Thứ 4, 24/04/2024, 01:44[GMT+7]

Người “vẽ” Bác Hồ bằng gốm

Thứ 2, 22/05/2017 | 10:38:17
3,687 lượt xem
Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam. Từ hình tượng Người, hàng trăm tác phẩm văn học, hội họa, âm nhạc đã ra đời, mỗi tác phẩm được thể hiện bằng một thủ pháp riêng nhưng tựu chung lại tất cả đều được tạo nên từ lòng biết ơn của giới nghệ sĩ đối với Bác. Ở Thái Bình cũng có một nghệ sĩ dành trọn tâm huyết làm tranh ghép gốm về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Hoàng Công Tản tạo tác tranh ghép gốm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Duyên nợ với gốm

Đến thăm nhà họa sĩ Hoàng Công Tản trên đường Ngô Thì Nhậm (thành phố Thái Bình), điều đầu tiên gây ấn tượng với khách là những bức tranh về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ được ông treo trang trọng trong phòng khách, trong góc trưng bày, một số bức đang trong quá trình hoàn thiện được đặt trong xưởng. 

Dừng tay tiếp chúng tôi sau những phút “thả hồn” vào công việc, họa sĩ tâm sự: Thời gian này tôi dành trọn tâm sức để làm tranh về Bác Hồ, thể loại tranh ghép gốm, đây là niềm ấp ủ của tôi suốt 40 năm qua.

Cuộc sống của người cán bộ hưu trí đã qua “thời bận bịu” dường như vẫn chưa từng một ngày nghỉ hưu đúng nghĩa. Bởi nếu không thấy họa sĩ Hoàng Công Tản trong xưởng chế tác tranh thì có lẽ tại một nơi nào đó ông đang mải miết rong ruổi hành trình đi tìm gốm. 

Duyên nợ của ông với mỹ thuật bắt đầu từ hơn 40 năm về trước. Thuở ấy, chàng trai trẻ của xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) vì yêu thích hội họa đã quyết tâm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp. Tại đây, ông được tìm hiểu khái niệm về dòng tranh sử dụng chất liệu men màu để tạo hình tác phẩm mà người ta vẫn quen gọi là thể loại tranh ghép gốm. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai trẻ kiên trì tìm hiểu và thực hành dòng tranh còn khá mới mẻ với đời sống mỹ thuật lúc bấy giờ. 

Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc tại Ban Liên hiệp xã tỉnh, được biệt phái xuống cơ sở gốm sứ Hồng Quang. Chính tại đây ông có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với gốm, men, tìm hiểu được thêm các kỹ thuật pha, nung tạo màu gốm. Sau quãng thời gian làm việc tại cơ sở gốm sứ Hồng Quang ông được điều về công tác tại Khách sạn Du lịch. Với nhiệm vụ mới, họa sĩ Hoàng Công Tản tập trung hầu hết thời gian cho việc sáng tác tranh quảng cáo, thiết kế trang trí. Do đặc thù công việc, thú “chơi gốm” của ông tạm thời phải gác lại, tuy vậy, chưa khi nào họa sĩ Hoàng Công Tản nguôi đi nỗi nhớ gốm. Ông luôn ấp ủ trong mình ước mơ về một triển lãm trưng bày những bức tranh ghép gốm do mình sáng tác. 

Năm 2014, sau khi về hưu, ông quyết định thực hiện bộ tranh chân dung Bác Hồ.

Lòng thành kính dâng Bác

Thể hiện tình cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều họa sĩ sáng tác nên những bức tranh về Bác Hồ bằng sơn mài, bằng bút chì, màu nước... nhưng những bức tranh về Bác được làm từ gốm ghép thì quả thực rất kén người làm. Bởi màu gốm không giống như màu vẽ, mỗi mảnh gốm ghép có khi chỉ phù hợp với một chi tiết trên bức tranh, nếu dùng sai tông màu có thể ảnh hưởng đến tổng thể, thất bại trong quá trình thực hiện rất dễ xảy ra. Ấy vậy mà họa sĩ Hoàng Công Tản vẫn thích “tự làm khó mình”. Với ông, việc sử dụng tranh ghép gốm có những ưu điểm nổi trội. Những mẩu men đều có độ bóng, dễ bắt sáng, khi ghép lại chúng sẽ lấp lánh như những vì sao, màu men vừa có lợi thế tạo khối vừa tôn lên sự “tỏa sáng” của chân dung.

Họa sĩ Hoàng Công Tản cho biết: Việc làm tranh chân dung đã khó, việc làm tranh ghép gốm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng khó hơn. Làm thế nào để các mảnh gốm khi ghép lại với nhau có thể toát lên được thần thái của Bác quả thực không phải điều dễ dàng. Để có được những bức tranh ghép gốm ưng ý, họa sĩ đã phải bỏ ra không ít công sức trong quá trình thực hiện. Có lúc, ông phải lặn lội cả trăm cây số lên tận làng gốm Bát Tràng tìm màu gốm. Có khi đang đi trên đường, ngẫu nhiên nhìn thấy thứ mình cần thì cũng phải “lao” xuống lấy. Nếu bức tranh chưa hoàn thành thì hầu như lúc nào tâm trí tôi cũng nghĩ về chúng.

Ngoài chọn màu, để làm tranh ghép gốm, họa sĩ Hoàng Công Tản còn phải thực hiện rất nhiều thao tác khác từ scan ảnh lên khung, đúc khung xi măng đến gắn mạch gốm, lồng khung gỗ… hoàn thiện một bức tranh, sửa đi sửa lại cho ưng ý phải kéo dài hàng tháng trời. Tuy vậy, với họa sĩ Hoàng Công Tản, bằng tất cả lòng kính yêu, sự biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa bao giờ ông thấy nản lòng với công việc mình đang thực hiện. Qua những bức tranh vẽ Bác, ông mong muốn mọi người học tập những phẩm chất cao quý của Bác, hiểu hơn cuộc đời cách mạng và tấm lòng của Bác để phấn đấu vươn lên, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Hiện tại, “gia tài” tranh ghép gốm của họa sĩ Hoàng Công Tản gồm 8 bức, trong đó cùng 2 bức tranh “Sửa thảm trên khung” và “Thổi thủy tinh” sáng tác từ những năm 80 của thế kỷ XX, 6 bức tranh về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thiện. 

Họa sĩ tâm sự: Mục tiêu của tôi đến năm 2020 sẽ hoàn thành bộ tranh ghép gốm đủ 20 bức về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số tướng lĩnh quân sự Thái Bình. Trong đó, lấy hình tượng Bác Hồ qua các thời kỳ làm ý tưởng chủ đạo. Tất cả số tranh ấy tôi sẽ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh phục vụ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

Thảo Tiên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày