Thứ 5, 25/04/2024, 10:43[GMT+7]

Đông Hưng: Khó khăn trong việc xử lý vi phạm Luật Đê điều

Thứ 4, 26/04/2017 | 08:37:17
1,888 lượt xem
Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng hiện nay tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn huyện Đông Hưng vẫn diễn ra khá phổ biến. Qua kiểm tra, rà soát, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện có 113 hộ vi phạm Luật Đê điều. Việc xử lý, giải tỏa dứt điểm các vụ vi phạm đê điều đang trở thành bài toán khó đối với huyện.

Hàng chục bến bãi vật liệu xây dựng trên tuyến đê tả Trà Lý đoạn qua địa phận huyện Đông Hưng dù đang trong giai đoạn làm hồ sơ xin giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Theo phản ánh của người dân một số địa phương, đã từ lâu, tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn huyện diễn ra khá phức tạp. Các vi phạm phổ biến như cố tình làm nhà, xây lắp cẩu, chôn cột điện, mắc điện, chất tải vật tư, vật liệu trong hành lang bảo vệ đê, ngoài bãi sông, đỉnh kè. Cá biệt có một số trường hợp còn chất tải vật liệu lên mái đê, cơ đê gây mất an toàn cho công trình. Ngoài ra, tình trạng xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng vẫn diễn ra hàng ngày làm cho mặt đê hư hỏng nghiêm trọng. Các vụ vi phạm nổi lên ở các xã: Đồng Phú, Trọng Quan, Bạch Đằng, Hồng Giang, Đông Lĩnh…

Ông Nguyễn Đức Mộc, Chủ tịch UBND xã Đồng Phú cho biết: Xã có 3,1km đê Trà Lý chạy qua nhưng có tới 2 bến tập kết vật liệu xây dựng với khoảng 10 hộ vi phạm Luật Đê điều. Những bến vật liệu xây dựng này đã tồn tại ở đây từ rất lâu, cá biệt có những điểm hoạt động khoảng 30 năm nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Xác định đây là tuyến đê trọng điểm trong công tác phòng, chống lụt, bão của tỉnh, hàng năm địa phương luôn tích cực phối hợp với các ngành chức năng của huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân không lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định về Luật Đê điều của người dân chưa nghiêm; sự phối hợp giữa cán bộ quản lý đê chuyên trách và chính quyền cơ sở chưa hợp lý dẫn đến số vụ vi phạm phát sinh nhiều, hiệu quả xử lý thấp…

Qua thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Đê điều hiện nay là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền một số xã nơi có tuyến đê đi qua chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật; việc ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết nên dẫn đến tình trạng nhiều vụ vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm đã phát sinh thêm các vụ vi phạm mới.

Bãi tập kết vật liệu xây dựng cao hơn mặt đê khoảng 3m tại xã Đông Dương.

Ông Lương Đức Tuân, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trên tuyến đê Trà Lý thuộc địa bàn huyện hiện có 29 bến bãi đang hoạt động và có 1 bến bãi đang trong quá trình xây dựng. Qua kiểm tra, chỉ có 1 bến bãi hoạt động có giấy phép của UBND tỉnh, 1 bến bãi hoạt động có giấy phép của UBND tỉnh cấp nhưng đã hết niên hạn sử dụng và 4 bến bãi hoạt động có giấy phép tạm thời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp từ lâu. Các bến bãi còn lại đều đang trong quá trình làm hồ sơ xin cấp phép. Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện những trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hạt quản lý đê điều huyện cùng các địa phương lập biên bản đình chỉ hoạt động và kiến nghị xử lý. Tuy nhiên, số vụ vi phạm xử lý chưa nhiều, một số vụ đã xử lý nhưng chỉ sau thời gian ngắn lại tái phạm. Nguyên nhân là do chính quyền xã chưa kiên quyết trong công tác ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm Luật Đê điều, đặc biệt có một số xã không xử lý được vụ nào, do đó tình hình vi phạm ngày càng gia tăng. 

Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, hành lang bảo vệ đê tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống lụt, bão, huyện Đông Hưng sẽ quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp xử lý dứt điểm các vụ vi phạm với phương châm “giải tỏa vi phạm đến đâu, quản lý chặt chẽ đến đó”; đồng thời tăng cường tuyên truyền về pháp lệnh đê điều trên hệ thống loa truyền thanh nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày