Thứ 5, 18/04/2024, 23:09[GMT+7]

Phụ nữ Thái Thụy Góp phần thực hiện tiêu chí số 17

Thứ 2, 17/06/2013 | 08:25:22
3,407 lượt xem
Để bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và gây quỹ hội, từ năm 2007, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Thái Thụy đã triển khai mô hình điểm “Hội phụ nữ trực tiếp đảm nhận thu gom rác thải, bảo vệ môi trường” tại 2 xã Thái Giang và Thụy Ninh. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra 15 xã, thu hút trên 13.000 chị em tham gia.

Cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường.

Trên cương vị Chủ tịch Hội LHPN huyện, chị Nguyễn Thị Diên quan niệm: phụ nữ chiếm một nửa dân số, nếu huy động vào việc thu gom, xử lý rác thải sẽ không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của chị em mà còn “lôi kéo” được các thành viên trong gia đình tham gia phân loại, xử lý rác thải ngay tại gia đình mình. Để phát huy vai trò của chị em, năm 2007, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo 2 xã Thái Giang và Thụy Ninh làm điểm mô hình “Hội phụ nữ trực tiếp đảm nhận thu gom rác thải, bảo vệ môi trường”, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Cũng theo chị: việc thu gom rác thải do phụ nữ trực tiếp đảm nhận là công việc vất vả, đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm cao, để chị em tích cực đảm nhận công việc này, hình thành thói quen phân loại, xử lý, để rác đúng nơi quy định, công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu.

Do vậy, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Các cơ sở hội phối hợp nhiều hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực như: tổ chức các buổi học tập, lồng ghép tuyên truyền tại các kỳ sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ định kỳ hàng tháng, hàng quý; tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể lồng ghép tuyên truyền trong các kỳ họp thôn, hội nghị của các tổ chức, đoàn thể. Mỗi năm các cơ sở hội lồng ghép tuyên truyền được hàng chục buổi, thu hút hàng trăm lượt người nghe.

 Mặt khác, các cơ sở hội còn phối hợp với Đài Truyền thanh xã viết tin, bài liên quan đến môi trường và công tác bảo vệ môi trường phát trên hệ thống truyền thanh. Tại các cơ sở hội, chị em đều tổ chức họp bàn và bầu tổ trưởng điều hành phụ trách từng ngõ, phân công lịch làm vệ sinh cụ thể, linh hoạt theo điều kiện của từng người, riêng với hội viên cao tuổi được miễn, hội viên ốm đau được hoãn tham gia làm vệ sinh.  Làm việc có lý, có tình nên chị em đồng thuận cao và tự giác thực hiện, số chị em tham gia thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ hội ở Thái Thụy ngày càng tăng. Nếu năm đầu triển khai mô hình, toàn huyện mới có 12 chi hội của xã Thái Giang và Thụy Ninh, với 1.116 hội viên tham gia thì đến nay đã có 49 chi hội của 15 xã, với trên 13.000 hội viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Dinh, xã Thụy Ninh tham gia thu gom rác tại chi hội thôn Hống đã nhiều năm nay cho biết: Thời gian đầu thấy công việc vất vả, nặng nhọc, độc hại, chồng, con ngăn cản không cho tham gia nhưng sau có các cán bộ hội đến tận nhà tuyên truyền, vận động và qua nghe trên hệ thống truyền thanh xã, chồng, con hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thu gom rác thải nên nhiệt tình ủng hộ, có hôm chị bận, anh  còn đi làm thay.

Chủ tịch UBND xã Thụy Liên Vũ Thành Quang cho rằng: hiệu quả mà mô hình “Hội phụ nữ trực tiếp đảm nhận thu gom rác thải, bảo vệ môi trường” đem lại đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM tại địa phương. Với tổ chức hội phụ nữ, mô hình cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực như đánh giá của chị Bùi Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Thái Giang: các chi hội có thêm phần kinh phí để xây dựng quỹ hội, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức, điều hành hoạt động của cán bộ hội, nhất là cán bộ chi hội, gắn trách nhiệm của hội viên với tổ chức hội, nâng cao ý thức của hội viên với việc giữ vệ sinh môi trường tại gia đình và nơi công cộng.

Mô hình cũng góp phần thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do hội phụ nữ cấp trên phát động. Thái Giang là xã được chọn làm điểm triển khai mô hình từ năm 2007, đến nay cả 10/10 chi hội đều đảm nhận thu gom rác thải, mỗi năm thu được từ 30 – 32 triệu đồng để xây quỹ hội. Ở Thụy Quỳnh, cả 7 chi hội đều trực tiếp đảm nhận làm vệ sinh môi trường, mỗi năm thu từ 50 đến 55 triệu đồng bổ sung vào quỹ hội. 

Cùng với mô hình này, hội phụ nữ còn tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho những hội viên khó khăn đảm nhận việc thu gom rác thải, tạo việc làm, tăng thu nhập cho họ. Tiêu biểu là xã Thụy Hải, có 4 hội viên, thu nhập mỗi tháng 1,5 triệu đồng/người; xã Thụy Xuân có 2 hội viên, thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Vào ngày 24 hàng tháng, hội phụ nữ 48 xã, thị trấn trong toàn huyện phối hợp vận động cán bộ, hội viên tham gia phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, quét dọn đường làng, ngõ xóm để giữ gìn vệ sinh chung.

Để góp phần bảo vệ môi trường, thời gian tới, Hội LHPN huyện Thái Thụy tiếp tục chỉ đạo 16 xã trong tốp đầu về đích NTM làm tốt công tác tham mưu, trực tiếp ký hợp đồng phân loại, thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường; với các xã chưa triển khai được mô hình thì tổ chức cho cán bộ, hội viên tham gia tổng vệ sinh môi trường vào ngày 24 hàng tháng và nhân các ngày lễ lớn trong năm.

Bài, ảnh: Thu Hiền

Tác phẩm dự thi viết về đề tài nông thôn mới.

  • Từ khóa