Thứ 3, 16/04/2024, 17:42[GMT+7]

Để du lịch cất cánh

Thứ 6, 07/04/2017 | 09:40:29
3,169 lượt xem
Là tỉnh có tiềm năng du lịch lớn, những năm gần đây Thái Bình đang có sự đầu tư chuyên nghiệp hơn, tạo được hiệu quả tích cực trong thu hút khách du lịch.

Du khách tham gia tour du lịch trải nghiệm do Công ty TNHH Du lịch Trang Long tổ chức tại làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư). Ảnh: Vũ Quân

Tiềm năng sẵn có

Được mệnh danh là “quê hương năm tấn”, hình ảnh Thái Bình hiện lên gắn liền với những cánh đồng lúa trải dài mênh mông, những người nông dân cần cù sớm hôm nhưng nơi đây còn là mảnh đất chứa đựng nhiều nét đẹp lôi cuốn. 

Nằm trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình có bề dày truyền thống cùng nền văn hóa lúa nước lâu đời. Nơi đây còn được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo, nghệ thuật múa rối nước nổi tiếng với chèo làng Khuốc, múa rối nước làng Nguyễn và múa rối nước làng Đống (Đông Hưng). 

Trò chơi đập niêu trong lễ hội Đình Quán, Duyên Hải ( Hưng Hà). Ảnh: Thùy Dung

Đặc biệt, so với các tỉnh trong khu vực, Thái Bình có diện tích tự nhiên thuộc loại hẹp nhưng mật độ các di tích lịch sử văn hóa tương đối dày với trên 3.000 di tích lịch sử, văn hóa, hơn 400 lễ hội dân gian độc đáo. Trong đó, nhiều di tích nổi tiếng, có giá trị lịch sử lâu đời như khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư), đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà), đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ)… 

Bên cạnh đó, Thái Bình còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như dệt vải Phương La, chiếu cói làng Hới, chạm bạc Đồng Xâm, đúc đồng An Lộng, thêu ren Minh Lãng, bánh cáy Nguyên Xá...

Theo ông Vũ Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trang Long, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 hãng lữ hành đang hoạt động. Các hãng lữ hành đã và đang thay đổi quan niệm của người dân, không chỉ đưa người Thái Bình ra tỉnh ngoài du lịch mà phải biến Thái Bình trở thành điểm thu hút khách du lịch. Chính vì vậy, để tạo ra dấu ấn đặc trưng cho du lịch Thái Bình, cùng với khai thác du lịch tâm linh, Hiệp hội chú trọng phát huy thế mạnh hình thức du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng xây dựng đề án phục dựng làng cổ - nơi hội tụ những đặc trưng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, khôi phục các trò chơi dân gian như đua trâu, bắt cá… Với các hình thức du lịch này, Hiệp hội Du lịch tỉnh mong muốn đưa Thái Bình trở thành một trong những điểm đến được du khách lựa chọn trong hành trình du lịch chứ không chỉ là điểm dừng chân.

Khu du lịch sinh thái Cồn Đen thơ mộng. Ảnh: Thùy Dung.

Tuy mới thành lập không lâu nhưng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Phú đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái cồn Đen trở thành điểm du lịch nổi tiếng. 

Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty chia sẻ: Khi đời sống nhân dân tăng cao, nhu cầu hưởng thụ cũng theo đó phát triển, bởi vậy, muốn thu hút được du khách người làm du lịch phải bắt kịp với xu thế và nhu cầu xã hội. Hiện nay, bên cạnh việc chú trọng phát triển nội dung khu du lịch sinh thái cồn Đen, Công ty còn đầu tư mở rộng các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, sẽ tiếp tục liên kết với các công ty du lịch, các hãng lữ hành để xây dựng một số tour du lịch trải nghiệm như: khám phá rừng ngập mặn, bắt ngao trên biển…

Đối với nhiều tỉnh, thành phố, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Thái Bình cũng đang phấn đấu để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng. Để du lịch phát triển, rất cần những cái “bắt tay” giữa nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân. Bên cạnh đó là sự chung sức của tất cả các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông để tạo đà cho du lịch Thái Bình cất cánh.

Thảo Tiên - Thùy Dung