Thứ 6, 29/03/2024, 22:35[GMT+7]

Ngàn xưa vọng lại

Thứ 2, 13/03/2017 | 08:46:09
1,137 lượt xem
Được sự phối hợp, giúp đỡ của Báo Phú Thọ, đoàn công tác của Báo Thái Bình đã đến Đền thờ các vua Hùng dâng hương Quốc tổ và tìm hiểu thêm về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Du khách thập phương viếng thăm đền Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được nhân dân ta từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến đồng bằng, đời nọ nối đời kia truyền lại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO thẩm định và vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012.

Không phải ngẫu nhiên mà khí thiêng ngàn năm lại dồn nén tại ngọn núi Nghĩa Lĩnh, nơi an nghỉ vĩnh hằng của Hùng Vương thứ VI với ý nguyện “Khi ta chết đi hãy chôn ta trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cao nhất để ngày ngày ta vẫn trông coi bờ cõi nước Việt ta”. Còn người dân đất Việt với ý thức thờ chung một vị vua Tổ đã ngày một thấm sâu trong tâm thức dân gian và hun đúc thành truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc trở thành biểu tượng tâm linh của mỗi con tim khối óc, làm sáng lên đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thủy chung son sắt.

Người xưa thường nói “Chim có tổ, người có tông”, tổ tiên của người Việt là tổ tiên gia đình, dòng tộc và tổ tiên nguồn cội dân tộc gắn bó chặt chẽ với nhau cùng tồn tại lâu đời trong một nghi thức trang trọng tôn nghiêm đó là tưởng niệm và thờ cúng. 

Theo các tài liệu nghiên cứu, tín ngưỡng thờ các vua Hùng được định hình rõ nét nhất từ cuối thế kỷ XV, dưới triều Lê Thánh Tông. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đã cho lập Ngọc phả Hùng Vương, tôn Hùng Vương là Thánh Vương ngàn đời của nước Việt, chính thức hóa ngôi vị thần địa phương thành ông vua Tổ của nước Việt. 

Những triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nhà Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn liên tục sắc phong cho các Đền thờ vua Hùng tại Phú Thọ, pháp điển hóa nghi thức thờ cúng, miễn thuế và cấp ruộng đất tại khu vực xung quanh đền để người dân canh tác, thu hoa lợi và coi sóc đền thờ. 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều hình thức đa dạng, điển hình là việc Vua Hùng được phối thờ (thờ chung) với nhiều nhân vật như các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa, các Hùng hầu, Hùng tướng, Tản Viên Sơn Thánh… 

Ở Thái Bình, hình thức phối thờ với Long Hải Đại Vương, Phù Đổng Thiên Vương, các con Lạc Long Quân... và nhiều địa phương trong tỉnh các Vua Hùng còn được người dân phối thờ tại bàn thờ dòng họ.


Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn quốc hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương còn ở Thái Bình qua các nguồn sử liệu được lưu giữ ở hàng chục đền, đình ở nhiều thôn, xã của Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương, Vũ Thư cho thấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phối thờ với nhiều hình thức đa dạng với những nhân thần, thiên thần… như thờ Cao Minh chính trực Đại Vương Đông Hải đà la trấn quốc tại thôn Cao Sơn, xã Tân Hòa (Hưng Hà); Sơn Nam bộ chủ thần được thờ ở làng Thanh Do, xã Thụy Thanh (Thái Thụy); Quý Nương Hoa Diêm thánh mẫu thần được thờ ở làng Mai Diêm, xã Thụy Hà (Thái Thụy)... 

Điển hình như ở làng Đào Động, xã An Lễ (Quỳnh Phụ) có truyền thuyết kể rằng: Ngày ấy trên bờ sông Vĩnh thuộc Hoa Đào trang, bộ Lục Hải (biển xanh) xuất hiện một cô gái rất trẻ, không có cha mẹ, ngày ngày mò cua bắt ốc bên sông, ai hỏi thì xưng là người phương xa phiêu bạt tới đất này (theo điển cố đó chính là hóa thân của bà thiếp Ngọc Nữ của Long Quân). Một hôm hai vợ chồng ông Phạm Hải huyện lệnh Thụy Anh sống phúc hậu, tuổi đã cao mà không có con (có tài liệu nói là Phạm Túc người trang An Cố và bà Trần thị người trang Mai Diêm, huyện Thụy Anh (nay thuộc xã Thụy An và Thụy Hà, huyện Thái Thụy) ngược sông đến Hoa Đào trang (đất An Lễ, nơi tọa lạc đền Đức Vua Cha Bát Hải bây giờ), tình cờ gặp cô gái mò cua bắt ốc bên sông Vĩnh. Vốn mong ước có con lại thấy cô gái không cha, không mẹ liền đón về nuôi, đặt tên là Quý Nương. Khi tròn 18 tuổi, Quý Nương trở nên xinh đẹp, đoan trang nhưng không nhận lời cầu hôn của ai. Rồi ông bà Phạm Hải đột ngột qua đời. Quý Nương ở lại An Cố để hương khói báo hiếu cho bố mẹ nuôi một thời gian rồi trở lại Hoa Đào trang mò cua bắt ốc. Một lần về Mai Diêm thăm quê mẹ nuôi Quý Nương ra cửa sông tắm, trời đang yên, biển đang lặng, bỗng sóng gió nổi lên dữ dội, rồi thấp thoáng bóng một con Hoàng Long (rồng vàng) hiện lên quấn chặt lấy nàng... Một lát sau, khi sóng gió qua đi, Quý Nương thấy mình nằm trên bãi cát. Tương truyền, Quý Nương có mang (thai), nàng rời An Cố trở về chốn cũ Hoa Đào trang sinh sống. Quý Nương có mang đúng 13 tháng, vào đêm ngày mồng 10 tháng Giêng năm Tân Tỵ sinh ra một bọc. Khi sinh ánh hào quang sáng rực, Quý Nương sợ hãi, ôm bọc thai thả xuống sông Vĩnh. Cũng đêm ấy, ông Nguyễn Minh cất vó trên sông, khi kéo vó lên ông thấy cái bọc trong vó đã cầm vứt ra nhiều lần mà bọc cứ trôi vào. Ông liền khấn “Nếu bọc này quả là linh thiêng thì cho tôi lấy dao rạch thử xem sao”, khấn xong ông rạch bọc. Bỗng ánh sáng chói loà, ông kinh hãi thấy từ trong bọc chui ra ba con hoàng xà đầu rồng mình rắn. Con lớn nhất (chính là Thái tử Giao Long) vượt sông lên bờ, chui vào náu thân trong một cái giếng (đó chính là giếng thiêng trong cấm cung đền Đồng Bằng bây giờ). Hai Hoàng Xà nhỏ bơi xuôi theo dòng nước dọc sông Vĩnh, một con dạt vào Thanh Do trang (nay thuộc xã Thụy Thanh), con nhỏ nhất bơi tận đến cuối sông Diêm (Mai Diêm, xã Thụy Hà). Cũng đêm ấy, trời đang trong sáng bỗng nổi sấm rền rồi từ trên không trung có tiếng nói vang vọng: “Ta là con của Long Quân, khi có giặc sẽ về giúp vua Hùng diệt giặc”. Vua Hùng ngày ấy đã già, không con trai nối dõi. Vua thường buồn rầu, đau yếu làm cho trăm quan triều chính lo lắng. Đã có nhiều thế lực trong, ngoài Bách Việt nhòm ngó ngai vàng của vua. Thấy có cơ hội các thế lực hợp sức cùng quân phương Bắc xâm lấn thôn tính Văn Lang. Thư cấp báo đưa tin giặc dữ truyền về Kinh đô. Hùng Duệ Vương lo lắng trước thế giặc quá mạnh liền cho người đi mời Sơn Thánh về Kinh hiến kế phá giặc. Sơn Thánh lập tức từ Tản Viên hồi triều, Hùng vương ngạc nhiên thấy Sơn Thánh ung dung thư­ thái. Vương trách: “Thế giặc như lũ bão chẳng lẽ khanh không lo sao?”. Sơn Thánh tâu rằng: “Trải qua 17 đời vua Hùng, các bậc quân vương đều là thánh hiền việc nghĩa nhân đã dày và nhuần thấm, thương dân nh­ư con, ân tình ghi vào cốt tuỷ đó là thế mạnh. Nước Văn Lang của người Lạc Việt ta hiện nay đang độ quốc phú, binh cường, bệ hạ uy đức lan xa đến hải ngoại thấu đến trời đất vì thế trời đã “đa giáng anh tài” xuống làm dân đất Việt để hộ quốc cứu dân đó thôi!”. Vua Hùng hỏi những người đó là ai? Sơn Thánh thưa: “Đó là Long cung Hoàng Thái tử đã thác sinh, đang náu ở Hoa Đào trang. Họ có ba anh em khí độ v­ượt nhân, kinh luân đứng đầu kim cổ, văn võ kiêm tài. Trời lại cho giáng trần thêm mấy anh tài hiện đang làm con dân Lạc Việt có thể đảm đương việc cự địch xâm lăng đường biển. Nước Việt ta từ ngày lập nước đã có “sơn thủy bách thần” rất linh ứng, thường hiển linh phù trợ bởi vậy Bệ hạ chẳng phải quá lo, kẻ địch dấy binh vô đạo tất sẽ “thủ bại”. Bệ hạ nên cử Thái Tử Long cung trấn giữ và đánh giặc tại các “giang môn, yếu hải” còn thần nguyện đích thân tiên phong cự địch tại các cánh đường bộ. Thần đồ rằng chỉ vài hôm là giặc tan”. Hùng Duệ Vương nghe nói rất mừng, lập tức lệnh lập đàn cầu trời ứng trợ, tuần hương vừa tàn thì Thanh Y Tiên Ông lai giáng mách vua cho người về Hoa Đào trang mà triệu, sẽ có dị nhân đánh tan giặc biển. Hùng Vương cả mừng, sai sứ giả về Hoa Đào trang để truyền chỉ dụ, triệu kỳ nhân dẹp giặc. Khi Sứ giả về hỏi, dân thôn kể về việc Giao Long ẩn thân trong giếng trước đây. Sứ giả đến bên giếng xướng truyền sắc chỉ thì thấy Hoàng Xà hiện ra, rồi bỗng hóa thành một chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người tự xưng tên là Phạm Vĩnh. Ngài nhận chỉ dụ, nhờ sứ giả báo với vua Hùng là sẽ triệu hai em, tuyển 10 tướng, chiêu mộ binh sĩ trong 10 ngày, rồi xuất quân đánh giặc trên cả tám cửa biển nước Nam, lại hứa chỉ sau ba ngày là giặc tan...

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân Thái Bình nói riêng từ bao đời nay Vua Hùng là vị Tổ đã có công dựng nên quốc gia Văn Lang, nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. 

Về Phú Thọ lần tìm cảo thơm tưởng nhớ vua Hùng có công dựng nước, trèo lên đỉnh non cao Nghĩa Lĩnh với gió ngàn vi vút tưởng nghe trong gió lời thì thầm của tiền nhân kể về câu chuyện từ ngàn xưa vọng lại. Lời thầm thì của đại ngàn cũng là lời của tiên thánh tiền nhân nhắc nhở cháu con hãy sống sao cho xứng đáng với tổ tiên, tiếp nối khí phách oai hùng mà cha ông ta bao đời gây dựng nên hồn thiêng dân tộc.

Quang Viện