Thứ 6, 29/03/2024, 03:54[GMT+7]

Trường Sa - Khúc tráng ca (Bài 8)

Thứ 3, 09/05/2017 | 09:37:03
1,361 lượt xem
Câu cá ở Trường Sa với những người lính là cả một câu chuyện đầy thú vị. Câu cá trên tàu lại càng thể hiện sự tài hoa, nghệ thuật của những người con của biển. Một đêm câu cá trên tàu ở Trường Sa với lính hải quân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, khâm phục và được hưởng trọn vẹn niềm vui.

Đêm câu cá trên tàu HQ 936 ở vùng biển Cô Lin.

Bài 8: Một đêm đi câu cá

Con tàu HQ 936 rẽ sóng lướt nhanh về phía vùng biển đảo Cô Lin. Từ trên buồng lái phóng tầm mắt ra xa, đảo Cô Lin chỉ như một đốm trắng giữa biển nước xanh đen. 

Thiếu tá Đặng Văn Viễn, thuyền trưởng cho biết: Tàu của ta đang cách đảo khoảng 3 hải lý, vùng biển này sâu gần 200m, có rất nhiều cá. Tàu sẽ neo lại để sáng mai các đại biểu xuống xuồng vào đảo công tác và đêm nay anh em sẽ có một “trận” câu đầy cảm xúc cho mà xem. 

Thấy tôi chưa tin chuyện vùng biển này nhiều cá, anh Viễn đến gần chiếc máy Koden bật màn hình và nói: Chiếc máy này có nhiệm vụ chính là dò độ sâu, phát hiện đá ngầm để tránh cho tàu va phải, nó được cải tạo từ máy dò cá nên có thể phát hiện được vùng nào có nhiều cá. Quả thực, nhìn vào màn hình, chúng tôi thấy cả đàn cá đang di chuyển ở độ sâu từ 30 - 77m so với mặt nước biển. Không chỉ phát hiện có cá, chiếc máy còn báo chính xác những con cá có độ dài từ 20cm đến hơn 1m. Vừa phấn khởi vì được nhìn đàn cá bơi dưới biển tôi vừa thán phục sự thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 936 biết ứng dụng công nghệ một cách năng động để phục vụ nhiệm vụ của tàu. 

Khi con tàu còn cách đảo Cô Lin chừng nửa hải lý, tiếng động cơ chạy thả mỏ neo kêu rầm rầm phía đầu tàu thì cũng là lúc ánh hoàng hôn trên biển lặn dần. Sau bữa cơm tối, tất cả thành viên đoàn công tác lên boong tàu ngồi hóng mát và ngắm sao trời. Chiếc đèn pha từ trên cabin tàu bắt đầu quét loang loáng xuống mặt biển đen như mực, rồi những chiếc đèn khác cũng bắt đầu bật sáng. Cả con tàu rực rỡ chẳng khác nào khách sạn lớn ở phố biển Nha Trang hay như một du thuyền hạng sang trong các bộ phim của Hollywood. 

Lên đèn rồi, ta đi câu thôi! Hàng chục người mang những cuộn cước, sợi to bằng chiếc đũa xe đạp rải ra ven boong tàu. Không thấy chiếc cần câu nào, tôi hỏi: Cần câu của các anh đâu? Anh Chu Văn Quý bảo: Ở Trường Sa không câu bằng cần, chỉ có đoạn cước dài khoảng 500m này thôi. Mang cần câu đi vướng lắm, không có chỗ để. Lần đầu tiên nhìn cục chì to bằng ngón chân cái và cái lưỡi câu to như móc phơi quần áo chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thích thú. 

Đang băn khoăn vì không hiểu các anh sẽ lấy mồi câu ở đâu thì một chiến sĩ cầm chiếc vợt miệng to như cái thúng, cán vợt bằng cây tre dài hơn 4m bước ra. Sau khoảng 10 phút ánh đèn trên tàu chiếu xuống mặt nước, đàn cá chuồn lấp lóe ánh bạc xuất hiện, bơi và bay lượn nhao vào mạn tàu. Nhanh như chớp, anh bộ đội cầm chiếc vợt dài chao liên tục rồi vớt lên những con cá chuồn thân như chiếc bật lửa, dài cả gang tay. Cả nhóm đi câu hò reo vui như ngày hội, rồi họ chia nhau những con cá chuồn để làm mồi câu. Mắc cả con cá chuồn vào lưỡi, anh Vũ Đức Quỳnh, cán bộ đảo Đá Lớn C vừa hết tăng công tác ngoài đảo được về đất liền quê ở xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) cầm cục chì văng mạnh ra biển, cách thân tàu hơn chục mét và bắt đầu thả cho cước trôi. Một người, hai người rồi hơn chục người ném mồi câu cùng cục chì xuống biển bắt đầu cuộc đi câu. 

Vì vùng biển này có rất nhiều cá nên không đợi quá lâu, một người trong số họ đã “dính” cá. Đôi tay được bọc trong chiếc găng bằng vải cứ thoăn thoắt kéo cước, chừng 3 phút thì con cá thu đầu tiên được lôi lên tàu trong sự cổ vũ của mọi người. Con cá nặng khoảng 6kg nằm phơi bụng trên boong tàu. Một người cầm con dao nhanh chóng mổ bụng và cắt lấy phần lườn và xẻ thành từng mảnh nhỏ. Anh ta bảo: Làm mồi câu đấy! Mồi này mà thả xuống thì lũ cá sẽ lao vào cắn ngay. Anh giải thích thêm: Lấy phần lườn bụng, thịt nó dai và quan trọng nhất là màu trắng của da cá khi thả xuống nước sẽ lập lờ phát ra ánh quang dụ cá đến ăn. Quả thực, chỉ riêng chuyện làm mồi câu cũng đủ thấy bộ đội Trường Sa khéo léo và am hiểu đặc tính của loài cá biển đi ăn đêm như thế nào. 

Kỹ năng câu cá của bộ đội Trường Sa mới là điều đáng nói nhất. Vì không dùng cần và câu không sử dụng phao, việc nhận biết cá cắn mồi rất khó. Tất cả anh em đi câu đều phát hiện cá cắn mồi bằng những ngón tay luôn luôn áp sát vào sợi cước. Khi đưa cho tôi cầm đoạn cước câu, anh Đặng Văn Viễn, người có hơn 20 năm kinh nghiệm lái tàu và câu cá hướng dẫn: Hai tay cầm chặt, lấy ngón tay trỏ tỳ nhẹ lên sợi cước, khi cảm nhận thấy sợi cước động và đè nặng lên ngón tay là lúc cá đớp trúng mồi đấy. Công việc còn lại là kéo nhanh và đều tay để lôi cá lên thôi. Anh Viễn cho biết thêm: Câu cá ở Trường Sa khó nhất là ước chừng được độ sâu để thả cước cho phù hợp. Nếu thả cước dài quá, mồi sẽ chạm đáy dễ mắc vào san hô và nếu cá cắn, nó sẽ lôi vào hang đá ngầm hoặc bụi san hô dễ làm đứt cước lắm. Nghe anh chia sẻ về những kỹ năng câu cá, tôi mới thấy chuyện đi câu ở biển thật không đơn giản và đòi hỏi kinh nghiệm, nghệ thuật của người đi câu rất phong phú không giống như người đi câu trong đầm, hồ ở đất liền. 

Đêm ấy, hòa cùng tiếng sóng biển ầm ào là những tiếng cười, tiếng nói, tiếng hò reo của cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 936 mỗi khi có người câu lôi lên những con cá thu bè, thu phấn, cá ngừ, cá mú… nặng tới hơn chục cân. Niềm vui không chỉ có ở những người câu cá mà còn lan sang cả người xem vì được cầm những con cá to của biển Trường Sa trên tay, rồi được thưởng thức món cá hấp ngay giữa boong tàu đêm lộng gió. Chúng tôi hiểu rằng, chính niềm vui nho nhỏ ấy đã tiếp thêm tinh thần, nghị lực cho những người lính đảo vượt qua vất vả, gian lao, chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Khắc Duẩn