Thứ 5, 25/04/2024, 16:28[GMT+7]

Trinh sát kể chuyện: Từ chiếc vỏ đạn tìm ra hung thủ giết người

Thứ 2, 03/02/2014 | 21:24:24
9,253 lượt xem
Vụ án xảy ra đã hơn 30 năm. Những trinh sát hình sự khi ấy, nhiều người đã nghỉ hưu, nhiều người trưởng thành còn đang tại vị, song hành trình phá án đầy khó khăn, gian khổ để đưa thủ phạm vụ án ra ánh sáng, với họ tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua.

Ðại tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao cờ thi đua xuất sắc cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh. Ảnh: Tất Đãm (Công an tỉnh)

 

Ngày 28/10/1981, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thái Bình (nay là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội) nhận tin báo xảy ra vụ án mạng tại cánh đồng làng Ðông Ninh xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương. Nạn nhân là một nam thanh niên trạc 30 tuổi, mặc bộ quân phục bạc màu, đi dép nhựa trắng, mái tóc cắt ngắn; trong túi quần có một gói thuốc lào hút dở, một cuống vé xe ô tô Thái Bình - Nam Ðịnh, trên vé ghi thời gian 13h ngày 27/10/1981.  Khám nghiệm tử thi, vùng gò má hai bên có 3 lỗ thủng, đường kính 1,5 - 2cm. Cách tử thi khoảng 50m có một ba-lô “con cóc” bị ném xuống sông T7, bên trong có vài vật dụng.

 

Xác định đây là vụ án mạng nghiêm trọng, Công an tỉnh thành lập ban chuyên án do đồng chí Ðỗ Ðình Tăng, Phó Giám đốc làm trưởng ban. Dưới sự chỉ đạo của Ban chuyên án, các trinh sát được chia thành hai mũi. Một mũi truy tìm tung tích nạn nhân, mũi truy tìm hung thủ. Ảnh của nạn nhân được in, gửi, dán các nơi. Ðã nhiều ngày trôi qua vẫn chưa có ai đến nhận hoặc cung cấp những thông tin gì về nạn nhân. Các trinh sát như ngồi trên đống lửa, bởi vì chỉ có xác định được tung tích nạn nhân thì mới có cơ hội tìm ra hung thủ.  Hàng chục đối tượng nghi vấn trong vùng được sàng lọc, xác minh nhưng vẫn không cho kết quả.

 

Trong lúc vụ án tưởng chừng như bế tắc thì trinh sát nhận tin, ông Trần Văn Thành ở xã Vũ Vân (Vũ Thư), sau khi xem bức ảnh chụp nạn nhân đã òa khóc: Con tôi đây. Ông Thành cho trinh sát biết, con trai ông tên là Thanh đi đào đãi vàng ở miền ngược, chắc trên đường về nó đã bị giết? Ngay lập tức hai trinh sát cùng ông Thành lên bãi đào vàng tận Pò Hèn (Lai Châu) để xác minh. Nhìn cả trăm người quần áo lem nhem, tóc tai bù xù, da xanh bủng vì “rừng thiêng nước độc”, bỗng ông Thành lao tới, ôm chầm một thanh niên và gào lớn: “Con tôi đây rồi, nó không chết, cám ơn các anh Công an”... Trong lúc ông Thành vui mừng thì các trinh sát chưng hửng. Niềm vui của người này lại là thất vọng của người khác. Vụ án có chiều hướng bế tắc.

 

Một thời gian sau, ông Huyện ở xã Vũ Ninh (Kiến Xương) là người có mảnh ruộng, hiện trường của vụ án, đến Phòng Cảnh sát Hình sự nộp 3 chiếc vỏ đạn ông nhặt được trên ruộng khi gặt lúa. Chẳng khó khăn gì, các chuyên gia kỹ thuật hình sự xác định đây là vỏ đạn súng ngắn K54. Lật lại hồ sơ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Ban chuyên án được triệu tập. Mọi người sôi nổi thảo luận, đưa ra các giả thuyết về cái chết của nạn nhân.

 

Cuối cùng Ban chuyên án quyết định khai quật tử thi, khám nghiệm lại. Kết quả giám định các vết thủng trên má tử thi trùng khớp với vỏ đạn do ông Huyện mang nộp. Ban chuyên án kết luận nạn nhân bị bắn ở tầm gần bằng súng K54, do đó đã chuyển hướng điều tra. Thủ phạm nghi vấn là người sử dụng thành thạo súng ngắn quân dụng, có quen biết nạn nhân. Có thể phạm tội vì động cơ thanh toán lẫn nhau hoặc giết người, cướp tài sản. Mặc dù đã được định hướng điều tra nhưng vụ án vẫn dậm chân tại chỗ vì không xác định được tung tích nạn nhân.

 

Trong lúc ra sức tìm kiếm thông tin về vụ án, các trinh sát lại nhận được thông tin từ Ban Ðiều tra Hình sự Sư đoàn 333 Ðăk Lăk: Vũ Văn Toàn, sinh năm 1960, quê ở Tán Thuật (Kiến Xương) đi công nhân quốc phòng năm 1977, đóng tại C8, E717. Tháng 8/1981, Toàn bỏ ngũ về địa phương. Tháng 12/1981, trở lại đơn vị và đã 2 lần trộm cắp thuốc trừ sâu. Khi bị bắt Toàn khai cuối tháng 10/1981, khi bỏ về địa phương, y đã dùng súng AK bắn chết một anh bộ đội ở Cống Trắng để cướp tài sản. Lập tức Toàn bị di lý về Thái Bình. Trong trại giam, khi tiếp xúc với cơ sở do trinh sát đánh vào và cả những khi bị xét hỏi, Toàn tỏ ra phấn khởi, còn những lời khai của y lại đầy mâu thuẫn. Cuối cùng, Toàn khai thật, y không giết ai cả, đơn giản chỉ là muốn được giải về giam ở gần nhà, tiện cho việc gia đình thăm nom.

 

Tết Nguyên đán Tân Dậu 1981 sắp đến gần, vậy mà các trinh sát trẻ vẫn miệt mài với công việc, lật nhàu từng trang hồ sơ ít ỏi; gặp tìm những người dân địa phương, cố dò tìm từng thông tin nhỏ nhất. Ðúng vào ngày 29 tết, các trinh sát nhận được một thông tin quan trọng: ngôi mộ nạn nhân vừa được ai đó sửa sang, trên mộ có 3 nén hương. Trinh sát Nguyễn Hữu Phường được giao nhiệm vụ xác minh. Kết quả xác minh người sửa sang ngôi mộ và thắp hương cho nạn nhân xấu số là ông Vũ Văn Tuất ở xã Vũ Ninh (Kiến Xương). Xác minh về ông Tuất, các trinh sát được biết ông có con rể là Bùi Quang Chiêm, chồng của Vũ Thị Chiên con gái ông. Chiêm sinh năm 1960, thôn 2, xã Vũ Quý. Năm 1979, Chiêm đi bộ đội, đóng tại đơn vị Trung đoàn 55, Sư 341A Nghệ Tĩnh. Ðến tháng 12/1981 thì phục viên về địa phương. Nghi vấn hung thủ số một là Bùi Quang Chiêm. Nhưng kế hoạch xác minh về Chiêm chưa kịp thực hiện thì vợ Chiêm đến cơ quan công an trình báo, Chiêm uống thuốc độc tự tử và đã chết. Nạn nhân chưa xác định, hung thủ nghi vấn cũng đã chết. Mặc dù vậy kế hoạch xác minh Bùi Quang Chiêm vẫn được tiến hành.

 

Trung úy Phạm Mạnh Cường cùng một số trinh sát đến đơn vị Trung đoàn 55, Sư 341A Nghệ Tĩnh xác minh về Chiêm. Ðơn vị cho biết Chiêm có quan hệ thân thiết với Nguyễn Văn Xuân, sinh năm 1950, quê xã Ðô Lương, Ðông Hưng, cùng tổ tăng gia với Chiêm. Khi các trinh sát đưa ảnh của nạn nhân, lãnh đạo đơn vị Trung đoàn 55 khẳng định đó là Nguyễn Văn Xuân. Ðến đây, nạn nhân cũng như hành vi phạm tội của Bùi Quang Chiêm dần hiện rõ.

 

Ði bộ đội, do ý thức kỷ luật kém, Chiêm thường xuyên bị kỷ luật và chuyển xuống bộ phận tăng gia. Còn Xuân, do trộm cắp thóc của đơn vị nên đã bị Tòa án quân sự Quân khu IV xử 9 tháng tù giam. Trước khi vào trại giam, Xuân gửi Chiêm 1 xe đạp Phượng Hoàng, 1 đồng hồ đeo tay Liên Xô. Ngày 16/10/1981, Xuân mãn hạn tù  về đơn vị. Ngày 20/10/1981, Chiêm từ đơn vị về nhà còn Xuân thì về quê tại xã Ðô Lương (Ðông Hưng). 

 

Tại xã Ðô Lương, cho đến lúc này, chị Xuyến vợ anh Xuân và những người trong gia đình vẫn tưởng anh Xuân còn đang... tại ngũ. Ðến khi trinh sát đưa ảnh nạn nhân ra thì mọi người đều khẳng định đó chính là Nguyễn Văn Xuân. Vũ Thị Chiên cũng đã khai báo những gì chị ta biết về hành vi phạm tội giết người cướp tài sản của Bùi Quang Chiêm. Quen biết Xuân từ đơn vị, khi anh Xuân đi tù có gửi Chiêm giữ hộ một số tài sản là chiếc xe đạp Phượng Hoàng và chiếc đồng hồ đeo tay Liên Xô. Khi anh Xuân ra tù, xuống nhà Chiêm ở xã Vũ Quý, Kiến Xương để đòi lại, Chiêm không trả. Trên đường anh Xuân trở về nhà, Chiêm lặng lẽ bám theo. Ðến cánh đồng vắng, Chiêm đã dùng khẩu súng K54 mà hắn lấy cắp được khi còn tại ngũ bắn chết anh Xuân.

 

Vụ án được khám phá đã để lại cho các trinh sát bài học về tinh thần tận tụy trong công việc, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, kiên quyết tấn công tội phạm; bài học về sử dụng cơ sở, mạng lưới bí mật. Ðặc biệt là bài học về công tác khám nghiệm hiện trường: không tỷ mỷ, khách quan, thận trọng, nhất là việc kết luận dấu vết trên người nạn nhân đã làm cho việc nhận định tính chất vụ án, định hướng đối tượng sai lệch, việc truy tìm tung tích nạn nhân không làm ở diện rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tra.

Đoàn Hải Châu

(Công an tỉnh)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày