Thứ 7, 20/04/2024, 19:49[GMT+7]

Nước sạch về quê (Kỳ 4)

Thứ 2, 07/08/2017 | 14:57:08
953 lượt xem
Nước sạch về quê đã đem lại niềm vui cho nhân dân khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Và khi đó, đích đến của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sẽ không còn xa khi đến hết tháng 12/2016, trên địa bàn tỉnh đã có 263/263 xã có đường ống cấp 1 cấp nước sạch đến trung tâm xã.

Công nhân nhà máy nước sạch Công ty TNHH Tấn Phát vận hành trạm bơm nước.

Kỳ 4: Niềm vui khi nước sạch về quê

Nước sạch về làng - Rộn ràng khắp xóm

Trước đây, gia đình bà Phạm Thị Thiết (xã Minh Tân, Hưng Hà) sử dụng nước giếng khoan và nước mưa để sinh hoạt hàng ngày. Nhưng hơn một năm nay gia đình bà chuyển hẳn sang sử dụng nước sạch do Nhà máy nước sạch Xuân Lan cung cấp. Các thành viên trong gia đình không bị mắc các bệnh ngoài da, sử dụng nước sạch cũng tiện lợi hơn. Vậy là ước mơ được sử dụng nước sạch như người dân đô thị của gia đình bà bấy lâu nay đã thành hiện thực.

Cũng như gia đình bà Thiết, gia đình ông Phạm Bá Tập (xã Thụy Thanh, Thái Thụy) mỗi tháng dùng hết 20m3 nước, chi phí hết hơn 200.000 đồng. Mặc dù tốn thêm chi phí sinh hoạt so với trước nhưng chất lượng cuộc sống gia đình ông cải thiện đáng kể.

 Ông Tập tâm sự: Hiện nay, do tác động của tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn nên nguồn nước giếng khoan, nước mưa không còn bảo đảm vệ sinh để phục vụ sinh hoạt và ăn uống. Vì vậy, người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi có nguồn nước sạch để sinh hoạt, qua đó góp phần bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm thiểu những bệnh tật do nguồn nước sinh hoạt không hợp vệ sinh gây ra.

Nông dân xã Vũ Trung (Kiến Xương) phấn khởi khi được sử dụng nước sạch.

Sau khi được chấp thuận đầu tư, 31 doanh nghiệp nước sạch đã tích cực huy động mọi nguồn lực với khoảng hơn 2.000 tỷ đồng để các dự án sớm đi vào hoạt động cấp nước cho nhân dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chú trọng nâng cao chất lượng nước, góp phần bảo đảm vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho người dân khu vực nông thôn. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty cho biết: Để nâng cao chất lượng nước, Công ty đã xây dựng phòng thí nghiệm tự kiểm tra mẫu nước thô và mẫu nước thành phẩm hàng ngày, định kỳ vệ sinh bể và các thiết bị, đồng thời thực hiện kiểm tra ngoại kiểm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh theo đúng quy định. Chính vì thế, từ khi thực hiện cấp nước đến nay chất lượng nước của Công ty luôn được bảo đảm, được nhân dân nhiệt tình tham gia sử dụng với tỷ lệ đấu nối đạt 55,5%.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long kiểm tra mẫu nước thành phẩm trước khi cấp nước cho các hộ dân sử dụng.

Đến hết tháng 12/2016:

- Trên địa bàn tỉnh có 263/263 xã có đường ống cấp 1 đến trung tâm xã, đạt tỷ lệ 100%; trong đó 257 xã có dự án đầu tư công trình cấp nước sạch, 5 xã được sử dụng nước sạch từ công trình đầu tư vốn chương trình mục tiêu quốc gia do xã quản lý và 1 xã (Thái Thọ) được sử dụng nước sạch từ Nhà máy sản xuất Amon Nitrat

- Toàn tỉnh có 56 dự án, công trình với tổng công suất cấp nước 258.660m3/ngày đêm, trong đó 22 dự án xây mới, 4 dự án nâng cấp mở rộng, 3 dự án mở rộng phạm vi cấp nước, 27 dự án chuyển nhượng cho doanh nghiệp quản lý từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn vay Ngân hàng Thế giới


Để mọi người dân đều sử dụng nước sạch 

Mục tiêu đến năm 2020, Thái Bình không chỉ thực hiện cấp nước sạch cho 100% xã, phường, thị trấn mà tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch cũng phải đạt 100%. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh đã xây dựng lộ trình cụ thể, trước mắt đến hết năm 2017 tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch phải đạt trên 60%.

Chất lượng nước sạch luôn được các công ty bảo đảm.

Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kỳ họp thứ 29, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Sinh đã nhấn mạnh đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn là chương trình lớn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở cơ sở phải có trách nhiệm bảo đảm duy trì hệ thống cấp nước sạch, bảo vệ công trình nước sạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình nước sạch nông thôn để nhân dân biết, thấy rõ lợi ích của việc sử dụng nước sạch, từ đó tích cực tham gia đấu nối sử dụng nước sạch.

Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh giám sát, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu các doanh nghiệp bảo đảm chất lượng nguồn nước, quản lý giá trần bán nước theo quy định. Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để thống nhất về cơ chế và cách tính hỗ trợ của tỉnh đầu tư xây dựng các công trình nước sạch nông thôn đi đến sự đồng thuận, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Đối với việc thực hiện chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh ưu tiên cho các hộ vay vốn đấu nối dùng nước sạch, tuyệt đối không cho các hộ vay vào mục đích đào giếng khơi, khoan giếng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bảo đảm nguồn tài chính hàng năm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình nước sạch nông thôn theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh.



Ông Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh.

Xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để sớm có nước sạch phục vụ nhân dân. Nếu chỉ trông chờ hoàn toàn vào nguồn ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia thì phải 50 năm nữa mới phủ kín được mạng lưới nước sạch trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, do làm tốt chủ trương xã hội hóa các doanh nghiệp thực hiện đầu tư các dự án, công trình cấp nước sạch, đến năm 2016 tỉnh ta đã có 100% số xã có nước sạch phục vụ nhân dân. Nhưng hiện nay, do sự vào cuộc của một số cơ quan, địa phương và nhận thức của một số người dân chưa thấy rõ việc sử dụng nước sạch sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe, đáp ứng điều kiện sinh hoạt ngày càng nâng cao và ổn định lâu dài cho nhân dân nên tỷ lệ hộ dân sử dụng nước còn thấp, bình quân toàn tỉnh mới đạt 43%.
Thời gian tới, tỉnh tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền đẩy mạnh đấu nối, bảo đảm năm 2017 có 60% số hộ dân đấu nối trở lên, coi đây là tiêu chí để bình xét thi đua với cấp huyện, xã và cũng là tiêu chí xét xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý chất lượng nước, các doanh nghiệp cung cấp nước sạch thực hiện nghiêm túc chế độ tự kiểm tra chất lượng nước, công bố công khai tại trụ sở thôn, UBND xã, cổng thông tin Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để người dân biết và hưởng ứng sử dụng nước sạch.


Ông Trần Đức Năng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tấn Phát

Nhà máy nước sạch thuộc Công ty TNHH Tấn Phát có công suất 10.500m3/ngày đêm, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho khoảng 52.000 nhân khẩu của 7 xã huyện Tiền Hải gồm: Đông Hải, Đông Long, Đông Hoàng, Đông Quý, Đông Trung, Đông Phong, Đông Xuyên, 2 thôn Lương Điền, Trịnh Cát và xóm 13 thôn Đức Cơ, xã Đông Cơ. Do nguồn nước giếng khoan ở các địa phương ven biển huyện Tiền Hải bị nhiễm mặn nặng, không bảo đảm cho việc sinh hoạt nên hầu hết người dân đã chuyển sang sử dụng nước máy. Đến nay, số hộ dân sử dụng nước sạch của nhà máy đạt hơn 8.000 hộ, chiếm hơn 80% số hộ dân trong vùng dự án, trong đó riêng ở các xã ven biển chiếm trên 90%. Đây là nhà máy nước sạch có tỷ lệ hộ dân tham gia sử dụng cao nhất tỉnh hiện nay.


Chị Vũ Thị Nhãn, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương

Mặc dù giá nước sau khi chuyển đổi cho Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Bình quản lý, khai thác có tăng hơn 2.000 đồng/m3 so với trước đây nhưng gia đình tôi rất yên tâm sử dụng bởi không chỉ bảo đảm về chất lượng, trạm cấp nước còn thường xuyên duy trì lượng nước ổn định, không xảy ra tình trạng mất nước như trước. Hiện nay, trung bình mỗi tháng gia đình tôi sử dụng khoảng 15m3 nước phục vụ sinh hoạt. Từ khi được sử dụng nước hợp vệ sinh, gia đình tôi không còn phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm như trước đây nữa.


Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày