Thứ 3, 23/04/2024, 23:15[GMT+7]

Đừng đánh mất hình ảnh người lao động Việt Nam

Thứ 4, 03/05/2017 | 08:17:39
1,404 lượt xem
Với trên 700 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Thái Bình là một trong những tỉnh có số lao động quá hạn không về nước đông của cả nước. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Bùi Công Nhan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) ở tỉnh Thái Bình trong thời gian qua?

Ông Bùi Công Nhan: Có thể nói, Hàn Quốc là thị trường tiềm năng của XKLĐ Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Chương trình hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc với mức chi phí hợp lý góp phần quan trọng trong hoạt động XKLĐ của tỉnh và đã đem lại nguồn ngoại tệ lớn. Hầu hết lao động Thái Bình đi làm việc tại Hàn Quốc có việc làm ổn định, thu nhập tốt, là kênh truyền thông quan trọng để thân nhân, bạn bè, lao động địa phương chú ý tới chương trình này.

Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây, do có nhiều lao động của tỉnh đã hết hạn hợp đồng nhưng ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc gây ảnh hưởng đến quá trình XKLĐ tại các địa phương trong tỉnh. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 1.965 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, trong đó có trên 700 trường hợp đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Cùng với Thái Bình, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đông nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản về việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2017 đối với các quận, huyện có từ 60 lao động trở lên đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tỉnh Thái Bình có 4 huyện phải tạm dừng XKLĐ sang Hàn Quốc: Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thụy. Đây là điều rất đáng tiếc ảnh hưởng xấu đến uy tín của người lao động Việt Nam, làm mất đi cơ hội được làm việc tại Hàn Quốc của nhiều lao động khác.

Phóng viên: Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng số người lao động Việt Nam nói chung và lao động Thái Bình nói riêng đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng đông, thưa ông?

Ông Bùi Công Nhan: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng số người lao động Việt Nam và Thái Bình cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đông, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

Trước tiên, Hàn Quốc là thị trường lao động có tiềm năng, mức thu nhập cao hơn một số thị trường khác; thu nhập của người lao động làm việc cho các doanh nghiệp ngoài hợp đồng thường cao hơn thu nhập của doanh nghiệp ký hợp đồng nên nhiều lao động trốn ra ngoài làm để có thu nhập.

Nhận thức, ý thức của người lao động chưa tốt. Vì lợi ích kinh tế trước mắt của cá nhân mà người lao động bỏ qua các điều khoản quy định của pháp luật hoặc không nhận thức đầy đủ về chính sách việc làm lâu dài, cố tình trốn ra ngoài làm việc và nghĩ không ảnh hưởng đến công tác XKLĐ.

Công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền, đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự quyết liệt, thiếu sự hợp tác kiên quyết của thân nhân người lao động. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm đối với lao động cư trú bất hợp pháp mới có từ phía Việt Nam, phía Hàn Quốc chưa có đầy đủ chế tài xử lý đối với doanh nghiệp sử dụng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp.

Phóng viên: Vậy chế tài xử lý vi phạm của Việt Nam đối với lao động cư trú bất hợp pháp quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Công Nhan: Ngày 22/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó Khoản 2, Khoản 3 Điều 35 của Nghị định quy định rõ mức phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định. Đồng thời buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn từ 2 - 5 năm đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

Phóng viên: Để giảm số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tỉnh ta đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Bùi Công Nhan: Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, huyện, thành phố tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng hạn; tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở thông tin cho người dân biết về tình hình lao động của tỉnh tại Hàn Quốc, danh sách lao động hết hạn hợp đồng không về nước; đưa ra các biện pháp xử lý đối với người lao động cố tình ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, đồng thời thực hiện nghiêm Nghị định số 95 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

Phối hợp cùng các huyện, thành phố, các địa phương triển khai chính sách ân hạn đối với lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước; tổ chức ký cam kết với thân nhân người lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động của địa phương vi phạm hợp đồng; gửi thư đến gia đình người lao động vận động con, em họ chấp hành quy định pháp luật, không vi phạm hợp đồng lao động, về nước đúng thời hạn; phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về XKLĐ.

Bên cạnh đó, các địa phương nắm rõ tình hình lao động, thống kê báo cáo kịp thời số lượng lao động xuất cảnh và lao động về nước để báo cáo với cấp có thẩm quyền. Với đơn vị được cấp phép đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc cần làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo tay nghề và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi xuất cảnh đi làm việc ở Hàn Quốc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường 

(Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày