Thứ 6, 29/03/2024, 12:46[GMT+7]

Tự hào lính đặc công

Thứ 2, 13/03/2017 | 08:10:51
9,514 lượt xem
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Binh chủng Đặc công (19/3/1967 - 19/3/2017) và 20 năm thành lập Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu bộ đội đặc công tỉnh Thái Bình, chúng tôi có dịp trò chuyện với những người lính đặc công oai hùng năm xưa, nghe họ kể về một đơn vị 2 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những chiến sĩ đặc công trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử. Ảnh tư liệu

Anh hùng Ngô Văn Lủi, Trưởng ban Liên lạc Hội bạn chiến đấu bộ đội đặc công tỉnh Thái Bình bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những lời giới thiệu về Binh chủng Đặc công: Trong buổi lễ thành lập Binh chủng Đặc công vào ngày 19/3/1967 tại Trường Bổ túc cán bộ dân tộc trung ương thuộc xã Phùng Khoang, huyện Từ Liêm (Hà Nội), Bác Hồ đã huấn thị: Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần cố gắng đặc biệt. Mỗi người lính chúng tôi khi tham gia vào lực lượng đặc công đều được huấn luyện cách đánh đặc biệt, đó là luồn sâu, bí mật, chọn đúng trọng điểm của địch để tiêu diệt. Lực lượng này gồm đặc công bộ, đặc công nước và đặc công biệt động. Dù đánh độc lập hay phối hợp cùng bộ binh, pháo binh, xe tăng đều khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội đặc công đã đánh hàng trăm trận, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh của địch, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bộ đội đặc công phát triển không ngừng, số người tham gia vào binh chủng là hơn 44.000 người, còn hàng vạn người từ bộ binh chuyển sang đặc công địa phương hoặc đặc công các đơn vị bộ binh chiến đấu. Bộ đội đặc công đánh hiểm, thắng lớn là nỗi kinh hoàng của Mỹ, ngụy. 

Trong Chiến dịch tổng tiến công xuân Mậu Thân năm 1968, bộ đội đặc công là lực lượng mũi nhọn xung kích đồng loạt tiến công các cơ quan đầu não kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật ở hầu hết các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Tại Sài Gòn, đặc công biệt động đồng loạt tiến công các mục tiêu đầu não như Đại sứ quán Mỹ, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ tổng tham mưu ngụy, Nha cảnh sát và Tổng kho Long Bình. Ở miền Trung, đặc công cùng với bộ binh tiến công giải phóng thành phố Huế và nhiều thị xã, thị trấn. Chiến công đặc biệt xuất sắc của bộ đội đặc công đã góp phần làm đảo lộn thế cờ chiến lược của Mỹ - ngụy, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, lực lượng đặc công với nhiều sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội và nhiều cụm biệt động nội tuyến Sài Gòn - Gia Định tham gia đánh chiếm hầu hết các căn cứ, mục tiêu quan trọng của địch. Với cách đánh độc đáo, mưu trí, táo bạo và lòng dũng cảm tuyệt vời, bộ đội đặc công đã lập nên những chiến công vô cùng hiển hách như các trận tập kích sân bay Tân Sơn Nhất năm 1967, sân bay Pôchentông năm 1971, Tổng kho Long Bình, kho bom Thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè năm 1973 và hàng loạt các trận đánh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ ngày 25 - 30/4/1975, Lữ đoàn đặc công hải quân 126 đã cùng Quân chủng Hải quân giải phóng quần đảo Trường Sa và toàn bộ hải đảo của Việt Nam.

Bộ đội đặc công rừng Sác trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội đặc công đã đánh 19.329 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch và làm thiệt hại nặng hàng trăm sở chỉ huy các cấp của địch; phá hủy 6.316 máy bay, 11.494 xe quân sự, 2.161 khẩu pháo, 42 dàn tên lửa, 52 dàn rađa, 3.800.000 tấn bom đạn, đốt cháy 1.700.000 tấn xăng dầu, đánh chìm hàng nghìn tàu, phá sập 326 cầu, thu nhiều vũ khí quan trọng của địch. 

