Thứ 6, 29/03/2024, 16:12[GMT+7]

Vì sao người dân nông thôn chưa mặn mà với nước sạch?

Thứ 5, 10/11/2016 | 08:11:58
4,123 lượt xem
Với mục tiêu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, sau khi các công trình nước sạch nông thôn đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch lại rất thấp.

Công nhân nhà máy nước Vũ Bình (Kiến Xương) vận hành trạm bơm nước.

 

Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch thấp

Nhà máy nước Ðông Huy của Công ty TNHH 27-7 Tiền Phong là một trong những công trình xã hội hóa nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh có công suất thiết kế 6.500m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khoảng 10.000 hộ dân với 35.000 nhân khẩu trên địa bàn 6 xã của huyện Ðông Hưng. Hoạt động cấp nước từ đầu năm 2015, nhà máy hiện có 4.000/10.000 hộ dân đăng ký sử dụng nước, chiếm 40% tổng số hộ dân trong vùng dự án. Nhiều xã hiện có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước thấp như Ðông Kinh có 500/2.062 hộ, Ðông Tân có 500/2.600 hộ, Ðông Phong có 600/1.600 hộ…

Ði vào hoạt động được gần 2 năm, đến nay, nhà máy nước sạch Ðống Năm của Công ty TNHH Thương mại Ðỗ Gia Bảo mới có hơn 5.000/14.000 hộ dân đăng ký sử dụng.

 Theo ông Ðỗ Ðức Uyển, Giám đốc Công ty, hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch thấp khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Trung bình khi xây dựng một công trình nước sạch nông thôn doanh nghiệp phải đầu tư khoảng 60 - 70 tỷ đồng. Ngoài vốn tự có, vốn hỗ trợ của nhà nước và huy động của người dân, nhiều doanh nghiệp phải vay của ngân hàng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Khi xây dựng nhà máy xử lý nước doanh nghiệp phải bảo đảm quy mô và công suất phục vụ toàn bộ số hộ dân các xã trong vùng dự án. Vì vậy, khi số lượng hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch thấp sẽ dẫn đến tình trạng nhà máy không đạt tối đa công suất thiết kế, gây lãng phí đầu tư, khiến doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Trong khi đó, chi phí khấu hao tài sản, nhân công, tiền điện… để vận hành nhà máy doanh nghiệp vẫn phải tốn kém như khi hoạt động hết công suất.

Vì sao người dân nông thôn chưa mặn mà với nước sạch?

Thôn Duyên Hà (xã Ðông Kinh, huyện Ðông Hưng) có 640 hộ dân. Mặc dù nhà máy nước Ðông Huy đã lắp đường ống và cấp nước từ đầu năm 2016 nhưng đến nay mới có hơn 100 hộ dân trong thôn đăng ký sử dụng nước sạch. Các hộ còn lại vẫn đang dùng nước giếng khoan, nước mưa để sinh hoạt, ăn uống. Anh Phạm Văn Nam cho biết: Theo đánh giá của các hộ dân đang sử dụng thì chất lượng nước của nhà máy nước Ðông Huy rất bảo đảm. Nhưng hiện nay gia đình tôi đã đầu tư giếng khoan, bể lọc nước, bể đựng nước mưa, nếu dùng nước sạch thì lại bỏ phí các công trình này. Hơn nữa, nếu muốn dùng nước sạch ban đầu phải đầu tư vài triệu đồng, trong đó 2,5 triệu đồng đóng cho công ty, còn lại đầu tư mua téc nước… nên cũng khó khăn cho gia đình.

Theo ông Hoàng Quốc Lập, Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH 27-7 Tiền Phong: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ các hộ dân nông thôn đăng ký sử dụng nước sạch đạt thấp là do thói quen dùng nước mưa và nước giếng khoan của bà con từ lâu nay. Người dân chưa hiểu hết lợi ích nước sạch đem lại so với nguồn nước sinh hoạt đang dùng như nước giếng khoan, nước mưa. Ngoài ra, một số dự án nước sạch nông thôn trước đây không bảo đảm chất lượng đã khiến người dân hoài nghi hoặc mất lòng tin đối với chất lượng nước của các công trình nước sạch nông thôn hiện nay. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng nước sạch của một số địa phương chưa tích cực…

 Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân

Ðông Á hiện là một trong những xã của huyện Ðông Hưng có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch cao với 1.500/2.300 hộ, chiếm hơn 65%. Xã phấn đấu đến cuối năm 2016 có trên 90% số hộ sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch nông thôn. Theo ông Nhâm Công Thoại, Chủ tịch UBND xã: Ðể tỷ lệ hộ dân trên địa bàn xã sử dụng nước sạch đạt cao, thời gian qua, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng nước sạch, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ðông Hưng để đầu tư sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường.

 

Người dân nông thôn sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.


Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng để nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, tại cuộc họp ngày 15/9/2016 của Ban Chỉ đạo việc triển khai thực hiện đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo đã yêu cầu Tiểu ban tuyên truyền nước sạch nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích của việc sử dụng nước sạch; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình sử dụng nước sạch cho từng huyện, xã, bảo đảm hết năm 2018 tất cả các hộ dân ở khu vực nông thôn đều sử dụng nước sạch; UBND các huyện, xã căn cứ lộ trình sử dụng nước sạch tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân sử dụng nước sạch; lấy tiêu chí tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn các huyện, xã để xác định, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương.

Trần Tuấn 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày