Thứ 6, 29/03/2024, 19:57[GMT+7]

Phong trào nghệ thuật quần chúng giữ lửa chèo

Thứ 2, 27/03/2017 | 08:54:55
2,872 lượt xem
Thái Bình là một trong những cái nôi của những làn điệu chèo cổ. Bởi vậy mà ở nơi đây, tình yêu với nghệ thuật dân gian đang từng ngày được nhân lên không chỉ bởi những người nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp mà còn bởi những hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng.

Đam mê hát chèo, họ tự học hỏi những câu chèo, điệu múa rồi hát cho nhau nghe những khi nông nhàn. Tình yêu với nghệ thuật của cha ông bởi vậy như sợi dây vô hình mà bền bỉ gắn kết những con người chưa một lần quen biết.

Tình yêu chèo ở đâu và lúc nào cũng có

Mấy chục năm sinh sống và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức, bà Trần Thị Nga luôn đau đáu với những làn điệu, câu ca say đắm, ngọt ngào của những vở chèo cổ. Bởi vậy mà trở về quê hương Thái Bình lần này, bà dành hết thời gian, tâm sức của mình để góp phần tổ chức nhiều buổi giao lưu, biểu diễn nghệ thuật chèo giữa những nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. 

Bà Nga tâm sự: Gần 30 năm tha hương là từng ấy thời gian mong mỏi một lần được trở về để cùng bà con quê hương ngân nga, ca hát những câu chèo. Qua lời mời gọi trên trang mạng xã hội, bà Nga xúc động khi nhiều người đã không ngần ngại vượt hàng trăm cây số trở về Thái Bình tham gia những buổi giao lưu nghệ thuật chèo để được thưởng thức những làn điệu chèo ngay trên quê lúa và họ tự tin hát cho nhau nghe dù nhiều khi không đúng nhịp, sai phách. Điều đó như thôi thúc bà nỗ lực hơn nữa để góp phần công sức nhỏ bé của mình lưu giữ và quảng bá loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt của quê hương.

Từ bao đời nay, chiếu chèo làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng) được nhớ tới là một trong những cái nôi của những vở chèo cổ. Biết bao con em quê hương làng Khuốc đã thấm nhuần tiếng hát chèo từ khi lọt lòng mẹ. Để rồi những lời ca, tiếng hát dân gian ấy như dòng sữa ngọt lành thứ hai nuôi những người con của làng Khuốc khôn lớn cho đến bây giờ. Có lẽ chính bởi vậy mà nhiều nghệ nhân của làng chèo đã góp mặt và làm nổi danh bao gánh hát. Những người sành chèo, mê chèo vẫn luôn ấn tượng về những đào, những kép xuất thân từ quê lúa Thái Bình.

Trở về làng Khuốc lần này, chúng tôi được tham dự vào giờ học thật đặc biệt tại ngôi nhà tổ chèo. Các em học sinh ở đủ lứa tuổi trong những bộ váy áo rực rỡ sắc màu đang miệt mài tập luyện từng câu chèo, điệu múa. 

Không một đồng thù lao, ngày nắng cũng như ngày mưa, cô giáo Cao Hồng Bấc lại miệt mài đứng lớp, truyền đi tình yêu, lòng tự hào với nghệ thuật chèo cho các em học sinh. Có lẽ bởi chính niềm đam mê cùng khát khao của cô giáo, đó là được góp phần công sức bảo tồn, phát huy những làn điệu chèo cổ, mà lớp học dù được tổ chức thường xuyên nhưng lúc nào cũng thu hút 25 - 30 em học sinh trong độ tuổi từ lớp 2 đến lớp 9 tham gia. Không gian văn hóa ở làng quê vốn thường ngày yên ả, nhờ những chiếu chèo mà bừng khởi sắc và trở nên sống động hơn. Cũng bởi vậy mà những làn điệu chèo đã đi sâu vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.

Nhưng còn đó những điều suy ngẫm...

Với những người như ở chiếu chèo của làng Khuốc hay những người con xa quê nhưng luôn đau đáu về nghệ thuật của quê hương thì niềm hạnh phúc đã gắn liền cùng tình yêu, niềm tự hào với nghệ thuật hát chèo cổ truyền. 

Nhờ những hạt nhân tích cực như họ mà phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sôi nổi với minh chứng là giờ đây trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành hàng trăm câu lạc bộ chèo lớn nhỏ trong các nhà văn hóa, các thôn làng, tổ dân phố,… Và chính điều đó cũng trở thành niềm cổ vũ, động lực lớn lao khiến cho những người nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời cho nghệ thuật chèo như gia đình NSND Văn Mởn - NSƯT Thúy Hiền cảm thấy cần cố gắng trao truyền hơn nữa tới thế hệ mai sau nghệ thuật của quê hương.

Tuy nhiên, dành cả cuộc đời cho nghệ thuật chèo, giờ đây đã ở tuổi xế chiều, NSND Văn Mởn không khỏi băn khoăn khi mà giữa lúc phong trào nghệ thuật quần chúng đang phát triển sôi nổi thì dường như lớp trẻ của nghệ thuật hát chèo chuyên nghiệp đang dần trở nên thiếu nhiệt huyết, không còn mặn mà nhiều với nghệ thuật của cha ông. Bởi công việc giảng dạy, NSND Văn Mởn có cơ hội được tiếp xúc nhiều với lớp trẻ, điều đó càng làm ông lo lắng khi mà có những người hát khi không hiểu nội dung ca từ, chỉ hát như một thói quen, điều đó nhiều khi đã dẫn tới sai lệch ý nghĩa câu ca của những làn điệu chèo cổ. Bản thân ông hay những nghệ sĩ đã có hàng chục năm tuổi nghề cũng phải thường xuyên trau dồi kiến thức, đọc nhiều để có hiểu biết nhiều hơn. Ông chỉ thầm ước rằng giá mà lớp trẻ ngày nay có thể quan tâm nhiều hơn tới văn hóa đọc.

Để người dân quê lúa có thể trao truyền, tiếp nối nghệ thuật hát chèo của cha ông, phong trào nghệ thuật chuyên nghiệp và phong trào quần chúng cần được phát triển song song. Bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp với kinh nghiệm, vốn sống của mình chính là điểm tựa, là định hướng về nghệ thuật cho những đội, nhóm chèo không chuyên.

Nghệ sĩ ưu tú Thúy Hiền


Tình yêu với nghệ thuật chèo đã giữ lửa cho cuộc sống gia đình chúng tôi không lúc nào nguội lạnh, cứ rảnh rỗi là lại cùng ca hát những làn điệu, câu ca yêu thích. Cuộc sống gia đình vì thế đã góp phần tạo nên những phút giây thăng hoa trong nghệ thuật. Các con tôi được trao truyền tình yêu với nghệ thuật chèo từ ông bà, bố mẹ và điều đó thôi thúc các con gắn bó nhiều hơn với văn hóa cổ truyền. Tham gia công việc giảng dạy nghệ thuật chèo, tôi mong rằng các bạn trẻ ngày nay, có cơ hội được học hỏi, tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật thì hãy trau dồi khả năng của bản thân nhiều hơn nữa để góp phần lưu giữ nét đẹp của văn hóa dân gian.

Bà Trần Thị Nga, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà


Trở về từ Cộng hòa liên bang Đức, tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi chứng kiến những buổi giao lưu giữa những người yêu nghệ thuật chèo luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhờ việc tham gia tổ chức những buổi giao lưu nghệ thuật chèo mà tôi được tiếp xúc nhiều hơn với những người yêu chèo đến từ mọi miền Tổ quốc. Trở về Cộng hòa liên bang Đức, tôi sẽ chia sẻ điều này với hội những người yêu chèo tại châu Âu và chúng tôi sẽ có nhiều việc làm thiết thực hơn để góp phần bảo tồn nghệ thuật của quê hương.


Anh Tú