Những chiến công đặc biệt xuất sắc đó đã góp phần cùng quân, dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc. 

Những năm qua, Binh chủng Đặc công được xây dựng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ, chống khủng bố, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Trong các cuộc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa gần 10.000 người con ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ vào bộ đội đặc công. Các đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã có trên 800 đồng chí anh dũng hy sinh, 300 đồng chí để lại một phần xương máu nơi chiến trường, 400 đồng chí bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhiều đồng chí trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước; đặc biệt 11 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó có nhiều tấm gương tiêu biểu như Anh hùng Ngô Văn Lủi với thành tích đặc biệt xuất sắc trong trận đánh sân bay Pôchentông; Trung tá Phạm Hải Triều, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4; Thượng úy Phạm Duy Đô, Đại đội trưởng đặc công Trung đoàn 116 đã trực tiếp tham gia bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh…

Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu đặc công tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 19/3/1997. 20 năm qua, tổ chức hội không ngừng được củng cố và phát triển với 8 tổ chức hội ở 8 huyện, thành phố và 6 đầu mối đơn vị với trên 2.300 hội viên. 

Trở về với đời thường, nhiều chiến sĩ đặc công Thái Bình vẫn luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ tích cực đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, góp sức xây dựng quê hương và xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hàng trăm hội viên đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, tham gia hàng nghìn ngày công và đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Nhiều hội viên là chủ doanh nghiệp, tham gia công tác Đảng, công tác chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, 30% hội viên là đảng viên, 95% hội viên tham gia hội cựu chiến binh các cấp.

20 năm qua, Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu đặc công tỉnh Thái Bình trở thành “cầu nối” gắn kết nghĩa tình đồng đội và tổ chức các hoạt động tình nghĩa: thăm, tặng quà các gia đình liệt sĩ nhân các ngày lễ, đưa 20 hài cốt liệt sĩ về quê hương, thăm, tặng quà 700 hội viên ốm đau, viếng 415 hội viên và thân nhân hội viên khi qua đời… với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng; chỉ dẫn cho 6 gia đình nhận được phần mộ liệt sĩ, cùng đồng đội và địa phương xây dựng 1 bia tưởng niệm ghi dấu trận đánh và 6 liệt sĩ ở xã Trung An (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) trị giá hơn 95 triệu đồng…

Mặc dù đã rời xa quân ngũ về với đời thường nhưng với những người lính đặc công năm xưa vẫn không quên một thời “đầu trần, chân đất” lập nhiều chiến công vang dội. Với họ, 16 chữ vàng Bác Hồ tặng Binh chủng anh hùng “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn” mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào lớn lao.

Những thành tích đặc biệt của Binh chủng Đặc công

  • 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
  • Được tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh,  1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 4 Huân chương Quân công hạng Nhất.
  • 104 tập thể và 216 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó 2 đơn vị được phong tặng 3 lần.
  • Lữ đoàn đặc công hải quân 126, Đoàn 10 Rừng Sác và hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nước bạn Lào, Campuchia tặng thưởng huân chương và các danh hiệu cao quý khác.



Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Lủi, Trưởng ban liên lạc Hội bạn chiến đấu bộ đội đặc công tỉnh Thái Bình

Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu bộ đội đặc công tỉnh Thái Bình thành lập đến nay đã 20 năm. 20 năm qua, các cựu chiến binh đặc công trong tỉnh đã chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây thực sự là ngôi nhà chung để chúng tôi có dịp gặp gỡ, cùng ôn lại truyền thống, những kỷ niệm chiến trường, đặc biệt là động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhiều cá nhân có thành tích tiêu biểu trong lao động, sản xuất, tham gia công tác đoàn thể tại địa phương, giúp đỡ thân nhân liệt sĩ, cơ quan quân sự địa phương tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ… Cuộc gặp gỡ hôm nay tuy không hào hùng như ngày ra trận, người còn, người mất, người hy sinh nơi chiến trường nhưng với những người lính đặc công, dù trong chiến đấu hay trở về đời thường chúng tôi vẫn luôn tự hào và phát huy truyền thống Binh chủng Đặc công anh hùng.

Cựu chiến binh Trần Công Cư, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Tôi là một trong những người con Thái Bình tham gia lực lượng đặc công chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Sau năm 1975, tôi chuyển sang lực lượng công an nhân dân, công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 40 năm xa quê, tôi cùng với đồng đội, trong đó có cả những người bạn chiến đấu cùng quê hương Thái Bình năm xưa thành lập Ban liên lạc Đoàn 367 đặc công Đông Nam Bộ. Được về dự buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Binh chủng Đặc công trên quê hương, gặp lại đồng đội cùng vào sinh ra tử nơi trận mạc, tôi rất xúc động và thấy tự hào về những người lính đặc công Thái Bình đã góp phần làm nên truyền thống anh hùng của Binh chủng Đặc công. Có thể nói, ở bất kỳ thời điểm lịch sử, sự kiện trọng đại nào của đất nước cũng có những người con Thái Bình ghi tên mình vào lịch sử.
Cựu chiến binh Trần Minh Đạo, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình

Thật đặc biệt và tự hào ngày thành lập Binh chủng Đặc công được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự. Trong buổi lễ trọng thể đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp huấn thị cho các chiến sĩ đặc công: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt. Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được”. Vinh dự được gặp Bác trong sự kiện trọng đại đó, được nghe lời huấn thị của Bác, những người lính đặc công chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trở về đời thường, tôi tiếp tục tham gia công tác chính trị, đoàn thể ở địa phương. Ở cương vị nào, tôi cũng luôn phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, lời dạy của Người, tận tâm tận lực với công việc được giao với phương châm sống “Còn sức khỏe, còn cống hiến”.

Cựu chiến binh Phạm Duy Đô, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội đặc công có vai trò hết sức quan trọng khi trực tiếp mở, giữ đường dẫn các cánh quân vào Sài Gòn, góp phần trực tiếp vào chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Với nghệ thuật của bộ đội đặc công là bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm, lực lượng đặc công đã phát huy cao độ sở trường của mình đi trước một bước, đánh địch từ bên trong, giải quyết một vị trí then chốt, tạo điều kiện cho xe tăng và các binh chủng của ta nhanh chóng tiến vào Sài Gòn. Một điều may mắn với tôi cũng như đồng đội của tôi, những người lính đặc công đã có mặt tại dinh Độc Lập trong giờ phút trọng đại lịch sử 42 năm trước. Đó là những kỷ niệm đời lính tôi không bao giờ quên.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Hồng, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

Từ yêu cầu nhiệm vụ, bộ đội đặc công thường phải đánh vào các mục tiêu quan trọng, hiểm yếu, có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược, trong khi được trang bị vũ khí ít, đánh mục tiêu rộng… Vì vậy, chúng tôi hoạt động mang tính độc lập cao, đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải luôn có bản lĩnh và ý chí chiến đấu. Qua mỗi trận chiến chúng tôi tự học hỏi, rút kinh nghiệm và sáng tạo ra những cách đánh phù hợp với từng địa bàn, địa hình mà hiệu quả cao nhất. Với tôi, trải qua hơn 40 trận chiến đấu lớn nhỏ, mỗi trận chiến đấu là một bài học về ý chí và lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao nhất là đánh đuổi quân thù, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, nhân dân. Tôi tin tưởng rằng, những thế hệ đặc công hôm nay và mai sau luôn tự hào về truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”; tiếp tục kế thừa, phát huy tinh thần ấy trong mọi lúc, mọi nơi, mọi nhiệm vụ…
Tất Đạt