Thứ 4, 24/04/2024, 08:24[GMT+7]

Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm (31/12/1966 - 31/12/2016) Ký ức những lần gặp Bác (Tiếp theo và hết)

Thứ 4, 28/12/2016 | 08:24:28
1,340 lượt xem

Đồng bào, cán bộ Thái Bình phấn khởi chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chúc tết đầu năm, ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu

 

Bác khen Hợp tác xã Hiệp Hòa trồng cây khá

Ông Ðặng Ðức Ảnh ở thôn An Ðể, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) cũng là người vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ. Lần thứ ba ông gặp Bác là ở đình Phương Cáp. Ông Ảnh nhớ lại: Ngày Bác về thăm Hiệp Hòa, tôi là đảng ủy viên của xã. Mấy ngày trước đó, khi thấy có công an nhưng mặc quần áo nâu về hai bên bờ sông để cảnh giác, trên bờ đê thì tập kết nhiều súng ống hơn ngày thường nên tôi và một số bà con đoán địa phương sắp tổ chức một sự kiện gì đón khách lớn từ trung ương về chứ không ai biết Bác Hồ về thăm. Sáng ngày 1/1/1967, khi mọi người ngồi tập trung ở trong đình Phương Cáp thì Bác bước vào khiến ai cũng ngạc nhiên, vui mừng. Cảm xúc vỡ òa trong tôi, niềm hạnh phúc trào dâng khi được gặp Bác ngay tại quê mình. Chính ra trong chuyến thăm ấy Bác về thăm HTX Tân Phong, xã Việt Hùng nhưng do địa điểm không bảo đảm an toàn nên tỉnh quyết định chuyển về Hiệp Hòa. Hiệp Hòa cũng là một trong những địa phương có phong trào sản xuất giỏi, nhất là phong trào trồng cây. Ngày diễn ra sự kiện trọng đại ấy, đình Phương Cáp chật kín người, có khoảng hơn 100 đại biểu là cán bộ của tỉnh, huyện và đại biểu các xã ngồi xung quanh Bác, chăm chú lắng nghe từng lời Bác nói. Bác nói nhiều đến sản xuất. Nhắc đến Hiệp Hòa, Bác hỏi đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, lúc ấy là Chủ tịch tỉnh: Ở đây việc trồng cây có tốt không? Ðồng chí Trìu thưa: Thưa Bác, có xã Hiệp Hòa trồng khá, bình quân mỗi người 12 cây ạ. Bác lại hỏi: Cây phải cao hơn đầu người mới tính là cây chứ có nơi tính cả cây muồng muồng vào cho nhiều. Bác nhìn về phía các cụ phụ lão của xã rồi hỏi: Xã Hiệp Hòa trồng cây giỏi là do các cụ phụ lão góp phần tích cực có phải không? Khi mọi người thưa Bác đúng ạ thì Bác đề nghị hoan hô và tất cả mọi người đều vỗ tay cười theo. Buổi nói chuyện hôm ấy diễn ra chừng hai tiếng đồng hồ nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi nhớ mãi lời Bác: Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Khi Bác ra khỏi hội trường, mọi người quây quần quanh Bác để chụp ảnh chung với Bác. Lúc ra về, trên đường làng Bác thăm hỏi bà con thôn xóm. Ra đến gần đường 223, chỗ nhà trẻ 3/2 ở xóm Hòa Bình, các cháu thiếu niên nhi đồng biết Bác về thăm nên đã tập trung rất đông để đón Bác và quây quần bên Bác. Bác âu yếm xoa đầu các cháu, chia kẹo cho các cháu. Cán bộ và nhân dân xã Hiệp Hòa tiễn Bác lên xe ra về ai cũng đều luyến tiếc muốn Bác ở lại lâu hơn nữa để được ngắm Bác, được nghe Bác nói chuyện nhiều hơn.

Trầm ngâm một lát, đưa ánh mắt về nơi treo ảnh Bác, ông Ảnh chia sẻ: Ngôi nhà tôi đang ở đây chính là nơi thành lập Chi bộ Ðảng đầu tiên của xã Hiệp Hòa vào ngày 2/9/1947 và tôi là người duy nhất còn sống trong số 6 đảng viên đầu tiên ấy. Những kỷ vật về Bác được ông Ảnh nâng niu, trân trọng, lưu giữ rất cẩn thận, trong đó có thư chúc tết của Bác năm 1969 và 2 băng tang ngày Bác mất. Những lời căn dặn, những bài học về sự giản dị của Bác đã trở thành hành trang theo ông suốt cuộc đời. Kỷ niệm những lần gặp Bác cũng là bài học để ông tự uốn nắn và hoàn thiện bản thân. Là một trong những “hạt nhân” tham gia cách mạng đầu tiên, qua nhiều cương vị công tác và là cán bộ chủ chốt của xã Hiệp Hòa trong thời gian dài, người đảng viên 91 tuổi đời, gần 70 năm tuổi đảng ấy đã cống hiến trọn đời mình cho Ðảng, cho quê hương, góp phần để nhân dân Hiệp Hòa có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.

Ðường vào đình Phương Cáp.

Nơi đây lưu mãi dấu chân Người

Trong hành trình tìm những nhân chứng may mắn được gặp Bác Hồ khi Người về thăm Thái Bình lần thứ năm, chúng tôi có dịp gặp ông Phạm Văn Thái ở thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa. Ông Thái kể lại: Khi biết Bác về Hiệp Hòa, nhân dân kéo về đình gặp Bác đông lắm, nhà tôi gần đây nên cũng tất tưởi chạy ra. Nhưng vừa tới đình, một anh bảo vệ hô: Ðứng im, không được vào trong đình. Tôi đành quay ra phía sau đình, may mắn thay qua khe cửa sổ lối sau ấy tôi được ngắm nhìn Bác từ xa, nghe Bác nói chuyện với các đại biểu. Hôm ấy trời rét lắm, Bác đội mũ bông, quấn khăn quàng. Bác của chúng ta gần gũi, giản dị, tâm tình lắm. Bác hỏi: Cán bộ ta đã làm tròn trách nhiệm với dân chưa, ở đây đàn ông có đánh vợ không? Bác khen phong trào trồng cây của Hiệp Hòa rồi nhắc nhở cán bộ, nhân dân phải tích cực trồng cây sau này dành cho lớp trẻ, để lớp trẻ noi theo. Ðoàn đại biểu của xã biếu Bác một chùm dừa to, Bác nhận rồi gửi lại cho nhân dân. Người dân Hiệp Hòa sau đó truyền nhau câu nói: Rất tự hào quê hương ta được đón Bác, Bác đã về huấn thị cho cán bộ, tiếng thơm để lại cho nhân dân. Chính lời dặn dò của Bác đã động viên nhân dân Hiệp Hòa thi đua lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương, chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều thanh niên Hiệp Hòa hăng hái xung phong tham gia quân đội, đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, lập công xuất sắc trên các chiến trường.

16 năm nay, ông Thái nhận nhiệm vụ trông coi đình Phương Cáp. Ông chia sẻ với chúng tôi: Cuộc đời tôi có hai vinh dự lớn, đó là được gặp Bác Hồ, nghe những lời huấn thị của Bác và được trông nom, hương khói tại đình Phương Cáp nơi Bác về thăm. Ðây là ngôi đình cổ, được xây dựng từ thời vua Thành Thái, thờ thành hoàng làng, thờ Bác Hồ, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và 206 liệt sĩ của quê hương. Nơi đây đã lưu dấu chân Bác khi Người về thăm, nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình. Biết ơn Bác bao nhiêu thì ông Thái càng trăn trở bấy nhiêu bởi đình Phương Cáp hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục đã hư hỏng nặng trong khi địa phương và nhân dân không có kinh phí để sửa chữa. Hàng năm, khi đón các đoàn khách, con em xa quê trở về thăm đình ông rất ái ngại. Vì vậy, ông Thái và nhân dân địa phương mong muốn các cấp, các ngành quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo vệ ngôi đình cho xứng tầm với một di tích lịch sử cấp quốc gia - nơi đã từng đón Bác về thăm, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Trong cuộc đời mỗi con người ai cũng có những phút giây hạnh phúc. Với những người chúng tôi đã gặp thì niềm hạnh phúc lớn nhất là được gặp Bác Hồ. Ðiều đó không chỉ vì Bác là vị lãnh tụ vĩ đại mà còn vì chất nhân văn toát ra từ tấm lòng yêu nước, thương dân của Bác. Không chỉ riêng ông Thơ, bà Xoa, ông Ảnh, ông Thái mà tất cả những người dân Thái Bình may mắn được gặp Bác chắc chắn cũng đều có chung cảm nhận ấy. Những lời kể của họ về Bác chính là một nét vẽ sinh động góp vào bức họa chân dung vị Cha già kính yêu của dân tộc, truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác kính yêu hằng mong.

Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa