Thứ 6, 29/03/2024, 22:49[GMT+7]

Tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh

Thứ 2, 26/06/2017 | 09:05:05
1,690 lượt xem
Cả cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam tài sản vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách cách mạng sáng ngời, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí. Di sản báo chí to lớn và phong phú của Bác thể hiện sinh động những quan điểm, tư tưởng, đạo đức của Người về thời đại, về cách mạng, về nhân dân và đời sống xã hội, đồng thời thể hiện một nhân cách vĩ đại, nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày ở Việt Bắc (1951). Ảnh tư liệu

Sự nghiệp làm báo của Bác song hành với suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi bôn ba đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Người làm văn, viết báo để phục vụ cách mạng và để làm cách mạng Người đã trở thành một nhà báo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Báo chí là một mặt trận”, “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Bởi thế, “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Chính Bác đã phát triển và vận dụng sáng tạo câu nói nổi tiếng của V.I.Lênin vào thực tiễn Việt Nam: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang”...

Là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến báo chí. Ngay từ năm 1922, Người đã sáng lập Báo Người cùng khổ (Le Paria). Năm 1925, Người sáng lập Báo Thanh Niên. Năm 1941, Người chỉ đạo thành lập Báo Việt Nam độc lập. Bản thân Người cũng là một nhà báo lớn. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống báo chí cách mạng ở nước ta đã từng bước phát triển vững chắc và mạnh mẽ, xứng đáng là đội quân đi đầu trên mặt trận tư tưởng. Thực hiện lời dạy của Người, báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức quần chúng để hướng quần chúng đến mục đích chung vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bác chưa một lần nhận mình là nhà thơ song tự nhận mình là nhà báo: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”(1). Bác là người đầu tiên đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí ấy. Sự nghiệp báo chí của Người đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam trong một thời kỳ oanh liệt và hào hùng của dân tộc. Vượt qua thử thách của thời gian, đến nay, những giá trị của sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh vẫn là tài sản quý giá đối với cách mạng Việt Nam, trước hết đối với sự nghiệp báo chí và những người làm báo cách mạng hiện nay và mai sau.

Cuộc đời làm báo 60 năm của Hồ Chí Minh được đánh dấu từ bài báo đầu tiên “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanitê ngày 2/8/1919 và khép lại với bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, không những để lại hàng nghìn bài báo với đủ thể loại mà còn là người sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập, trình bày hàng chục tờ báo cách mạng qua nhiều thời kỳ khác nhau. Với bề dày và kinh nghiệm đích thực của người làm báo, khi nói chuyện tại Đại hội lần thứ ba Hội Nhà báo Việt Nam, Bác đã tâm tình: “Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí ít nhiều có kinh nghiệm về báo chí, nêu vài ý kiến sau đây…”(2).

Một tác phẩm báo chí thật sự có giá trị khi nó đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tác phẩm báo chí có giá trị, theo Bác, phải là tác phẩm có bố cục “ngắn gọn”, ngôn ngữ “trong sáng, giản dị, dễ hiểu”. Bác nhấn mạnh, thứ nhất, phải “ngắn gọn”. Ngắn gọn, theo Người, không có nghĩa là cộc lốc mà ngắn gọn là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Thứ hai, ngôn ngữ phải “trong sáng, giản dị, dễ hiểu”.

Bác đã cụ thể hóa phẩm chất chính trị của một nhà báo phải được thể hiện từ việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu; phải xác định thật rõ đường lối chiến lược của Đảng; phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng.

Người yêu cầu đội ngũ những người làm báo “phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Người căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”. Người thường xuyên nhấn mạnh mục đích viết báo “không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Vì vậy, khi viết xong bản thảo thì mỗi người “phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh, đọc lại”. Người còn dạy rằng: “Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi”. Người nhắc nhở phải kiên quyết chống lối viết “tràng giang đại hải”, “dùng từng đống danh từ lạ” hoặc “viết như mật mã, thích ba hoa, viết vừa dài vừa rỗng, thích khoe chữ, ham dùng điển tích, sính chữ nước ngoài.

Nhà văn hóa Hà Huy Giáp viết: “Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ Chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc. Cũng như V.I.Lênin, Người dùng rất ít chữ, mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được”.

Theo Bác, chức năng, nhiệm vụ của báo chí là “tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tổ chức dân chúng...” bằng phương tiện thông tin và các thủ pháp nghề nghiệp khác. Tôn chỉ, mục đích của báo chí Việt Nam không gì ngoài phục vụ “kháng chiến và kiến quốc, đoàn kết toàn dân, thi đua yêu nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, bảo vệ hòa bình thế giới...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, báo chí phải ra sức “đấu tranh cho tự do, chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người...”. Đối tượng của báo chí không chỉ dành riêng cho một số tầng lớp nào đó mà nhất thiết báo chí phải hướng về “đại đa số dân chúng”, phải dành cho đông đảo nhân dân. Tính chất báo chí, trước hết là “tính quần chúng và tinh thần chiến đấu...”.

Về phẩm chất đạo đức, Bác luôn căn dặn người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng thỏa mãn “tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi”, thiếu tinh thần học hỏi, cầu thị. Bác phê phán: Có người muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. Cái đó không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng, làm việc gì có ích cho dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Bác dặn: Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng.

Về đạo đức nghề nghiệp, Bác lưu ý những người viết, tuyên truyền cần chống thói ba hoa và chỉ ra 8 biểu hiện của nó là: dài dòng, rỗng tuyếch; có thói cầu kỳ; khô khan lúng túng; báo cáo lông bông; lụp chụp, cẩu thả; bệnh theo sáo cũ; nói không ai hiểu; bệnh hay nói chữ. Bác đưa ra 5 cách chữa thói ba hoa: 1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách; 2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; 3. Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm thế nào để cho ai cũng hiểu được. Làm cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng tự hỏi: Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?; 4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết; 5. Trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận… Tất cả những vấn đề này đều đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp đối với người làm báo.

Bác nhắc nhở, người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng không thành. Người đòi hỏi nhà báo “viết phải thiết thực”, “nói có sách, mách có chứng”… “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.

Ngày nay, báo chí đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam. Báo chí đã thực sự là cầu nối giữa dân với Đảng. Báo chí đã tuyên truyền và bảo vệ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đã phản ánh nguyện vọng của nhân dân, thực hiện chức năng phản biện xã hội; nhiều vụ tiêu cực lớn nhờ có báo chí đã được đưa ra ánh sáng. Xã hội hiện nay ngày càng đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh vững vàng, có trình độ và khả năng tác nghiệp. Đặc biệt, cơ chế thị trường hiện nay đòi hỏi các nhà báo phải có cái tâm trong sáng, tự biết vượt qua những cám dỗ của đời thường để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, từ đó vươn lên thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện đang đặt ra nhiều thách thức, nhiều khó khăn to lớn, Đảng và nhân dân ta đòi hỏi những người làm báo phải tiếp tục phát huy tính tiên phong, tính chiến đấu trong việc ủng hộ, biểu dương cái tốt, cái tích cực, trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu, thông tin sai trái của các thế lực thù địch. Từ đó định hướng dư luận, củng cố niềm tin của người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, trên cơ sở đó đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là tài sản vô giá - cơ sở phương pháp luận cho hoạt động báo chí nước ta không chỉ trong những năm kháng chiến ác liệt mà còn là “ngọn đuốc soi đường” đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những lời căn dặn của Người về báo chí và những bài học kinh nghiệm về cách nói, cách viết báo càng suy ngẫm, càng soi rọi vào thực tiễn càng thấy vẫn nguyên giá trị đối với các thế hệ làm báo ở nước ta hôm nay và mai sau. Bác Hồ là người khơi nguồn báo chí cách mạng Việt Nam. Người không chỉ là một nhà báo tài ba mà còn là người thầy với những lời dạy làm kim chỉ nam cho những người làm báo cách mạng.

Nguyễn Thanh Hoàng

(Thành phố Cần Thơ)