó. Trung bình mỗi xã ở Thái Thụy khối lượng đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng từ 70.000 đến 120.000m3, công việc này thực hiện chủ yếu dựa vào sức dân nhưng hiện nay việc huy động nhân lực rất khó khăn do nhiều lao động ở nông thôn đi làm ăn xa, trong khi quỹ thời gian của năm còn rất ít. Cá biệt, hiện nay nhiều xã chưa thực hiện việc đào đắp nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dồn điền đổi thửa. Ngoài ra, do khối lượng công việc nhiều, hầu hết các địa phương thiếu nguồn kinh phí thực hiện việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, gặp khó khăn trong thanh toán các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước...

 

Trước những khó khăn đặt ra, nhiều địa phương kiến nghị với tỉnh, huyện hỗ trợ các phương án giải quyết, trong đó có đề nghị tạm ứng hoặc vay nguồn kinh phí để tập trung cho đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng. Theo lời ông Phạm Hữu Thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện thì: trong số 22 xã của Thái Thụy đã thực hiện dồn điền đổi thửa cũng gặp những khó khăn tương tự nhưng đều đã cơ bản hoàn thành, chưa kể nhiều xã làm  rất tốt và có sáng kiến hay trong huy động sức dân, tổ chức sản xuất... Dồn điền đổi thửa vừa là yêu cầu cấp bách nhưng cũng phải thực hiện một cách đồng bộ, lâu dài gắn với quy vùng sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả sản xuất. Vì vậy, vấn đề mấu chốt và quan trọng vẫn là sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân một cách "thấu tình đạt lý" và đặt quyền lợi của tập thể lên hàng đầu thì gian khó đến mấy vẫn sẽ thành công.

Nguyễn Hình

(Bài dự thi viết về đề tài xây dựng Nông thôn mới)

 

 

  • Từ khóa