Thứ 6, 19/04/2024, 17:09[GMT+7]

Cần sự đồng thuận vào cuộc của toàn xã hội

Thứ 2, 26/06/2017 | 09:16:31
698 lượt xem
Thái Bình có hơn 4.500 người nghiện ma túy, do đó tình trạng buôn bán ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là trong 5 năm trở lại đây. Trung bình hàng năm, các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ khoảng 400 vụ án liên quan đến ma túy (năm sau cao hơn năm trước).

Các học viên Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành phố Thái Bình học nghề đan làn xuất khẩu.

Mặc dù chưa phát hiện các đường dây buôn bán ma túy lớn nhưng đã hình thành các điểm, tụ điểm buôn bán ma túy nhỏ lẻ từ tỉnh ngoài vào trong tỉnh và từ tỉnh về các huyện, các xã, phường, thị trấn. Những năm trước, tội phạm ma túy tập trung chủ yếu ở thành phố, thị trấn nhưng nay đã len lỏi về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghiện ma túy có ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, đây chính là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm trộm cắp, cướp của giết người...

Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, tệ nạn ma túy trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đã đến mức báo động. Ma túy trở thành hiểm họa, đe dọa đến cuộc sống bình yên của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn này hết sức khó khăn và vất vả, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội. Chỉ có sự đồng thuận, đồng lòng chúng ta mới có thể từng bước ngăn chặn và đẩy lùi được tệ nạn ma túy và trả lại cho xã hội cuộc sống bình yên. Một điều rất đáng lo ngại là hiện nay tỷ lệ thanh thiếu niên đang có nguy cơ bị cuốn vào con đường nghiện ngập ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) ngày càng cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, gây mất trật tự an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm hình sự.

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, thời gian qua, Công an tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy cũng như quản lý cai nghiện; gắn trách nhiệm người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là các xã, phường, thị trấn và các chi bộ cơ sở; chỉ đạo đưa công tác phòng, chống ma túy thành một nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ; các thôn, tổ dân phố đưa vào quy ước, hương ước làng, xã, thôn, tổ dân phố và coi đây là một trong những tiêu chí xây dựng thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư và gia đình văn hóa, đặc biệt đã lồng ghép vào thực hiện tiêu chí số 19 trong xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không vi phạm pháp luật và mắc vào các tệ nạn xã hội. Chủ động phối hợp với các đoàn thể như cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, thanh niên... ký kết các nghị quyết liên tịch về phòng, chống ma túy và triển khai đến hội viên, đoàn viên. Do đặc thù là tỉnh đa dạng về tôn giáo có nhiều tín đồ, các lực lượng công an đã tích cực gặp gỡ, tuyên truyền, vận động chức sắc tôn giáo, nhà sư thông qua các lớp ngồi hạ, dịp lễ cầu nguyện để tuyên truyền, giáo dục nhân dân không vi phạm pháp luật và mắc vào tệ nạn xã hội; đồng thời, chú trọng tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức họp dân, họp cơ quan, thôn, tổ dân phố; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa, ký cam kết... để tuyên truyền, vận động nhân dân; điển hình như cuộc thi nông dân tự quản phòng, chống ma túy của xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao, nhân ra toàn quốc; tổ chức lễ phát động ra quân xuống đường trong ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6 ở các phường Lê Hồng Phong, Kỳ Bá, Quang Trung (thành phố Thái Bình); tổ chức nhiều hội nghị tọa đàm về phòng, chống ma túy như ở Quỳnh Phụ, Vũ Thư; tổ chức nói chuyện chuyên đề, phổ biến các biện pháp phòng tránh tác hại của ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh ở Đông Hưng, Kiến Xương... Ngoài ra, Công an tỉnh còn chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp với cấp ủy, chính quyền xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình gia đình, dòng họ, thôn, tổ dân phố, khu dân cư an toàn về ma túy lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, phường, xã an toàn, không có ma túy” và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”... 

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 12 mô hình xã, 274 thôn, 110 dòng họ, họ giáo, 75 câu lạc bộ, 67 mô hình ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự ở xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ); thôn xóm đoàn kết, văn hóa, an toàn ở xã Đông La, xã Đông Cường (Đông Hưng); câu lạc bộ phòng, chống ma túy ở các phường Đề Thám, Kỳ Bá, Quang Trung (thành phố Thái Bình); thôn, khu dân cư không có ma túy ở thôn Tiền Phong, xã Vũ Tây (Kiến Xương); phân xưởng không có tội phạm, không có ma túy ở Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái (thành phố Thái Bình).

Do có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, nòng cốt là lực lượng công an, công tác phòng, chống ma túy thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống ma túy. Hiện trên địa bàn tỉnh không còn tụ điểm lớn, hoạt động công khai, lộng hành mà hầu hết chỉ còn các điểm mua bán ma túy nhỏ lẻ. Các ngành chức năng phối hợp quản lý chặt chẽ người nghiện, tổ chức cai nghiện dưới nhiều hình thức, phù hợp với hoàn cảnh của từng đối tượng, qua đó đã góp phần kiềm chế phát sinh người nghiện mới và hạn chế các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự do người nghiện ma túy gây ra.

Nguyễn Tùng 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày