Thứ 5, 28/03/2024, 22:39[GMT+7]

Niềm đam mê “cha truyền con nối”

Thứ 2, 15/05/2017 | 09:02:28
8,890 lượt xem
" NSƯT Đình Cương tự hào rằng niềm đam mê ấy không chỉ được truyền đến các thế hệ học trò, mà con trai Đình Tân cũng đã kế thừa đam mê với những nhịp phách, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng nhị…"

NSƯT Đình Cương với con trai.

Vốn là nghệ sĩ tiêu biểu của Nhà hát chèo Thái Bình, NSƯT Đình Cương được biết đến không chỉ là người đảm nhận bộ gõ, góp phần quan trọng trong việc tạo nên linh hồn của sân khấu chèo, mà còn nổi tiếng bởi những khúc hát văn tha thiết, nặng nghĩa tình. Giờ đây, NSƯT Đình Cương tự hào rằng niềm đam mê ấy không chỉ được truyền đến các thế hệ học trò, mà con trai Đình Tân cũng đã kế thừa đam mê với những nhịp phách, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng nhị,… của bố và hai bố con cũng đã có thể cùng đứng chung trên nhiều sân khấu âm nhạc.

Cùng với sự phát triển của xã hội và hòa nhập với thế giới, âm nhạc cổ truyền đứng trước nhiều thách thức lớn để có thể bảo tồn và phát huy. Trong khi những lớp học đàn piano, ghita, học nhảy hiện đại, khiêu vũ thể thao,… ngày càng thu hút nhiều sự tham gia của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh thì các loại nhạc cụ truyền thống như bộ trống, đàn nhị, đàn tranh,… dù giữ vai trò quan trọng với âm nhạc dân tộc nhưng còn khá xa lạ đối với nhiều bạn trẻ. Không kể đến các trường văn hóa nghệ thuật với chức năng đào tạo chuyên nghiệp thì việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian, đặc biệt trong đó là các loại nhạc cụ cổ truyền, trong giới trẻ hiện nay phụ thuộc nhiều vào truyền thống gia đình và ý thức của mỗi phụ huynh khi khích lệ, động viên các con tham gia vào những lớp học về âm nhạc, nhạc cụ truyền thống.

Bén duyên với âm nhạc dân gian

Cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình dù lần đầu tiên được tổ chức nhưng đã để lại trong lòng khán giả nhiều dư âm tốt đẹp bởi những màn biểu diễn chuyên nghiệp cùng niềm đam mê âm nhạc dân gian của nhiều thí sinh còn nhỏ tuổi. Trong đó, không thể không kể đến là cậu bé Đình Tân, thí sinh 13 tuổi có tình yêu đặc biệt với nhạc cụ dân tộc.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình yêu nghệ thuật truyền thống, có bố là NSƯT Đình Cương, đó là lợi thế đồng thời cũng là thử thách lớn của cậu bé Đình Tân khi mong muốn chứng minh khả năng cùng đam mê âm nhạc của bản thân. May mắn hơn bạn bè đồng trang lứa khi từ nhỏ, Tân đã được đắm chìm trong tiếng đàn, tiếng trống và những bài hát văn ngọt ngào, tha thiết của bố. Bởi vậy mà tình yêu nghệ thuật dân gian đến với em tự nhiên như dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn từ ngày còn thơ bé. Để rồi, những nhịp mõ, điệu kèn, tiếng dồn của trống,… như những ký ức đẹp, thôi thúc, nuôi dưỡng niềm đam mê, khát khao âm nhạc dân gian trong em. Hiểu được điều đó, NSƯT Đình Cương tự nhủ đây là niềm vui, niềm tự hào lớn lao của bản thân cũng như cả gia đình, bởi trong khi nhiều bạn bè đồng trang lứa đang mải miết chạy theo những trò chơi điện tử, những cuốn truyện tranh thì Tân đã định hình trong mình niềm đam mê với âm nhạc cổ truyền.

Bộ trống đã trở thành người bạn thân thiết của Đình Tân sau mỗi giờ học căng thẳng.

Vậy là cứ tối tối, sau những giờ học căng thẳng, nhiều áp lực, Tân lại cùng bố thử sức với những bài trống hội, với những tiếng mõ, tiếng đàn, tiếng nhị lúc lên bổng, xuống trầm, khi déo dắt, dặt dìu,… Tân chia sẻ rằng em yêu thích nhất là tiếng trống trong mỗi vở chèo. Bởi, người đi xa khi nhớ về quê lúa Thái Bình là nhớ về quê hương của những làn điệu chèo tha thiết, mà vị trí của tiếng trống trong mỗi vở chèo là vô cùng quan trọng. Bộ gõ của chèo có trống cái, trống con, trống cơm,… Trong khi tiếng trống cái rộn ràng như lời mời gọi công chúng thì trống con dùng để giữ nhịp, tung hứng cho những lời ca, điệu múa, với ý nghĩa diễn tả sâu sắc tình huống sân khấu, tâm lý, tính cách nhân vật, đồng thời dẫn giải tính chất câu chuyện. Bởi vậy mà dân gian đã đúc kết thành câu “phi trống bất thành chèo”.

Định hướng cho sự phát triển mai sau

Với Đình Tân, trên bước đường nghệ thuật, thật may mắn khi cậu bé luôn có sự dìu dắt tâm huyết và được trở thành người bạn diễn của bố trên nhiều sân khấu âm nhạc. NSƯT Đình Cương tâm sự rằng có những khi biểu diễn cùng con mà tới đoạn cao trào, anh quên rằng người đang đứng chung sân khấu với mình không phải là một nghệ sĩ, vậy mà bất ngờ là Tân cũng phiêu theo cảm xúc của bố, để hòa cùng tiếng trống, nhịp phách. Sau mỗi buổi biểu diễn như vậy, hai bố con lại cùng thảo luận về những điều cần phát huy và cả những đóng góp để lần sau có thể phối hợp nhịp nhàng hơn.

Trong khi Đình Tân có đam mê đặc biệt với bộ gõ thì em gái có giọng hát trong trẻo, ngọt ngào.

Rời cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình với ấn tượng tốt đẹp, cậu bé 13 tuổi Đình Tân xác định: Để có thể góp phần lưu giữ và bảo tồn âm nhạc truyền thống, mà trong đó, niềm đam mê của em là các loại nhạc cụ dân tộc, thì trước hết em phải hoàn thiện vốn hiểu biết, kiến thức của bản thân bởi đó là tiền đề cho sự phát triển mai sau.


NSƯT Đình Cương, bố của em Đình Tân


Rất vui vì trong gia đình tôi, từ ông bà, bố mẹ đến các con đều có tình yêu, niềm đam mê với âm nhạc cổ truyền. Vì các con còn nhỏ nên cả gia đình đều xác định rằng việc cần thiết đối với các con bây giờ là trau dồi kiến thức, bài học trên lớp để có thể tạo tiền đề cho sự phát triển sau này. Dù là nghệ sĩ, có vốn hiểu biết về âm nhạc dân gian nhưng tôi không ép buộc các con phải đi theo bước đường của bố, mà niềm đam mê của con, gia đình luôn để các con tự quyết định. Tôi cảm thấy nhờ yêu thích âm nhạc dân gian mà các con luôn vui vẻ, sống tình cảm, nghĩa tình.

Bà Vũ Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa thể thao - Thanh thiếu niên tỉnh

Cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình dù lần đầu tiên được tổ chức nhưng trong vai trò ban tổ chức, chúng tôi thấy rằng cuộc thi này đã đạt được những ấn tượng tốt đẹp. Thông qua sân chơi, nhiều em nhỏ đã định hình được hình ảnh, năng khiếu, niềm đam mê âm nhạc của bản thân, có những bạn đam mê hát chèo, hát dân ca, hay đam mê nhạc cụ dân tộc,… Đạt được thành công bước đầu qua cuộc thi này, hy vọng rằng các em sẽ có sự rèn luyện và những bước đi vững chắc hơn trên bước đường nghệ thuật mai sau. Còn trong cuộc sống hiện nay, tôi hy vọng tình yêu với âm nhạc, với văn hóa dân gian sẽ giúp các em sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa những tệ nạn xã hội.



Anh Tú