Thứ 6, 19/04/2024, 22:40[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi hành Luật Hôn nhân gia đình năm 2000

Thứ 4, 17/04/2013 | 20:10:47
1,070 lượt xem
Ngày 16/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi hành Luật Hôn nhân gia đình.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: sotuphap.thaibinh.gov.vn

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Cao Thị Hải – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;  lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Phòng Tư pháp và đại diện một số tổ hòa giải trên địa bàn Thành phố Thái Bình.

Hội nghị đã nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày báo cáo tổng kết 12 năm thực hiện Luật Hôn nhân gia đình. Luật Hôn nhân gia đình đã có tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Luật đã góp phần xây dựng, hoàn thiện, bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ; xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình; kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật còn một số tồn tại như: một số quy định chưa tạo ra cơ chế pháp lý hiệu quả trong điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình vốn có nhiều đặc thù so với các quan hệ dân sự khác, chưa thực sự phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của các quan hệ dân sự - quan hệ tư, một số quy định có tính khả thi thấp làm cho việc công nhận, thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình còn gặp nhiều khó khăn, một số quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn chưa được Luật quy định hoặc Luật quy định không cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giao lưu dân sự, hội nhập quốc tế của Việt Nam...

Hội nghị còn được nghe báo cáo mục tiêu, quan điểm và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân gia đình năm 2000. Theo Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân gia đình  lần này tập trung vào một số trọng tâm chính như: áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình, điều kiện kết hôn, quan hệ chung sống như vợ chồng, xác lập tài sản, ly thân, các căn cứ ly hôn, mang thai hộ, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, hôn nhân có yếu tố nước ngoài...

Hội nghị được nghe 16 ý kiến phát biểu, thảo luận sôi nổi của các bộ, ban, ngành, địa phương ở các đầu cầu trong cả nước về những bất cập, tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật; mục tiêu, quan điểm, định hướng tiến tới xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân gia đình năm 2000.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tổ chức thi hành Luật, đồng thời nhấn mạnh qua 12 năm thi hành Luật đã đi vào cuộc sống của người dân, đảm bảo tốt hơn quyền công dân và con người, giữ gìn phát huy phong tục tập quán,truyền thống đạo đức dân tộc. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế như: một số quy định có tính khả thi không cao, chưa quy định cụ thể, rõ ràng, có những quan hệ chưa được Luật điều chỉnh... đã ảnh hưởng không tốt đến việc củng cố chế độ hôn nhân gia đình Việt Namon>. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung đóng góp ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật một cách hiệu quả thiết thực nhất, trong đó lưu ý tới quyền con người, bảo đảm quyền lợi bà mẹ, trẻ em, sự hài hòa giữa truyền thống Việt Nam và thông lệ quốc tế, kế thừa các quy định hiện hành, kết hợp với học  tập có chọn lọc kinh nghiệm của các nước khác, có quy định rõ ràng thống nhất áp dụng phong tục tập quán khi giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền công dân, quyền con người với việc Việt Nam là thành viên của nhiều Công ước quốc tế về hôn nhân gia đình.

Liễu Lập (Sở Tư pháp )

  • Từ khóa