Thứ 6, 19/04/2024, 15:52[GMT+7]

Ðột phá nước sạch nông thôn (Tiếp theo và hết)

Thứ 5, 03/11/2016 | 15:13:32
1,593 lượt xem
Bằng những cách làm đột phá, Thái Bình đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu 100% số xã được cung cấp nước sạch vào cuối năm 2016, trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước phủ kín mạng lưới nước sạch nông thôn.

Công ty Cổ phần Nước sạch Hưng Hà đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

 

KỲ 3: Ðể nước sạch phủ kín làng quê

Các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công 

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước của Công ty Cổ phần Nước sạch Hưng Hà có công suất gần 20.000m3 ngày đêm, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân 17 xã trong huyện. Ông Vũ Văn Cảnh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, Công ty đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình, trong đó đã thi công xong phần móng công trình thu nước thô, trạm bơm cấp 1, cụm lắng lọc, phần đáy bể chứa nước sạch, lắp đặt được 20/65km đường ống cấp nước đến 17 xã. Các hạng mục xây dựng thuộc công trình đầu mối đạt 40% khối lượng công việc, tuyến ống đến các xã đạt 30%. Công ty đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình, cam kết cấp nước đến trung tâm 17 xã vào tháng 12/2016.

 Ngoài dự án của Công ty Cổ phần Nước sạch Hưng Hà, trên địa bàn tỉnh còn 4 dự án đầu tư mới đăng ký cấp nước vào tháng 12/2016, đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình gồm: dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước Bạch Đằng cung cấp nước cho 7 xã ở huyện Đông Hưng của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Tín Thành Hưng; dự án xây dựng nhà máy cấp nước sinh hoạt cho 7 xã ở huyện Tiền Hải của Công ty TNHH Tấn Phát; dự án xây dựng nhà máy xử lý nước mặt cấp nước cho 7 xã ở huyện Thái Thụy của Công ty Cổ phần Casaro miền Bắc; dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước mặt cấp nước cho thị trấn Diêm Điền và 9 xã ở huyện Thái Thụy của Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch và vật tư ngành nước Thanh Bình.

 Mục tiêu 100% số xã được cung cấp nước sạch vào cuối năm 2016 của tỉnh đề ra chính là để giải quyết nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn. Để hoàn thành mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực cao của doanh nghiệp cần có sự hưởng ứng tính cực của người dân trong việc góp vốn cùng doanh nghiệp. Để thống nhất mức đóng góp, Hội Nước sạch tỉnh đã đưa ra phương án thu trung bình 2,5 triệu đồng/hộ. Số tiền này được tính toán đưa vào giá thành của hệ thống ống nước cấp 3 và cụm đồng hồ. Với những hộ khó khăn, chính quyền địa phương đứng ra bảo lãnh với Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân được vay vốn. Giá bán nước sạch cũng được quy định cụ thể trong các quyết định của tỉnh theo khung giá tiêu thụ nước sinh hoạt do Bộ Tài chính quy định để tránh tình trạng tùy tiện nâng giá, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Chính sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân là tiền đề cho sự phát triển các công trình nước sạch nông thôn trong thời gian qua.

 

 

Nhà máy nước sạch Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ).

Mục tiêu 100% số xã được sử dụng nước sạch cơ bản hoàn thành

 Tính đến tháng 9/2016, trên địa bàn tỉnh đã có 58 dự án đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn gồm: 22 dự án đầu tư mới, 4 dự án đầu tư nâng cấp mở rộng, 5 dự án đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước, 27 dự án chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý, giảm 1 dự án so với kỳ trước do 2 dự án của Công ty Cổ phần Nước sạch Hưng Hà đề nghị điều chỉnh vào 1 dự án. Tổng công suất đăng ký cấp nước là 262.160m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho 1,5 triệu người trên địa bàn 239 xã; trong đó, 55 công trình đủ điều kiện cấp nước cho 200/237 xã trong phạm vi dự án, chiếm 84% số xã có dự án đầu tư. Các xã còn lại gồm 24 xã hiện đang sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch đầu tư trước năm 2012 mở rộng từ công trình cấp nước của một số thị trấn hoặc đầu tư theo vốn chương trình mục tiêu quốc gia. 

Có thể khẳng định, mục tiêu đến hết năm 2016, 100% số xã trong tỉnh có nước sạch sử dụng đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, trong số 22 dự án đầu tư mới theo cơ chế, chính sách tại Quyết định số 12 của UBND tỉnh đã có 17 dự án đã đi vào hoạt động cấp nước cho người dân, 5 dự án còn lại cam kết cấp nước tới trung tâm xã vào tháng 12/2016. Riêng 4 dự án đầu tư nâng cấp mở rộng và 5 dự án đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện cấp nước cho các xã trên phạm vi thực hiện dự án. Đối với 27 dự án chuyển nhượng cho doanh nghiệp quản lý, đến nay 20/20 công trình từ nguồn vốn WB đã hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo mở rộng mạng lưới đường ống phục vụ cấp nước cho nhân dân; 7/7 công trình nguồn vốn chương trình quốc gia hoạt động ổn định cấp nước phục vụ nhân dân.


 

Ông Hoàng Quốc Lập, Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh 

Với những kết quả đã đạt được, mô hình nước sạch nông thôn của tỉnh đã thực sự trở thành điểm sáng, thể hiện sự kết hợp hiệu quả giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp và người dân thông qua các chủ trương, chính sách đúng đắn và kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Từ thành công của mô hình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đoàn công tác tỉnh ngoài đến Thái Bình tham quan, học tập mô hình và các cơ chế, chính sách của tỉnh để thúc đẩy xã hội hóa xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn.

 

Ông Ðặng Ðình Dũng, thôn Ðông A, xã Ðông Á, huyện Ðông Hưng 

Hơn một năm nay, cuộc sống của người dân thôn Đông A đã thay đổi nhiều khi có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Trước đây, khi chưa có nước sạch, người dân trong thôn chủ yếu dùng nước giếng khoan, dùng để tắm thì có mùi tanh, giặt thì quần áo ố vàng. Từ ngày có nước sạch bà con rất phấn khởi, nước trong và sạch, tự chảy được lên nóc nhà cao 2 - 3 tầng nên người dân tiết kiệm được tiền điện và kinh phí đầu tư mua máy bơm. Hiện nay, hầu hết các hộ dân trong thôn đều đã sử dụng nước sạch.


 Trần Tuấn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày