Thứ 5, 25/04/2024, 12:22[GMT+7]

Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa

Thứ 6, 31/03/2017 | 15:58:03
6,793 lượt xem
Ngày 21 tháng 3 năm 2017 đền Mẫu Âu Cơ được đón nhận và vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Phú Thọ

Đền Quốc Mẫu Âu Cơ được xây trên một khoảng đất rộng, thoáng giữa cánh đồng trồng lúa. Nơi đây, trước kia là một quả gò, xung quanh có nhà dân sinh sống nên còn có tên gọi là xóm gò. Năm 1475, khi quan Giám quốc sư của triều đình về thấy giữa cánh đồng có một gò đất cao nổi lên. Ngôi đất ấy có dòng nước chảy đến, có án che phía trước (núi Giác), sau có rồng bao (sông Hồng), ngôi đất này phát anh tài, nhân dân thanh tú, nhân vật phú cường bèn cho xây dựng đền Mẫu Âu Cơ. Trải qua nhiều thế kỷ do sự bồi đắp của phù sa sông Hồng, đến nay, quả gò đã trở thành bình địa.

Ngôi đền nằm ẩn dưới một gốc cây đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư. Sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc, xung quanh đền cây cối xum xuê, bốn mùa hương bay thơm ngát khiến cho lòng người sảng khoái bâng khuâng lạ thường. Xưa kia đền dựng kiểu 5 gian thờ dọc, mái lợp ngói mũi hài cổ kính. Các cột đều được làm bằng gỗ tứ thiết, sơn son thếp vàng vẽ hình rồng quấn rất đẹp và rất trang nghiêm. Kết cấu vì kèo theo kiểu chồng giường, hạ bẩy. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu... đều được đục chạm hình tứ linh và hoa lá có giá trị mỹ thuật cao, kỹ thuật tinh xảo. Đặc biệt các bức tranh trên cốn mê, cửa võng và xung quanh cửa thượng cũng được chạm khắc hết sức công phu các hình tứ linh, tứ quý với kỹ thuật đục bong, chạm nổi đuôi sơn son thếp vàng lộng lẫy, uy nghi.


Đền Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Phương Anh

Gian trong cùng là thượng cung và khám mẫu đặt tượng Mẫu Âu Cơ ngồi uy nghiêm trên ngai với dáng vẻ hiền hòa, nhân từ.

Đây là pho tượng tròn được tạo khắc vào thời Lê, có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình và thẩm mỹ. Ngoài ra, đền còn có nhiều di vật quý khác như tượng đức ông và nhiều long ngai, sập thờ, án gian... có giá trị lịch sử thẩm mỹ cao.

Nhìn chung đền Âu Cơ không đồ sộ nhưng nó hàm chứa ý nghĩa văn hóa tâm linh vô cùng to lớn, thể hiện tín ngưỡng truyền thống của các thế hệ người Việt về người mẹ Âu Cơ huyền thoại đã cùng Lạc Long Quân sinh ra dân tộc Việt Nam.

Ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày lễ chính. Dân gian gọi là ngày Tiên giáng. Ngoài ra trong năm âm lịch còn có các ngày lễ khác như mùng 10 và 11 tháng 2, ngày 12 tháng 3, ngày 13 tháng 8, ngày 25 tháng chạp là ngày Tiên thăng về trời. Trong vùng từ già tới trẻ, ai ai cũng thuộc câu ca đã được lưu truyền từ bao đời nay:

Mồng bảy trong tiết tháng giêng

Dân Hiền (Hiền Lương) tế lễ, trống chiêng vang trời

Sau tết Nguyên đán là bước ngay vào không khí chuẩn bị cho lễ hội. Cả làng tấp nập, nhộn nhịp người nào việc nấy. Nào là tập tế nữ, tập rước kiệu, làm bánh dằng bằng mật là thứ bánh truyền thống của địa phương được phân công cho mỗi năm một giáp đảm nhiệm.

Bánh được làm bằng bột gạo nếp thơm và mật ngon, nhào kỹ rồi lăn thành hình tròn, sau đó cắt thành từng đoạn như đốt tre và được hấp chín. Một trăm cầu bánh ngọt và lễ vật tượng trưng cho một trăm người con dâng lên mẹ Âu Cơ trong ngày lễ hội.

Sáng sớm mùng 7 tháng giêng, trên sân đền, cờ xí phấp phới tung bay trước gió Xuân. Trống, chiêng rộn rã thúc giục lòng người. Tất cả dân làng đều có mặt trong những bộ quần áo đẹp để đi dự lễ hội.

Mở đầu lễ hội là lễ tế thành hoàng ở đình Đức Ông, sau đó rước kiệu từ đình vào đền Quốc Mẫu. Trong tiếng trống, chiêng, tiếng nhạc của phường bát âm, một kiệu bát cống sơn son thếp vàng uy nghi do 8 cô gái mặc đồng phục khiêng nhẹ nhàng theo nhịp trống, phách đi vào đền. Đi đầu là rước cờ thần, sau đó là kiệu bát cống rước lễ vật, sau kiệu là các vị chức sắc và các cụ bô lão mặc áo thụng xanh dài, đầu đội khăn xếp, sau đó là đến toàn thể dân làng tham gia lễ hội.

Đúng giờ Thìn (từ 7 đến 9 giờ), đám rước vào đến sân đền, phường bát âm gồm đàn, sáo, nhị, trống, phách, sinh tiền... vang lên rộn ràng các điệu nhạc tế lễ. Không khí ở đền trang nghiêm, đèn nến tỏa sáng, khói hương nghi ngút.

Đầu tiên là lễ dâng hương và lễ vật là 100 cầu bánh ngọt, 100 phẩm oản và hoa quả. Sau đó là đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và đức hạnh tiến hành tế mẫu theo nghi thức truyền thống. Các cô gái mặc áo dài với các màu rực rỡ, tươi tắn, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng dải lụa làm cho màu sắc của ngày lễ hội thêm sinh động, phong phú. Chủ tế nữ mặc bộ lễ phục màu đỏ. Tế nữ là người được chọn cử cẩn thận, chu đáo để đảm nhiệm nội dung quan trọng của phần lễ.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (7-8-9 tháng giêng âm lịch). Sau khi tế nữ xong thì nhân dân địa phương và khách thập phương nô nức vào đền để lễ Mẫu Âu Cơ, dâng hương, dâng hoa. Ngoài sân đền thì diễn ra các trò chơi dân gian như đu tiên, đánh cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm....

Ngày thứ 3, là lễ rước kiệu từ đền Mẫu Âu Cơ trở về đình Đức Ông Hiền Lương để kết thúc lễ hội. Ngoài 3 ngày lễ chính, nhân dân địa phương và khách thập phương từ mọi miền đât nước vẫn tiếp tục hành hương về lễ Tổ Mẫu đến hết 3 tháng mùa Xuân và rải rác trong cả năm.

Ngày nay lễ hội đền Mẫu Âu Cơ đã được các cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm tổ chức và được nhân dân xã Hiền Lương duy trì thường xuyên vào đúng ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch. Chính vì vậy mà lễ hội đền Mẫu Âu Cơ đã trở thành một lễ hội dân gian đặc sắc, tiêu biểu trên quê hương Phú Thọ. Đất Tổ Vua Hùng được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước biết đến và tham dự lễ hội rất đông vui.

Tương truyền trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, người con cả dừng ở đất Phong Châu dựng kinh đô Văn Lang cai quản đất nước truyền ngôi được 18 đời, gọi là các vua Hùng. 49 người con theo mẹ tiếp tục ngược thượng nguồn sông Thao, đến vùng Hiền Lương thấy sơn thuỷ hữu tình, đất đai tươi tốt bèn hạ trại khai hoang lập ấp, dạy cho dân làng nghề trồng lúa, nuôi tằm… Làng xóm từ đó ngày một trù phú, cư dân ngày càng đông đúc. Thấy muôn dân đã thạo nghề cày cấy, một ngày kia mẹ Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời, vương lại một tấm lụa đào bên gốc đa giữa cánh đồng. Dân làng lập đền thờ tại đó để thờ mẹ, hàng năm mở hội đền vào mùng 7 tháng Giêng là ngày "Tiên giáng"…

Trong lịch sử tồn tại mấy ngàn năm, đền thờ Mẫu Âu Cơ đã ba lần được các triều đại nhà nước Việt Nam sắc phong. Lần thứ nhất dưới triều vua Lê Thánh Tông (1428-1527), nhà vua đã sai giám quốc sư lên Hạ Hoà phong thần và cấp tiền cho nhân dân tôn tạo đền Mẫu Âu Cơ. Dưới triều Nguyễn, năm 1874 vua Tự Đức sắc phong là đền thờ Quốc Mẫu. Ngày 3-8-1991 đền Mẫu Âu Cơ được Bộ VH-TT cấp bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Ngày 21 tháng 3 năm 2017 đền Mẫu Âu Cơ được đón nhận và vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

PhuthoPortal 

(Nguồn Sách Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ)