Thứ 6, 29/03/2024, 13:26[GMT+7]

Người lao động chưa quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động

Thứ 4, 03/05/2017 | 09:32:29
2,883 lượt xem
An toàn vệ sinh lao động (ATVLĐ) có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp mặc dù được đơn vị trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động song NLĐ vẫn không sử dụng. Điều này là một phần nguyên nhân dẫn tới số vụ tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng.

Mặc dù được trang bị bảo hộ lao động nhưng hầu hết công nhân Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Thái Bình không sử dụng.

Theo quy định về ATVSLĐ, việc sử dụng bảo hộ lao động là yêu cầu bắt buộc đối với NLĐ trong quá trình lao động sản xuất nhưng trên thực tế tình trạng NLĐ không sử dụng bảo hộ lao động vẫn còn khá phổ biến. 

Xí nghiệp gạch Vũ Hội thuộc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Thái Bình hiện có 83 công nhân lao động, trong đó chủ yếu là NLĐ trực tiếp. Mỗi ngày, số công nhân ở đây phải bốc xếp hàng vạn gạch trong môi trường ồn ào và khói bụi, vì vậy để bảo đảm sức khỏe và bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ, hàng năm Xí nghiệp đầu tư hơn 60 triệu đồng để trang bị bảo hộ lao động. Thế nhưng ngoài quần áo, các trang bị khác như mũ, khẩu trang, gang tay hầu như NLĐ tại Xí nghiệp đều không sử dụng. Lý do mà họ đưa là do ý thích cá nhân. 

Anh Đỗ Văn Hùng, công nhân Xí nghiệp gạch Vũ Hội chia sẻ: Tôi biết việc không thường xuyên sử dụng bảo hộ lao động sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và mất ATVSLĐ nhưng do thời tiết nắng nóng, mồ hôi ra nhiều nên tôi và một số công nhân đã không sử dụng. Mặc dù hàng năm, Hội đồng Bảo hộ lao động và Chỉ đạo ATVSLĐ - phòng, chống cháy, nổ của Công ty thường xuyên cử người xuống các xí nghiệp để tuyên truyền, nhắc nhở NLĐ sử dụng bảo hộ lao động, thậm chí đưa ra một số hình thức xử lý vi phạm, song do thói quen và tác phong làm việc của NLĐ nên phần lớn công nhân vẫn không thực hiện các quy định về bảo hộ lao động.

Việc NLĐ thờ ơ với các thiết bị ATVSLĐ, không được hướng dẫn tập huấn các kỹ năng sử dụng cơ bản đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2016, mặc dù tai nạn lao động có chiều hướng giảm về số vụ so với cùng kỳ nhưng mức độ thiệt hại và diễn biến khó kiểm soát. Trong năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 70 vụ tai nạn lao động, trong đó có 14 vụ làm chết 18 người, đặc biệt có tới 8 vụ xảy ra trong quá trình trực tiếp lao động sản xuất. 

Điển hình vào tháng 10/2016 xảy ra vụ nổ thiết bị chịu áp lực tại cơ sở chế biến don biển của hộ kinh doanh cá thể thuộc xã Thụy Hải (Thái Thụy) làm 4 người chết, 11 người bị thương. Tổng số thiệt hại (cả bồi thường) từ các vụ tai nạn lao động lên đến 3,8 tỷ đồng. Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động, ngoài việc doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác bảo đảm ATVSLĐ thì NLĐ coi nhẹ vấn đề này cũng chiếm cao. Số liệu thống kê cho thấy, trong các vụ tai nạn, số vụ tai nạn do người sử dụng lao động chiếm khoảng 50%, do NLĐ chiếm khoảng 35%.

Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ quy định tháng 5 hàng năm là tháng hành động về ATVSLĐ. Theo bà Vũ Thị Thắm, Phó trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để giảm số vụ tai nạn lao động, ngoài việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ, cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động, nhất là tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm ATVSLĐ và phòng, chống cháy, nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, phát hiện xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình lao động sản xuất. Cùng với đó, các chủ sử dụng lao động cũng cần quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn và sức khỏe của NLĐ; đặc biệt khi trang bị máy móc, dụng cụ bảo hộ cho NLĐ cũng phải phù hợp với thực tế của công việc để NLĐ sử dụng bảo hộ lao động một cách hiệu quả trong quá trình lao động sản xuất. NLĐ phải nâng cao ý thức tự giác trong việc sử dụng phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày