Thứ 6, 29/03/2024, 16:11[GMT+7]

Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm (31/12/1966 - 31/12/2016) Ký ức những lần gặp Bác

Thứ 4, 28/12/2016 | 08:11:57
1,460 lượt xem
Trong lúc Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đang dồn sức vừa sản xuất, chiến đấu bảo vệ, xây dựng quê hương vừa nỗ lực chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 31/12/1966 - 1/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thái Bình, mang đến cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nguồn cổ vũ, động viên lớn lao. 50 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức những người may mắn được gặp Bác năm ấy vẫn vẹn nguyên hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc với lòng biết ơn vô hạn.

Khu lưu niệm Bác Hồ ở xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư.

 

Bác của chúng ta rất giản dị

Ông Ðỗ Như Thơ, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Hòa (Vũ Thư) là người may mắn được bảo vệ Bác trong đêm Bác nghỉ tại ngôi nhà lá, nơi làm việc của Tỉnh ủy ở thôn Ðại Ðồng, xã Tân Hòa. Lục lại trong ký ức của mình, ông chậm rãi kể: Năm Bác về Tân Hòa, tôi là Chủ tịch UBND xã và là cán bộ duy nhất của địa phương được Tỉnh ủy tin tưởng giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí cảnh vệ làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ Bác. Khoảng 8 giờ tối ngày 31/12/1966, Bác cùng đồng chí Hoàng Anh và đồng chí Tố Hữu về đến Tân Hòa. Nhìn thấy Bác, tôi rất bất ngờ, vui mừng tột độ, không dám tin đó là sự thật. Ngay sau đó, sự vui mừng trong tôi chuyển sang trạng thái căng thẳng, lo âu với một suy nghĩ duy nhất làm sao phải bảo vệ an toàn cho Bác và đoàn công tác. Mặc dù chỉ được ở gần Bác một đêm nhưng đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về Bác. Bác của chúng ta rất gần gũi, sâu sắc, giàu tình yêu thương với quân dân nhưng lại rất giản dị, gương mẫu và kiên quyết. Tôi còn nhớ trong bữa cơm tối hôm đó mọi người đều ăn cơm nấu nhưng riêng Bác vẫn ăn cơm nắm mặc dù chị Ðịnh mời thế nào Bác vẫn không ăn. Bác bảo, Bác ăn cơm này đã quen, nếu bỏ đi rất lãng phí và mất cả công các đồng chí đã mang cơm cho Bác. Sau bữa cơm, mọi người quây quần quanh Bác, nghe Bác kể chuyện hồi Bác ở nước ngoài trong không khí đầm ấm, vui vẻ. Sau đó, Bác ân cần hỏi các đồng chí lãnh đạo tỉnh về tình hình địa phương, từng địa điểm sản xuất, việc thực hiện dân chủ, số lượng đảng viên, thanh niên, đời sống của nhân dân, việc học hành của học sinh... Tôi còn nhớ thời điểm đó đang là mùa đông, trời rét lắm nhưng sáng hôm sau Bác vẫn dậy từ rất sớm để chúc tết mọi người khiến ai cũng cảm động, vui sướng, ngỡ ngàng. Sau đó Bác rời Tân Hòa đến đình Phương Cáp để nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình. Mặc dù chỉ được đứng ở ngoài quan sát nhưng tôi vẫn cảm nhận rõ sự bồi hồi, xúc động trước tấm lòng yêu nước, thương dân của vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Ông Thơ chia sẻ thêm: May mắn được gặp Bác, nghe Bác nói chuyện đã giúp tôi nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tôi học tập ở Bác trong cách chỉ đạo phải cụ thể, thiết thực, mỗi vấn đề phải gắn với đời sống của nhân dân. Bác về thăm Tân Hòa không phải niềm vinh dự của riêng cá nhân tôi mà là của toàn thể người dân địa phương. 5 lần Bác về thăm Thái Bình nhưng Tân Hòa là nơi duy nhất được đón Người nghỉ lại một đêm, lại đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Niềm tự hào đó cùng với lời căn dặn của Người đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để nhân dân Tân Hòa không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, vươn lên giành thành tích cao trong sản xuất và kháng chiến, trở thành xã điển hình, kiểu mẫu của tỉnh.

Bác nhắc nhở: “Ðàn ông phải kính trọng phụ nữ”

Bà Ðỗ Thị Xoa ở thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thư Trì trước đây là người may mắn năm lần được gặp Bác Hồ. Với bà, mỗi lần gặp Bác là niềm vinh hạnh lớn lao. Khi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ấy, ánh mắt bà sáng hẳn lên. Trong 5 lần được gặp Bác, bà nhớ nhất là lần gặp thứ năm vào năm 1967 trên quê hương Hiệp Hòa. Bà kể: Ngày 31/12/1966, tôi cùng một số đồng chí trong Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện được Huyện ủy phân công nhiệm vụ tổ chức hội nghị đón thư khen của Trung ương cho HTX Tân Phong, xã Việt Hùng. Tối ngày 31/12/1966, khi đến Tân Phong, tôi thấy công tác chuẩn bị rất chu đáo, có một hầm tre rất to dựng ở gần hội trường giống y như hôm đón Bác về thăm xã Ðông Lâm (Tiền Hải) nên trong lòng tôi đã ngờ ngợ đoán có thể Bác Hồ về thăm Thái Bình. Cả đêm hôm đó chúng tôi túc trực ở Tân Phong để chuẩn bị cho hội nghị ngày mai nhưng đến 4 giờ sáng ngày 1/1/1967 thì Huyện ủy lại có lệnh di dời hội nghị về đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa. Khi về đến đầu làng Phương Cáp tôi thấy đường làng được dọn dẹp khang trang, sạch sẽ, những đoạn đường gồ ghề đều được san phẳng, đoạn đường nhỏ hẹp giáp bờ ao được cạp rộng ra nên trong lòng càng phấp phỏng. Mọi việc lúc bấy giờ được giữ bí mật tuyệt đối. Khi chúng tôi ngồi trong đình Phương Cáp, một đồng chí trong ban tổ chức vẫn nhắc nhở: Các đồng chí ngồi trật tự, nghiêm túc để chuẩn bị đón thư của Trung ương khen HTX Tân Phong. Khoảng gần 10 giờ trưa, Bác tới đình Phương Cáp. Trông thấy Bác, tôi mừng rỡ vô cùng, quay sang bảo đồng chí ngồi bên cạnh: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Sau đó, tất cả mọi người đứng lên hướng về phía Bác vỗ tay mừng rỡ. Nhiều người trong hội nghị hôm đó mới chỉ biết Bác qua ảnh, hôm nay vinh hạnh được gặp Bác nên ai cũng cố rướn mình muốn nhìn thấy Bác thật rõ. Bác bảo: Các đồng chí cứ ngồi yên, ngồi yên, không phải đứng lên. Rồi Bác ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác bắt đầu nói chuyện. Bác khen nhân dân ta sản xuất giỏi, chiến đấu cũng giỏi. Muốn sản xuất phải nắm vững kỹ thuật canh tác để thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Bác nói về những biện pháp thủy lợi, làm phân, nuôi cá, trồng cây. Bác khen HTX Hiệp Hòa trồng cây khá. Bác khen HTX Tân Phong đạt hơn 7 tấn thóc/ha.

Chậm rãi nhớ lại từng dòng ký ức, bà Xoa tiếp câu chuyện: Tôi còn nhớ rất rõ hôm ấy trời rét lắm, sức khỏe yếu mà Bác vẫn về thăm và động viên Thái Bình nên khi nghe Bác nói, tôi và nhiều đồng chí cảm động rưng rưng nước mắt, thương Bác vô cùng. Trong buổi nói chuyện hôm ấy, Bác rất quan tâm đến chị em phụ nữ. Ngay từ khi bước vào Bác đã bảo: Các cô phụ nữ ngồi lên hàng trên, không phải ngồi ở hàng dưới. Nói đến việc sản xuất thời chiến, Bác nhắc nhở phải chú ý đến đội quân lao động rất đông là nữ. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội cũng chưa được giải phóng. Ðàn ông phải kính trọng phụ nữ. Bác phê phán tệ đánh vợ. Bác mong rằng từ nay về sau không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa.

Bà Xoa bộc bạch: Tôi thấy rất sung sướng, hạnh phúc và tự hào vô cùng bởi có vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên tôi gặp Bác năm 22 tuổi, lần cuối cùng gặp Bác là năm tôi 31 tuổi với cương vị là Phó Chủ tịch UBND huyện, đại biểu đại diện cho phụ nữ, lại ở trên quê hương mình. Chính những lần được gặp Bác, được nghe Bác nói, những lời Bác căn dặn là kim chỉ nam trong cả cuộc đời công tác của tôi. Dù ở cương vị nào tôi đều nỗ lực hết mình vì công việc, liêm khiết, cần kiệm, trọn đời theo Ðảng để xứng đáng với công ơn trời biển của Bác Hồ.

(còn nữa)

Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa