Thứ 5, 25/04/2024, 11:19[GMT+7]

Vẽ giấc mơ tên báo

Thứ 2, 19/12/2016 | 16:33:02
3,714 lượt xem
Bảy người làm số Báo Thái Bình đầu tiên có tên “Tiến Lên” là các nhà báo: Vũ Văn Hân, Nguyễn Văn Thủy, Bút Ngữ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Trọng, Hữu Tháp và Ðỗ Ðạo, trong đó nhà báo Ðỗ Ðạo có lẽ là người trẻ tuổi nhất. Ông đến với Báo Thái Bình như một cơ duyên, ngay ngày đầu đặt chân đến trụ sở cơ quan ông đã được nhà báo Vũ Văn Hân phụ trách báo tín nhiệm giao trọng trách vẽ tên Báo Tiến Lên.

Trường Tiểu học Thống Nhất (Hưng Hà) - nơi cố nhà báo Đỗ Đạo từng giảng dạy khi rời nghiệp báo về quê.

 

Năm 1996, khi tôi đang làm công tác sửa mo-rat, nhà báo Nguyễn Văn Hoa đã nghỉ hưu đến tòa soạn gửi bài cộng tác, nhân đấy ông cho tôi xem những tư liệu về bảy anh em làm số Báo Thái Bình đầu tiên, trong đó có mấy bức biếm họa của nhà báo Ðỗ Ðạo, đặc biệt là bản vẽ tay bằng bút chì măng-sét Báo Tiến Lên. Nhà báo Nguyễn Văn Hoa kể lại, ông Ðỗ Ðạo là thầy giáo giảng dạy ở Trường Tiểu học Thống Nhất (Hưng Hà), biết vẽ và vẽ biếm họa rất tài. Thuở ấy, họa sĩ rất hiếm và hiếm hơn khi biết vẽ minh họa, biếm họa mang tính báo chí. Thời còn học ở Trường Thiếu sinh quân, Ðỗ Ðạo được đào tạo môn họa. Khi về địa phương công tác, ông vẽ nhiều tranh biếm họa đả kích Mỹ - Diệm, phê phán thói hư tật xấu trong dân chúng, cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất hăng say vì miền Nam ruột thịt... gửi tờ tin Thái Bình và được chọn đăng. Ông không ngờ rằng những bức biếm họa chứa nặng tinh thần chống Mỹ cứu nước ấy đã lọt vào “mắt xanh” của người phụ trách tờ tin Thái Bình - nhà báo Vũ Văn Hân.

 

Là người có tài tổ chức, lại có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý ở Phòng Thông tin Tuyên truyền Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình rồi phụ trách tờ tin Tả Ngạn (Quân khu 3), tờ tin Thái Bình, nhà báo Vũ Văn Hân đã xây dựng đề án nhân sự cho Báo Tiến Lên, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn y nhưng còn khuyết một “chân” họa sĩ trình bày báo, điều này khiến ông trăn trở, lục tìm. Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Tỉnh Ðảng bộ nên cần những cán bộ, phóng viên là đảng viên. Họa sĩ ở Thái Bình lúc bấy giờ rất hiếm, ở Ty Văn hóa có ông Lưu Tuần Du là họa sĩ tự học, ngoài tỉnh lỵ có ông Bình Lâm vẽ quảng cáo ở rạp chiếu phim nhưng không đào tạo chính quy và họ chưa phải là đảng viên.

 

Ông chợt nhớ ra Ðỗ Ðạo có gửi nhiều tranh vui, tranh phê bình và biếm họa gửi cộng tác với tờ tin Thái Bình do ông phụ trách. Tìm hiểu ra mới hay Ðỗ Ðạo tốt nghiệp Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Thống Nhất, rất có khiếu vẽ biếm họa, ông Vũ Văn Hân liền cử người về Duyên Hà (Hưng Hà nay) xin chuyển ngành cho Ðỗ Ðạo về làm họa sĩ trình bày báo. Lãnh đạo huyện Duyên Hà đồng ý. Ðược đánh giá đúng sở trường, được chọn về báo tỉnh làm việc, ông Ðỗ Ðạo vô cùng phấn khởi, từ biệt gia đình, làng quê, khăn gói theo ông Vũ Văn Hân đi làm báo. Ông Ðạo về tòa soạn kịp vẽ tên báo, trở thành một trong bảy người tham gia làm số báo đầu tiên của tỉnh nhà. Nhà báo Nguyễn Văn Hoa tự thuật: “Tôi mê đọc bài báo hay của bạn để từ đó tìm thấy một lối viết mới, một cách dùng ngôn ngữ sinh động, gây ấn tượng và một kết cục bất ngờ. Với tranh biếm họa của Ðỗ Ðạo cũng vậy, tranh ông vẽ luôn tạo kết cục có tính gợi rất cao. Ví như bức biếm họa hai vợ chồng sâu đục thân phá lúa nói với nhau trong lúc con người không để ý, lợi dụng cơ hội chúng hò nhau phá phách mùa màng, cái kết gợi mở suy nghĩ không được lơ là, chủ quan, bỏ bê ruộng đồng..., hậu quả là mùa màng thất bát”. Khi chính thức nhận lệnh vẽ tên báo, ông Ðỗ Ðạo ngồi riêng góc phòng yên tĩnh (phòng có bốn người gồm Nguyễn Văn Thủy, Bút Ngữ, Nguyễn Văn Hoa và Ðỗ Ðạo), Ðỗ Ðạo vót chì thật nhọn, sử dụng giấy rô-ki loại tốt. Tên báo đã được chọn là Tiến Lên nhưng vẽ thế nào để bạn đọc nhìn vào là thấy quê ta có khởi sắc và tiến lên mới là khó. Mọi người trong phòng đều chung một ý nghĩ giúp Ðỗ Ðạo ý tưởng vẽ tên báo thể hiện khái quát quê hương Thái Bình đang tiến lên về nhiều mặt. Ðỗ Ðạo ngồi chăm chú vẽ, ba người còn lại cùng giữ im lặng, không ai bảo ai tất cả đều chờ mong bản vẽ của Ðỗ Ðạo thành công ngay từ nét vẽ đầu tiên bởi mọi người trong tòa soạn lúc ấy đều mơ về tờ báo của Ðảng bộ tỉnh sớm ra mắt bạn đọc, giấc mơ đó luôn thường trực trong bữa ăn, giấc ngủ của bảy anh em được giao trọng trách quan trọng, trong đó phụ trách báo Vũ Văn Hân là người mong mỏi nhất. Ðỗ Ðạo vẽ hai bản với hai mẫu chữ khác nhau, mấy anh em trong phòng cùng tụ lại góp ý. Nhìn mẫu vẽ, phụ trách báo Vũ Văn Hân vẫn không ưng, điều ông hằng mơ ước từ khi còn phụ trách tờ tin Tả Ngạn là sẽ có ngày ông làm báo ở tỉnh nhà, một tờ báo đẹp về hình thức, phong phú về nội dung và đặc biệt tính chiến đấu phê và tự phê phải thật rõ ràng. Giấc mơ đó đã đến gần và đang được ông cùng các cộng sự gắng công thực hiện. Tên báo Tiến Lên là linh hồn tờ báo, cần phải trình bày đẹp, rõ ràng. Phải vẽ lại. Ðỗ Ðạo kiên nhẫn ngồi vẽ, đến mẫu thứ năm, phụ trách báo Vũ Văn Hân mới đồng ý. Hôm sau, ông mang mẫu vẽ tên Báo Tiến Lên trình duyệt lãnh đạo Tỉnh ủy. Mẫu được duyệt ngay, mấy anh em trong phòng cùng Ðỗ Ðạo phấn khởi ra mặt. Ðó là thành tích đầu tay mà Ðỗ Ðạo đóng góp xây dựng báo. Năm 1963, nhân dịp có lãnh đạo tỉnh dự họp tại Hà Nội, Bác Hồ gặp và góp ý Báo Tiến Lên trình bày đẹp, tin tức phong phú, nhiều bài biểu dương gương người tốt, việc tốt, lại có cả những bài phê bình mạnh tay nhưng măng-sét cần thêm chữ Thái Bình để bạn đọc dễ nhận ra ngay. Thế là Ðỗ Ðạo lại được phụ trách báo Vũ Văn Hân phân công vẽ tên báo Thái Bình Tiến Lên một lần nữa. Cũng cần nói thêm về người vẽ tên báo, công việc minh họa cho báo đối với Ðỗ Ðạo không có gì khó khăn, ông vẽ nhanh, triết lý sâu sắc; thời gian còn lại nhiều, ông đề xuất với phụ trách báo Vũ Văn Hân cho ông được đi cơ sở viết bài. Phụ trách báo Vũ Văn Hân đồng ý. Ðỗ Ðạo vừa vẽ vừa viết. Viết thì phải đi cơ sở. Những năm đầu không có xe đạp, ông phải cuốc bộ, khi đi dưới nắng hè oi bức, lúc lõm bõm dưới mưa phùn tê lạnh với đôi dép cao su quai hậu mòn gót. Ngày đó, xe khách về các huyện hai ngày một chuyến, ông vẫn kiên trì đi và viết. Bài ông viết biểu dương những nơi sản xuất, chiến đấu giỏi, giành được cảm tình của cán bộ, nhân dân các xã. Trong nhiều bài báo Ðỗ Ðạo viết, có lần một nhóm người quá khích ở xã Vũ Hội, huyện Thư Trì (nay là Vũ Thư) bị phê bình đã viết thư đến tòa soạn, ngoài phong bì có viết bốn chữ in hoa đậm: “Cần gặp Ðỗ Ðạo”. Ðược sự động viên, khích lệ của phụ trách báo Vũ Văn Hân, Ðỗ Ðạo vẫn tiếp tục nhận viết những bài phê bình ký tên rõ ràng.

 

Bảy người làm số báo đầu tiên thì năm người đã ra đi mãi mãi trong đó có nhà báo Ðỗ Ðạo, người vẽ tên báo. Bảy nhà báo đã sống những ngày hồn nhiên, gắn kết bên nhau chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự, kỹ thuật và tòa soạn để thực hiện giấc mơ về một tờ báo chính luận ngay ngắn của Tỉnh Ðảng bộ. Di sản mà các nhà báo lão thành ngày ấy để lại cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà cũng chính là Báo Thái Bình ngày nay.

 

 

Ông Ðỗ Nhượng, em trai nhà báo Ðỗ Ðạo, thôn Nội Trang, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà

 

Anh tôi, nhà báo Ðỗ Ðạo là người giản dị, thanh bạch, chan hòa với mọi người. Anh lên tỉnh làm báo, nhà nghèo phải bán lợn, gà gom tiền mua chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô để anh đi cơ sở viết báo. Thuở ấy lương thấp, mỗi tuần về thăm nhà anh Ðạo xếp hàng mua cho được mấy cái bánh mì về làm quà, có lần bị kẻ cắp lấy mất. Khó khăn nhưng anh Ðạo vẫn lạc quan. Anh thường nhắc tới Tổng biên tập Vũ Văn Hân với tình cảm trân trọng, kính mến, người luôn động viên, khích lệ anh trên con đường dấn thân vào nghiệp báo. Chỉ tiếc rằng anh Ðạo mắc chứng đau tim không tiếp tục làm báo được, phải về quê dạy học.

 

Bà Trần Thị Thu, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thống Nhất (Hưng Hà)

 

Bác Ðạo rời Báo Thái Bình Tiến Lên quay trở về Trường Tiểu học Thống Nhất (lúc bấy giờ là trường cấp I - II) dạy học, trải qua quá trình phấn đấu, bác được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bác Ðạo vẫn lạc quan, vui sống. Trong giảng dạy, bác thường vẽ tranh minh họa làm cho các tiết học thêm sinh động. Bác Ðạo vẫn thường hay kể về những kỷ niệm làm Báo Tiến Lên, về bác Vũ Văn Hân, bác Bút Ngữ và những đồng nghiệp tình cảm chân thành như anh em một nhà.

 

Ông Tạ Xuân Sinh, giáo viên Trường Tiểu học Vũ Thị Thục (Hưng Hà)

 

Báo Thái Bình thời gian gần đây đổi mới không ngừng, đăng nhiều loạt bài không những có tác động lớn đến các phong trào ở địa phương mà còn là cẩm nang cho các hoạt động xây dựng chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, đáng chú ý là loạt bài “Xây dựng nông thôn mới - cách làm riêng của Thái Bình”; “Không chỉ là đất lúa”; “Nước sạch nông thôn - chính quyền cần nhưng dân chưa vội”... Mở trang báo ra, điều ghi nhận đầu tiên là hình thức đẹp, giấy tốt, chữ nét, ảnh in sáng màu, không khác gì Báo Nhân Dân. Báo Thái Bình chủ nhật phong phú về nội dung, trình bày thoáng, hấp dẫn, nhiều bài viết đặc sắc mang đậm hơi thở cuộc sống, rất được giới giáo chức chúng tôi quan tâm tìm đọc.

 

Quang Viện

  • Từ khóa