Thứ 6, 29/03/2024, 14:24[GMT+7]

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa nhân loại 5 năm nhìn lại

Thứ 4, 05/04/2017 | 16:19:41
3,255 lượt xem
Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017, mùa giỗ tổ thứ năm kể từ ngày UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trình diễn tứ dân chi nghiệp trong lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

5 năm đã qua, tôi vẫn còn nhớ thời khắc 18 giờ 10 phút ngày 6/12/2012, tại Paris, trong kỳ họp thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được xướng danh trước gần 200 quốc gia và các tổ chức quốc tế, được sự đồng thuận tuyệt đối và đã trở thành di sản của nhân loại.

Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm nay, năm thứ năm thực hiện chương trình hành động bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại, với góc nhìn của một thành viên trong ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ, với niềm tin tâm linh mãnh liệt vào sức mạnh cội nguồn dân tộc cũng là lòng nhiệt huyết của con dân đất tổ, nhìn lại chặng đường 5 năm chúng ta thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản để thấy sự cố gắng, thành tựu, những cơ hội và cả những thách thức… 

Nguyện ước đề cử tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để trở thành di sản của nhân loại là quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân Phú Thọ. Sau nhiều công trình nghiên cứu và hội thảo, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể - tập quán xã hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình hồ sơ ngay vào tháng 3/2011. Quá trình làm hồ sơ, ngay cả trong khi đề cử tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn còn một vài ý kiến băn khoăn về sự biến đổi của tập quán này trong đời sống đương đại. Song tỉnh Phú Thọ và các nhà khoa học đã làm rõ lịch sử di sản và chứng minh được rằng, nhà nước, từ thế kỷ XIII - XIV, thời Lý Trần, đặc biệt là thời nhà Nguyễn đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì một tập quán thiêng gắn với truyền thuyết về nguồn gốc, tổ tông của dân tộc Việt Nam.

Bằng quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trách nhiệm và tâm huyết của các nhà khoa học, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, chúng ta đã xây dựng được bộ hồ sơ khoa học chặt chẽ, sâu sắc, có sức thuyết phục cao đối với các chuyên gia thẩm định quốc tế. Trong chúng tôi lúc đó có cả sự lo âu về “cuộc thi”…, nếu chẳng may chưa tới đích thì sẽ ra sao, báo cáo thế nào với tổ tiên... Thế rồi, kể từ ngày ấy, 5 năm - một khoảng thời gian không dài nhưng lời hứa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, để di sản mãi trường tồn, xứng tầm di sản đại diện của nhân loại mà lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thay mặt cộng đồng, thay mặt quốc gia bày tỏ lời tri ân với tổ tiên và cam kết với cộng đồng quốc tế trách nhiệm bảo vệ di sản cho muôn đời sau tại kỳ họp thứ 7 của UNESCO đã và đang được thực hiện một cách nghiêm túc.

Bên cạnh việc nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào, du khách hành hương về nguồn cội, các thiết chế thờ cúng được tôn tạo, tu bổ song vẫn giữ nguyên được không gian thiêng thờ cúng các vua Hùng, đặc biệt trong vùng “Tam sơn cấm địa”... Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và có nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động bảo tồn tín ngưỡng. Việc đầu tư cho nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, các nghi lễ, diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học và sự tham gia của cộng đồng, những chủ thể quan trọng nhất làm nên giá trị của di sản… Việc tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương tại khu di tích lịch sử Đền Hùng được tiến hành trang nghiêm, thành kính với sự tham gia của người dân Phú Thọ và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Trong các dịp lễ hội, vai trò của cộng đồng luôn được đề cao là chủ thể sáng tạo, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Tỉnh Phú Thọ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán tín ngưỡng. Người dân ở địa phương có đền thờ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật là đặc sản của địa phương để dâng cúng vua Hùng; tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa dân gian như đánh trống đồng, đâm đuống, thi nấu cơm, đấu vật, đu quay, bơi chải, bắn nỏ, lễ hội văn hóa dân gian đường phố…

Các tỉnh, thành phố đã lần lượt tích cực tham gia đề án góp giỗ theo đúng truyền thống cúng giỗ của người Việt Nam. Từ năm 2013 - 2017 đã có 24 tỉnh, thành phố tham gia góp giỗ và công đức tu bổ di tích Đền Hùng. Nhiều doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, đồng bào trong và ngoài nước cũng tích cực tham gia góp giỗ và công đức bằng hình thức xây dựng những công trình, trùng tu, tôn tạo các di tích trong khu di tích lịch sử Đền Hùng với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

UBND tỉnh Phú Thọ tích cực chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khu di tích lịch sử Đền Hùng cùng phối hợp tổ chức chương trình giáo dục với chủ đề “Đưa di sản vào trường học”. Đổi mới, nâng cao nội dung chương trình học lịch sử, ngữ văn, giáo dục công dân và các môn văn hóa cho học sinh, chú trọng giáo dục, phổ biến cho các em nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và sự cần thiết bảo vệ di sản, về các truyền thuyết lịch sử và về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Thực hiện cam kết trong chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã rất chú trọng đến việc trao truyền thực hành tín ngưỡng cho các thế hệ tiếp nối. Vào các kỳ lễ hội, các nghi thức tế lễ được giới thiệu, nhận diện giá trị và hướng dẫn việc thực hành cho những người trực tiếp tham gia, đặc biệt là lớp trẻ thông qua các cuộc tập huấn về tín ngưỡng và thực hành nghi lễ. Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng cộng đồng các địa phương tổ chức nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tính đến tháng 4/2017, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích thờ cúng Hùng Vương.

Xây dựng một ngân hàng dữ liệu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại khu di tích lịch sử Đền Hùng và thường xuyên cập nhật để lưu trữ các thông tin được sưu tầm, nghiên cứu thông qua những cuộc khảo sát đó bổ sung tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Hàng năm tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhằm quảng bá và giúp cộng đồng hiểu về lịch sử, văn hóa và di sản một cách tích cực và sâu sắc hơn. Đề án xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam đang được tỉnh hoàn thiện, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ phê duyệt mà điểm nhấn quan trọng nhất là khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, các hoạt động lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để Việt Trì - Phú Thọ sẽ thực sự là điểm đến trong cuộc hành trình về với nguồn cội.

Cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - một tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội tồn tại hàng nghìn năm qua không tránh khỏi những thách thức trước sự phát triển của xã hội hiện đại và đời sống công nghiệp hóa. Các giá trị truyền thống sẽ bị mai một rất nhanh bởi lối sống, nếp sống và tốc độ của toàn cầu hóa nếu chúng ta không quan tâm đến bảo tồn các giá trị di sản truyền thống. Làm thế nào để gìn giữ những không gian thiêng? Làm thế nào để gìn giữ niềm tin tâm linh - chỗ dựa tinh thần cho mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và dân tộc? 

Câu trả lời nằm trong hành động của mỗi chúng ta, và chúng ta tin chắc rằng với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đã ăn sâu, bám rễ vào máu thịt của các thế hệ người dân đất Việt tự nghìn đời nay để làm nên bản sắc, hồn cốt dân tộc, với tấm lòng thành kính tri ân các bậc tiền nhân thì giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng - tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng ở Phú Thọ, một phong tục đẹp, một nét văn hóa độc đáo, có một không hai của người Việt Nam sẽ mãi mãi được trao truyền qua các thế hệ người dân bản địa, đồng bào cả nước và được bảo tồn, phát huy giá trị, xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguyễn Thị Kim Hải

(Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam)