Thứ 5, 18/04/2024, 09:47[GMT+7]

Rộng cửa đón nhà đầu tư

Thứ 4, 05/04/2017 | 16:04:48
1,796 lượt xem
Tập trung cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong ba đột phá chiến lược tăng trưởng kinh tế được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Với tiềm năng, thế mạnh của địa phương cùng với chính sách “mở” ưu đãi, Thái Bình đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Damsan.

Đất lành

Đến nay Thái Bình có 928 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 115.646,87 tỷ đồng trong đó 510 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 26.409,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 113.000 lao động. Toàn tỉnh hiện có 68 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 992,6 tỷ đồng, vốn đối ứng 71,59 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 5.085 doanh nghiệp, 592 chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 45.351,3 tỷ đồng. 

Điểm nhấn nổi bật là tỉnh đã thu hút được nhiều dự án quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại như Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, dự án hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải… Các dự án này khi đi vào hoạt động dự kiến đóng góp thêm vào ngân sách địa phương khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Những năm qua, tỉnh đã chủ động quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Toàn tỉnh có 6 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70%, tạo việc làm cho gần 55.300 lao động; ngoài ra còn có 37 cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố. 

Ông Khúc Văn Lượng, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Với mục tiêu “Đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển”, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tích cực nắm bắt, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính (TTHC) của Ban Quản lý các KCN tỉnh đã được đưa ra thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh với thời gian rút ngắn 50%, một số thủ tục rút ngắn 60 - 70%, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Những năm qua, Thái Bình đặc biệt quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp. Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, vay vốn, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cho doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực, thường xuyên rà soát, cắt giảm tối đa TTHC, đầu mối về đầu tư, giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh. 

Giai đoạn 2012 - 2015, các cấp, các ngành trong tỉnh đã rà soát, rút ngắn 40% thời gian giải quyết TTHC, nhất là trong hoạt động đầu tư. Năm 2016, Thái Bình đã rà soát, cắt giảm 135 thủ tục (chiếm 13,02% TTHC cấp tỉnh), rút ngắn trên 30% thời gian giải quyết và thực hiện đơn giản hóa thành phần hồ sơ của mỗi thủ tục; bãi bỏ 595 TTHC và sửa đổi, bổ sung 248 thủ tục ở các ngành, lĩnh vực.

Tạo “làn sóng mới” trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thái Bình là một trong những tỉnh đi đầu cả nước thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công cấp huyện. Toàn bộ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả hiện nay ở các sở, ban, ngành tập trung tại một đầu mối; tổ chức, cá nhân chỉ đến một nơi để giải quyết TTHC. 

Ông Đỗ Như Lâm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: Tinh thần, thái độ của công chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc với các tổ chức, cá nhân luôn hòa nhã, tận tình, lịch sự, đúng quy định. Đến nay chưa phát hiện công chức có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực; chưa có khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân đối với việc giải quyết TTHC của cán bộ, công chức. Mọi thông tin về tiến trình, thời gian giải quyết TTHC đều công khai, minh bạch; một số thủ tục đã được thẩm định ngay tại Trung tâm. Đến nay, 100% TTHC được đưa ra thực hiện tại trung tâm hành chính công hai cấp, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Hiện nay, Thái Bình đang triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về  tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và đề án CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo nhằm cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, vì lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình luôn xem doanh nghiệp là động lực đầu tàu để phát triển kinh tế địa phương; cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, coi thành công hay thất bại của doanh nghiệp như thành công hay thất bại của chính mình; hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi nhất trong các khâu để thực hiện đầu tư tại tỉnh, đồng thời áp dụng đầy đủ các các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước. Về chính sách của địa phương, căn cứ đề xuất của từng doanh nghiệp, quy mô, tính chất của từng dự án, tỉnh sẽ ban hành những cơ chế phù hợp trên cơ sở không trái với quy định hiện hành của Nhà nước.

Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương


Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, điều quan trọng đầu tiên là các sở, ngành, địa phương phải đổi mới tư duy hành động, huy động mọi nguồn lực và nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho tỉnh. Chú trọng cải cách TTHC, phải tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp việc làm thủ tục đầu tư để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Mặt khác cũng cần phải hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hình thức trong việc tiếp cận nghiên cứu thị trường, thiết bị, công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực. Các đơn vị cần có định hướng chiến lược cũng như triển khai thực hiện quản lý các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng lĩnh vực nói riêng, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo ra quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.


Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan


Khó khăn nhất mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải là triển khai làm các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến đầu tư trên tất cả các lĩnh vực. Để khắc phục được tình trạng này, bên cạnh đẩy mạnh CCHC, tỉnh cần thống nhất cách giải quyết cho những dự án đã cơ bản đã phê duyệt được thực hiện song song giữa triển khai thực địa với làm hồ sơ pháp lý. Làm được điều này sẽ vừa bảo đảm thực hiện các văn bản đúng quy định của pháp luật lại vẫn đẩy nhanh được thời gian triển khai dự án. Ngoài ra, CCHC cần thực tế hơn, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trên tinh thần tự nguyện, tự giác và vô tư, không được áp đặt lợi ích cá nhân và mong muốn của mình vào công việc. Hơn nữa, công tác CCHC cần phải đổi mới đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh xuống cơ sở và ngược lại để tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp.


Ông Kajikawa Takami, Xưởng trưởng Nhà máy Yazaki - Chi nhánh Thái Bình


Tôi thấy môi trường đầu tư, kinh doanh ở Thái Bình rất tốt, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, nhất là trong những lúc doanh nghiệp gặp khó khăn. Người lao động của Thái Bình rất chăm chỉ, siêng năng, nghiêm túc làm việc, tuân thủ các quy định và luôn hợp tác với doanh nghiệp để hoàn thành công việc. Nếu gặp các doanh nghiệp của Nhật Bản chắc chắn tôi sẽ giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư về Thái Bình nhiều hơn nữa, trước hết tỉnh phải có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và xây dựng các nhà hàng của Nhật để đáp ứng điều kiện cho người Nhật sinh hoạt. Ngoài ra có thể xây dựng các khu nhà ở dành riêng cho người nước ngoài, có như vậy người Nhật mới yên tâm làm việc lâu dài ở tỉnh.

Nguyễn Hình - Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày