Thứ 6, 19/04/2024, 18:25[GMT+7]

Sản xuất giống thủy sản còn khiêm tốn

Thứ 4, 05/04/2017 | 16:15:18
1,884 lượt xem
Sản xuất giống thủy sản có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, mang lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho các hộ nuôi. Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực này ở Thái Bình mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn.

Khai thác hải sản của ngư dân Diêm Điền (Thái Thụy).

- Tỉnh Thái Bình hiện có 2.464ha nuôi ngao bãi triều nước mặn; hơn 3.461ha nuôi cá, tôm nước lợ; 8.373ha nuôi thủy sản nước ngọt và 502 lồng nuôi cá.
- Nhu cầu con giống của các hộ nuôi hàng năm: cá giống nước ngọt (rô phi, chim trắng, cá truyền thống) hơn 100 triệu cá bột; giống nuôi nước mặn, lợ (tôm sú, cua, ngao, sò huyết, cá bột các loại) khoảng 45.000 triệu con.


Nhiều cơ chế, chính sách

Thái Bình có nhiều lợi thế để khoanh vùng ương dưỡng các giống thủy sản do được bao bọc bởi hệ thống sông, biển khép kín. Để thúc đẩy phát triển sản xuất giống thủy sản có chất lượng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có Quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển giống thủy sản tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. 

Theo đó, khuyến khích các địa phương có lợi thế hình thành các vùng ương nuôi có quy mô lớn, phục vụ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, phát triển các mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp để sản xuất giống thủy sản. Không ngừng chuyển dịch cơ cấu, phát triển mạnh nguồn giống, các đối tượng đặc sản tạo sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để tăng năng suất, sản lượng. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng thủy sản, quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, đặc biệt về chất lượng giống… Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản. Các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng  nuôi trồng thủy sản được thuê đất với mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng trong bảng giá đất, miễn tiền thuê đất. Hỗ trợ các hộ nuôi áp dụng công nghệ cao. Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Giống thủy sản Thái Bình để lưu giữ, tuyển chọn và phát triển giống thủy sản bố mẹ...

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Hiện nay, toàn tỉnh có 12 cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó 7 cơ sở sản xuất giống nước ngọt, 5 cơ sở sản xuất giống mặn, lợ. Đối với sản xuất giống thủy sản nước ngọt, đã chủ động trong sản xuất và cung cấp giống cá truyền thống, cá rô phi lai, đáp ứng đủ yêu cầu nuôi trong tỉnh và bán sang các địa phương lân cận như Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương… Các cơ sở sử dụng đàn cá bố mẹ có chất lượng được nhập từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I. Giống cá truyền thống có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất trong tỉnh chiếm 70%, số còn lại là cá có giá trị kinh tế cao được nhập về từ Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bến Tre, Tiền Giang... 5 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn, lợ với tổng diện tích quy hoạch 15,3ha, trong đó 1 cơ sở sản xuất cá biển, 1 cơ sở sản xuất sò huyết, 3 cơ sở sản xuất ngao. Trung bình mỗi năm các cơ sở sản xuất được khoảng 5 tỷ con giống. Một số đối tượng cá giống biển như cá hồng Mỹ, cá vược... hàng năm sản xuất được một phần nhỏ nhu cầu cá bột cung cấp người nuôi trong tỉnh. 100% cơ sở sản xuất giống có hồ sơ, sổ sách theo dõi đàn cá bố mẹ, kết quả sản xuất từng giống loài cụ thể. Sản lượng cá giống nước ngọt các loài 402,6 triệu con, ngao giống 2,9 tỷ con, sò huyết 1,9 tỷ con, cá nước lợ 0,5 triệu con, tôm sú và tôm thẻ mua từ tỉnh ngoài về ương dưỡng. Giá trị sản xuất giống thủy sản ước đạt 25,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất giống còn có nhiều tiềm năng rất cần các doanh nghiệp vào đầu tư do số lượng giống tự sản xuất trong tỉnh còn rất thấp. Cụ thể: 98% lượng tôm giống nhập từ các tỉnh phía Nam; 90 - 95% cá giống nước lợ nhập từ tỉnh ngoài; hơn 85% ngao giống mua từ các tỉnh phía Nam... 

Nhằm tạo điều kiện để lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục có những cơ chế, giải pháp cụ thể như: có chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành khu vực sản xuất giống lớn, có uy tín, chất lượng; hỗ trợ thay thế đàn cá bố mẹ cho các trại sản xuất giống; nhập và chuyển giao các công nghệ sản xuất giống tiên tiến cho các cơ sở sản xuất; xây dựng thương hiệu một số giống loài thủy sản có lợi thế như cá rô phi, cá chép V1, ngao… Với tiềm năng, lợi thế cùng chính sách ưu đãi thiết thực hiện nay của tỉnh trong phát triển sản xuất giống thủy sản, tin rằng thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh góp phần thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả.


Ông Trương Văn Trị, Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long

Công ty chúng tôi hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản, chủ lực là cá biển; nuôi trồng, chế biến và bán buôn thủy sản… Qua 10 năm hoạt động, Công ty đã cung cấp cho thị trường các loại giống cá:  vược (ngọt, mặn, lợ), song chấm nâu, chim vây vàng, sủ sao, sủ đất, bống bớp… Hàng năm Công ty bán ra thị trường hơn 4 triệu con giống các loại, tuy nhiên chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu của người nuôi. Để việc sản xuất giống thủy sản phát triển tốt, đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ nuôi không mua các loại giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải

Thủy sản là ngành mũi nhọn của ngành Nông nghiệp Tiền Hải nên huyện có nhiều chính sách ưu tiên phát triển. Đây là những thuận lợi cho sự đầu tư phát triển ngành giống. Trên địa bàn huyện hiện có một số cơ sở sản xuất giống có uy tín, chất lượng. Tuy nhiên, trong sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là giống ngao và tôm nước lợ, các doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ nhu cầu về giống thủy sản. Tiền Hải rất mong và chào đón các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất giống thủy sản trên địa bàn nhằm bảo đảm chất lượng giống ngày càng tốt hơn và đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của các hộ nuôi.
Ông Lê Duy Hồng, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy

Với kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi trồng thủy sản, tôi thấy chất lượng giống thủy sản trong đó có tôm giống quyết định 50 - 70% thành công của vụ nuôi. Thực tế có những vụ nuôi người dân mua phải giống tôm kém chất lượng, khi thả được một thời gian tôm bị chết hoặc mắc một số các loại bệnh dịch. Vì vậy, tôi cũng như những hộ nuôi thủy sản mong muốn các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ chất lượng tôm giống đưa vào nuôi trên địa bàn tỉnh; loại trừ nguồn tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, gây khó khăn trong lựa chọn cho người nuôi tôm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vào đầu tư để sản xuất nguồn giống thủy sản tại chỗ, đáp ứng được chất lượng và giảm giá thành con giống.

Mạnh Thắng - Phan Lợi

Hoàng Thị sáu - 5 năm trước

E xin có y kiến muốn trao đổi với các a vui lòng liên lạc theo số máy e cảm ơn

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày