Thứ 6, 29/03/2024, 18:17[GMT+7]

Trao đổi kinh nghiệm tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn

Thứ 3, 18/04/2017 | 14:17:17
2,163 lượt xem
Đây là nội dung buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn sáng ngày 18/4.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tích tụ ruộng đất nông nghiệp là chủ trương lớn được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Chủ trương này đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và được xem là giải pháp đột phá hiện nay cho nông nghiệp Thái Bình. 

Tính đến hết năm 2016, tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ trên địa bàn tỉnh là 3.220,6 ha. Trong đó: lĩnh vực trồng trọt 743,9 ha; lĩnh vực chăn nuôi 319,7 ha; lĩnh vực thủy sản 2.157 ha. Diện tích đất tích tụ có diện tích từ 10 ha trở lên có 1.877 ha. Có 36 tổ chức và 343 cá nhân thực hiện tích tụ ruộng đất. Các hình thức tích tụ chủ yếu gồm: dồn điển, đổi thửa; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thuê đất trực tiếp của người sử dụng đất; góp ruộng đất để sản xuất.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai của tỉnh như: Chưa có hành lang pháp lý để người có đất cho thuê yên tâm cho thuê đất, doanh nghiệp hoặc người thuê đất yên tâm thuê đất để sản xuất nông nghiệp. Việc phải dùng đất đi thuê đầu tư sản xuất tạo tâm lý không yên tâm của các nhà đầu tư thực sự muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp do lo ngại thời gian thuê ngắn. Hầu hết các mô hình tích tụ đã có chưa bảo đảm thủ tục về đất đai, ảnh hưởng tới công tác quản lý đất đai và khi có vướng mắc phát sinh sẽ khó khăn trong việc giải quyết. Nhà nước chưa có quy định chính sách cụ thể trong việc định giá thuê, thời hạn thuê để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người đi thuê và chủ thể cho thuê dẫn đến giá cả thuê đất ở nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay rất khác nhau. Công tác xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định…

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã giành thời gian tiếp Đoàn. Đồng chí đánh giá cao những kết quả và kinh nghiệm của tỉnh trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai thời gian qua. Đồng chí tin tưởng với những cơ chế, chính sách đã và đang được triển khai, việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn của tỉnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Tuy nhiên, đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng lưu ý trong quá trình triển khai tỉnh nên tiến hành thận trọng bởi cơ chế tích tụ, tập trung đất đai hiện nay vẫn đang trong quá trình thí điểm, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ. Đồng chí đề nghị thời gian tới, lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện để Đoàn tiếp tục được về tìm hiểu, nghiên cứu thực tế ở một số mô hình khác tại Thái Bình.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với đề nghị của đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng thời kiến nghị, đề xuất một số nội dung nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

* Trước đó, chiều ngày 17/4, Đoàn đã tới khảo sát, tìm hiểu về kinh nghiệm thuê đất của Công ty TNHH Hưng Cúc để sản xuất nông nghiệp. 

Hiện tại, Công ty TNHH Hưng Cúc đang thuê 17 ha đất nông nghiệp của người dân huyện Kiến Xương để sản xuất lúa hàng hóa trong thời gian 20 năm. Giá thuê bình quân 70kg thóc/sào/năm và cộng thêm 10% nếu giá thóc của UBND tỉnh quy định thấp hơn giá thị trường. Theo tính toán, với mức thuê trên, nông dân có thể thu về trên 20 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp 3 lần so với nông dân cấy nhỏ lẻ (chỉ đạt khoảng 7 triệu đồng/ha). Các hộ dân cho doanh nghiệp thuê đất được làm công ăn lương trên chính thửa ruộng của mình. 

Qua khảo sát thực tế, đồng chí Trưởng đoàn công tác đánh giá cao cách làm của Thái Bình, coi đây là xu thế tất yếu nhằm nâng chất lượng nông sản và có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. 

Đoàn cũng tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thực hiện việc tích tụ ruộng đất.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày