Thứ 6, 29/03/2024, 18:29[GMT+7]

Để lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn

Thứ 2, 28/08/2017 | 09:39:34
1,076 lượt xem
Hiện nay, tình trạng lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước ở lại cư trú bất hợp pháp đang ngày càng phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu lao động. Giải pháp nào để người lao động về nước đúng hạn đang được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các huyện, thành phố rất quan tâm.

Tư vấn về xuất khẩu lao động cho thân nhân người lao động tại huyện Quỳnh Phụ.

Theo báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến ngày 30/6/2017, cả nước có 38.934 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc trong đó số lao động hết hạn hợp đồng đang cư trú bất hợp pháp 15.478 người. 

Tại Thái Bình, tính đến ngày 31/7/2017 toàn tỉnh còn 754 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong tổng số khoảng 1.200 lao động đang làm việc tại nước này. Đây là con số khá lớn dẫn đến tình trạng thị trường lao động Hàn Quốc đóng cửa đối với một số huyện trong tỉnh. Hiện tại tỉnh có 4 huyện có số lao động vượt quá giới hạn so với quy định là Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thụy nên không được xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc trong năm 2017.

Tuyên truyền, vận động gia đình có người thân làm việc quá hạn tại Hàn Quốc ở xã Vũ Tiến (Vũ Thư).

Để giảm tình trạng cư trú bất hợp pháp, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các ngành, các địa phương tích cực tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động lao động về nước tại một số huyện, xã có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp; hướng dẫn các địa phương triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9/5/2016 của Chính phủ và thông tin bản ghi nhớ chương trình EPS với Hàn Quốc đến các tổ chức, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn để phổ biến chính sách ân hạn và nội dung ghi nhớ đến mọi người dân, đặc biệt là những gia đình có người thân đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc biết và hiểu rõ nội dung của chính sách để vận động, kêu gọi, khuyên nhủ người lao động tự nguyện về nước trong thời gian ân hạn để không bị xử phạt hành chính và được tiếp tục ở lại làm việc tại Hàn Quốc hợp pháp. 

Tại các huyện, thành phố cũng đã gửi thư của Chủ tịch UBND huyện đến các gia đình người lao động cư trú bất hợp pháp, kêu gọi con em hết hạn hợp đồng lao động về nước, chấp hành theo đúng quy định của pháp luật, vận động người thân về nước đúng thời hạn. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo danh sách lao động có hộ khẩu thường trú tại các huyện, thành phố không về nước đúng hạn ở lại cư trú bất hợp pháp để các địa phương biết tuyên truyền, vận động. 

Sau một thời gian tuyên truyền, vận động bước đầu đã có sự chuyển biến. Năm 2016, tỉnh có 5 huyện tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc (Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thụy, Đông Hưng), đến năm 2017 huyện Đông Hưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã giảm được số lao động cư trú bất hợp pháp so với quy định nên được mở cửa lại thị trường xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc giúp cho nhiều lao động trong huyện có cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc.

Thời gian tới, để giảm số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, theo ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp cùng các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại địa phương để người dân biết đầy đủ về thông tin thị trường lao động, tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, danh sách lao động hết hạn hợp đồng không về nước để chính quyền địa phương, đoàn thể và gia đình kêu gọi, vận động con em về nước. Các huyện, thành phố giao chỉ tiêu cho các tổ chức, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong việc vận động lao động của địa phương về nước đúng hạn. Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động về ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành pháp luật. Thực hiện tốt các chế tài, biện pháp xử lý đối với người lao động cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp.


Ông Song Kil Yong, Trưởng đại diện Văn phòng cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam

Việt Nam là thị trường lao động rất tiềm năng, người Việt Nam cần cù, chăm chỉ, năng động và thông minh, vì vậy luôn được chủ sử dụng lao động của Hàn Quốc đánh giá cao. Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật về xuất khẩu lao động của người lao động còn chưa nghiêm, nhiều lao động hết thời hạn hợp đồng không chịu về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp. Việt Nam cần tổ chức nhiều hơn các buổi tư vấn pháp luật và tích cực tuyên truyền, vận động người lao động Việt Nam về nước đúng hạn, có như vậy mới giữ được hình ảnh lao động Việt Nam với thị trường lao động các nước.


Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Để khuyến khích lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ tích cực phối hợp với phía Hàn Quốc tổ chức kỳ thi tiếng Hàn dành cho lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc. Đối với lao động sau khi hết hạn về nước không có ý định trở lại Hàn Quốc làm việc chúng tôi sẽ phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố để tổ chức các hội chợ, phiên giao dịch việc làm hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động vào làm việc tại công ty Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.


Anh Nguyễn Quang Boong, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng

Tôi có gần 5 năm làm việc Hàn Quốc theo hợp đồng lao động, hết hạn tôi về nước và tiếp tục dự kỳ thi tiếng Hàn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức và đã trúng tuyển, tôi đang làm thủ tục để tiếp tục đi Hàn Quốc làm việc. Tôi thấy việc tổ chức kỳ thi tiếng Hàn hàng năm là cơ hội rất tốt cho những ai có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc. Qua đây tôi cũng mong người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc nên thực hiện đúng hợp đồng lao động để không ảnh hưởng đến những người lao động khác.


Nguyễn Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày