Thứ 5, 28/03/2024, 19:56[GMT+7]

Ngày trở về

Thứ 2, 26/12/2016 | 14:51:26
1,987 lượt xem

Ảnh: Minh Đức.

 

Ngày 25/2/1972, khoác chiếc ba lô từ trạm thương binh Thái Bình tôi về nhận công tác tại Tòa soạn Báo Thái Bình. Sau 37 năm, 6 tháng (15/7/2009), tôi nhận quyết định nghỉ hưu, về với gia đình nơi cư trú. Cả hai lần nhận quyết định để lại bao ấn tượng sâu sắc, đáng nhớ.

Tờ Báo Thái Bình - ngày tôi về nhận công tác vừa được đổi tên từ “Thái Bình Tiến Lên” thành “Thái Bình”. Thêm tôi, cả Tòa soạn mới có 11 cán bộ, công nhân viên chức. Ông Lê Trọng (theo quy định cũ) là Phó Tổng biên tập, thủ trưởng cơ quan; ông Ðỗ Vĩnh Bảo là Ủy viên Ban Biên tập. Còn chủ bút (tức chủ nhiệm chính trị) là ông Trần Ngạn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - khi cần thiết mới đến Tòa soạn chỉ đạo trực tiếp. Tháng 5/1972, đế quốc Mỹ mở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, các cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh tế và nhân dân thị xã Thái Bình lại phải sơ tán về nông thôn. Tòa soạn Báo Thái Bình sơ tán về thôn Thanh Miếu, xã Vũ Phúc vừa tròn 1 tháng, sau đó Tỉnh ủy chỉ đạo chuyển về thôn Súy Hãng, xã Minh Lãng (Vũ Thư) để tiện cho sự chỉ đạo của Tỉnh ủy (đang ở thôn Ðại Ðồng, xã Tân Hòa). Chuyển về Minh Lãng còn có sự thuận lợi nữa là mỗi khi cần về Ủy ban Hành chính tỉnh sơ tán tại Ðông Hưng không phải qua các trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ và xí nghiệp In sơ tán tại xã Lô Giang (Ðông Hưng) cũng gần hơn, an toàn hơn. Báo Thái Bình sau 10 năm ra số đầu vẫn là khổ nhỏ (31 x 42cm), phát hành thứ tư và thứ bảy hàng tuần. Tòa  soạn có 4 tổ công tác (văn phòng gồm một ít người chuyên làm việc tại chỗ như văn thư, kế toán, thủ trưởng cơ quan, ủy viên ban biên tập và 1 - 2 biên tập; tổ phóng viên chuyên viết về nông nghiệp; tổ chuyên viết về công thương; tổ văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; viết về xây dựng Ðảng từ lãnh đạo đến phóng viên ở các tổ đều phải tham gia). Phân công như vậy cho có trách nhiệm thôi, còn trong thời chiến, thủ trưởng cơ  quan trực tiếp điều hành. Có lúc phóng viên nông nghiệp, công thương, cán bộ văn phòng cũng phải vào vùng có chiến sự để chụp ảnh, viết tin, bài theo chỉ đạo của thủ trưởng, thủ phó cơ quan. Thời chiến, khó khăn, thiếu thốn đủ bề, phương tiện di chuyển của cán bộ, phóng viên bằng xe đạp, nhiều người chỉ có xe “cà tàng”. Ngoài quyển sổ và cây bút, trong túi lúc nào cũng phải có tem lương thực và tiền lương để sinh hoạt thường nhật. Ðược huyện hoặc các ngành mời dự hội nghị, muốn ăn cơm phải đóng tiền và tem lương thực theo định lượng (0,225kg/bữa). Ðã xuống huyện phải xuống đến xã, hợp tác xã mới lấy được tài liệu. Một đợt đi như vậy, nhanh nhất cũng phải nghỉ lại 1 - 2 ngày ở xã hoặc huyện. Bác Tô Kim Tuyền, phóng viên nông nghiệp, có lần về kể 2 đêm được hợp tác xã bố trí ngủ cùng phòng với mấy bắc thợ mộc ở đội chuyên sửa chữa cày bừa của hợp tác xã. Trong chuyến đi này, ngoài bài viết cho “báo nhà”, bác Tô Kim Tuyền còn viết một bài xây dựng Ðảng đăng trên Tạp chí Cộng sản. Còn phóng viên Hồng Trường (tức Ðình Hồng), có lần đi xe đạp tới 10 ngày dọc theo ven biển hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải, phải điện về xin phép thủ trưởng cơ quan và nhờ người quen vay hộ tem lương thực và tiền ăn nộp cho cơ sở. Một phóng viên trẻ hơn được cử đi cơ sở đã khóc với thủ trưởng cơ quan bởi lý do quản lý nhà ăn chưa đổi được tem lương thực để mang đi công tác. Thủ trưởng phải cử người khác đi thay, mặc dù biết rằng người thay cũng mới từ cơ sở về. Thời chiến, các tổ chuyên môn còn phải cử phóng viên thường trực tại các trọng điểm đánh phá của Mỹ để chụp ảnh, viết tin, bài tố cáo tội ác của giặc và ca ngợi tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta. Ông Phạm Huy Niết, tổ trưởng tổ văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh chứng kiến cảnh đánh phá của máy bay Mỹ vào đê Trà Lý và các cơ sở kinh tế trên đất thị xã đã làm cho nhiều người ở lại thường trực bị chết. Trong đó có ông Hoàng Cúc, Trưởng ty Thương nghiệp, bà Kim Cương, cán bộ cửa hàng ăn uống cầu Bo (nay là Khách sạn Sông Trà). Ngay đêm đó, dưới ánh đèn dầu và trong hầm trú ẩn ông đã hoàn thành bài phóng sự để sáng hôm sau nộp cho tòa soạn nơi sơ tán. Ông Hồng Trường ngay trong đêm giặc ném bom cống Lân (Tiền Hải), từ nơi sơ tán đi xe máy “cà rạp” lại không được bật đèn để chụp ảnh, viết bài và đã hoàn thành để sáng hôm sau đi Hà Nội làm ảnh kẽm ra số báo giữa tuần... Ngoài đồng lương, các nhà báo trong thời chiến không có chế độ gì (nhuận bút không có, công tác phí nhận chế độ khoán xe như các cơ quan hành chính sự nghiệp - chế độ khoán rất thấp). Do vậy, không ít cán bộ, phóng viên chưa hết tháng đã hết tiền. Khó khăn, gian khổ như vậy nhưng chẳng một ai muốn xin chuyển công tác, được giao nhiệm vụ là vui vẻ, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt, mặc dù ở thời điểm đó rất nhiều người có điều kiện chuyển đến cơ quan đơn vị “dễ thở” hơn. Bà Quế Phương, con cụ Lương Quang Chất, Bí thư Tỉnh ủy, nhiều ty, công ty nắm giữ quyền phân phối vật chất gợi ý cho bà chuyển việc nhưng yêu nghề báo mà bà luôn chối  từ.

Báo Thái Bình trong thời chiến và bao cấp cũng khó khăn lắm. Muốn có giấy in báo, hàng quý phải lập dự trù về Vụ Báo chí Trung ương và phải báo cáo quyết toán số giấy được phân bổ kỳ trước. Thế nhưng cũng chỉ được cấp cho mỗi số 4.000 - 5.000 tờ/kỳ. Mỗi năm xuất bản 108 kỳ. Tính ra, mỗi quý từ 2,2 - 2,5 tấn giấy báo Liên Xô. Ngày đó, phương tiện thông tin đại chúng, chỉ có báo viết và đài truyền thanh từ tỉnh xuống huyện. Vì vậy, nhu cầu báo cần nhiều hơn số giấy được phân phối nhiều khi không đủ. Ðể khắc phục khó khăn này, Báo Thái Bình xin mua của ngành thương nghiệp giấy xeo từ bột nứa của Thanh Hóa, có lúc xin mua giấy xeo từ bột mía của nhà máy đường - rượu - giấy Hưng Nhân. Cả hai loại giấy đều có màu vàng thẫm. Nhà máy in các tỉnh đều dùng máy công nghệ cũ kỹ, bán tự động từ thời Pháp để lại nên độc giả vừa đọc vừa đoán từ tiếp theo. Ảnh đăng trên báo càng tệ hơn. Trong một lần tổng kết khối tư tưởng, một đồng chí lãnh đạo tỉnh nói vui: Nhiều ảnh đăng trên Báo Thái Bình nếu không đọc kỹ chú thích thì tưởng “võ sĩ da màu đấm bốc trong phòng tối”. Ðài truyền thanh cũng vậy, tiếng ọc, ọc, ọc… mãi mà phát thanh viên chưa thành tiếng. Nghe xong, mọi người cười xòa bởi lỗi này đâu phải nhà báo, nhà đài.

Hơn 37 năm công tác tại Tòa soạn Báo Thái Bình, bản thân tôi cũng nếm đủ khó khăn như bao người khác. Ban đầu được bố trí làm kế toán, văn thư, tạp vụ..., bằng con đường tự học, tự nghiên cứu các giáo trình nghiệp vụ, nhiều bộ luật hiện hành và cũng tham gia viết bài ngay từ những năm đầu về tòa soạn. Sau này lãnh đạo cơ quan chuyển công việc giao cho người khác mới trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Năm nào, số lượng tin, bài đều vượt xa so với định mức. Có năm tới 300 - 350%. Ðều đặn hàng năm có hàng chục bài điều tra, phê bình. Nhiều bài viết tham gia dự thi đều đạt giải cao. Tôi cũng là một trong số phóng viên có nhiều bài cộng tác với Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Tiền phong, Báo Công an nhân dân, Tạp chí Tài chính, Tạp chí APEC (Hiệp hội kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), Tạp chí Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Thuế nhà nước… Thật vinh dự cho bản thân được hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh 2 lần công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Ðược Hội Nhà báo Việt Nam tặng huy chương “vì có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp báo chí nước nhà”.

Từ khi về hưu, thi thoảng trở lại thăm Tòa soạn, nhìn cơ sở vật chất và lực lượng cán bộ, phóng viên trẻ hôm nay mà thấy mừng cho sự trưởng thành của tờ báo. Báo Thái Bình hôm nay so với ngày xưa thật quá đẹp, rõ ràng đến từng nét, màu sắc tươi rói. Báo lại xuất bản hàng ngày, mấy năm nay lại thêm báo điện tử… Ðúng là thời chúng tôi còn công tác “nằm mơ cũng không thấy”.

Hai năm nay, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Ban Biên tập Báo đều mời cán bộ, phóng viên đã nghỉ hưu gặp mặt với cộng tác viên, thông tin viên của Báo. Về rồi đôi khi nhớ nghề viết bài cộng tác. Có làm mới thông cảm với anh chị em cộng tác viên, thông tin viên của Báo Thái Bình và của Ðài Phát thanh Truyền hình Thái Bình có nhiều khó khăn mà bám trụ vững chắc. Có người tới 30 - 35 năm cộng tác với Báo, Ðài. Bởi vì mọi chủ đề tuyên truyền lớn, Ban Biên tập đã phải triển khai và phân công phóng viên từ rất sớm. Cộng tác viên, thông tin viên thường không chủ động được. Nếu có viết thì vừa muộn, lại chồng chéo và chất lượng khó có thể bảo đảm. Hai là tâm lý của tập thể, cá nhân cung cấp tài liệu cũng muốn dành cho phóng viên chuyên nghiệp hơn là cộng tác viên, thông tin viên... Ấy vậy mà nhiều cộng tác viên như bác Nguyễn Chiêm (Ðông Hưng), bác Ngọc Hồ (Hưng Hà), bác Phan Văn Bút (thành phố Thái Bình)... vẫn tìm ra những chỗ “còn sót” mà các nhà báo chuyên nghiệp chưa “cày xới thâm canh” để cộng tác với Báo, Ðài. Nhiều cộng tác viên, thông tin viên không chỉ nhiều “tuổi nghề” mà còn nhiều tuổi đời (trên dưới 80 tuổi) nhưng mỗi năm đều viết cho Báo Thái Bình hàng chục tin, bài chất lượng cao.

Hoàng Duy

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa