Thứ 5, 25/04/2024, 11:54[GMT+7]

Cảm nhận Cồn Vành

Thứ 6, 20/05/2011 | 08:41:40
11,081 lượt xem
Cồn Vành là một Cồn cát mới được khám phá của Thái Bình. Từ thành phố Thái Bình qua Thị trấn Tiền Hải, xuôi theo đường 462 về xã Nam Phú, rồi chạy dọc đê PAM, hai bên đê bát ngát là rừng ngập mặn, bãi nuôi tôm, ngút ngàn thông reo, xa xa sóng biển vỗ rì rào. Đấy chính là Cồn Vành “Tuần Châu của quê lúa”- điểm du lịch hè đang rất hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Ảnh: Hiền Trâm

Hè cách đây hai năm, nếu ai tò mò muốn đến Cồn Vành xem mây, trời, sóng, nước ra sao sẽ nhận được lời khuyên không nên tới, với cả tá lý do:  Nào là đường ra Cồn Vành chưa thông, phải đi qua cầu tre kẽo kẹt, dắt xe đi bộ một đoạn dài, đến nơi lại không có điểm trông xe.

 

Nhìn tổng thể, bãi biển Cồn Vành đẹp hơn gấp nhiều lần biển Hải Thịnh hay Dung Quất của Namon> Định, nhưng nếu đến Cồn Vành thì chỉ được sướng một nửa- sướng cái miệng. Mà một nửa đó cũng đâu trọn vẹn, bởi cả Cồn Vành rộng thênh thang chỉ vỏn vẹn có hai quán ăn nhỏ theo kiểu nhà sàn tre nứa, món ăn tươi ngon nhưng không đa dạng và còn quá đắt.

 

Ra tới bãi biển, nhìn những con sóng nối đuôi nhau chạy xô bờ cát ai cũng muốn nhẩy ào xuống tận hưởng làn nước mát, nhưng nghĩ tắm xong rồi mà không có nước ngọt tắm lại, da dẻ sạm đen, tóc tai cứng đơ…. đành ngậm ngùi, tần ngần đứng ngắm, thèm quá thì sắn quần đến đầu gối, mon men vệ bờ để nước biển tắm mát đôi chân trần. Có người mang cả quần áo tắm, suốt chặng đường cứ hí hửng sẽ được bơi, lội, lặn, ngụp, đùa giỡn với sóng biển, nhưng đến nơi, chán nản, thất vọng vô cùng. Tất cả cũng chỉ tại đường chưa thông nên không thể đưa nước ngọt ra tận bãi phục vụ du khách. Ngay cả việc chấp nhận đi ra biển để tắm biển mà chỉ được dạo chơi trên bãi cát du khách vẫn bị mùi tanh, mùi thối của xác hải sản do tàu đánh cá ngày hai lần vào, ra đổ hàng cho khách quấy rầy… Là người con của quê lúa Thái Bình, lần đầu nghe tới Cồn Vành tôi cũng hớn hở, mặc thời tiết cuối năm se lạnh, tôi rủ chồng xuống tận nơi xem sao. Sau lần đi đó, tôi thề sẽ không bao giờ xuống Cồn Vành nữa nếu không có sự đổi thay.

 

Đợt nghỉ dài ngày 30/4, 1/5 năm nay, chồng tôi nghe mọi người ở cơ quan rủ nhau xuống tắm biển Cồn Vành, cũng về động viên vợ con đi, vừa đỡ tốn kém, vừa có thể đi, về trong ngày... Nghe cũng có lý nhưng trước khi đi tôi còn bảo chồng “rồi anh sẽ thất vọng như lần trước thôi, xuống đó lấy chỗ nào mà gửi xe, chẳng nhẽ vừa tắm hoặc vừa ăn, vừa trông xe à”. Mặc dù chưa tới Cồn Vành, song tôi đã nhận ra là mình quá nhầm.

 

Ngay trên đường xuống Nam Phú, hàng đoàn xe máy, xe ô tô nối đuôi nhau hướng ra biển Cồn Vành. Cồn Vành giờ đã khác xưa nhiều rồi. Có điểm trông xe rộng rãi, nằm dưới rừng thông, vừa râm mát, vừa an toàn. Du khách cứ thoải mái vui chơi cả ngày. 3 cây cầu được làm mới đã thông ra tới tận Cồn Vành, không chỉ xe máy, xe ô tô cũng vô tư ra, vào. Quán xá cũng nhiều hơn hai năm về trước:

 

Năm 2009, cả Cồn Vành chỉ có hai quán ăn nhỏ, giờ có cả quán bán quà lưu niệm; quán bán và cho thuê quần áo, phao tắm dọc hai bên đường xuống bãi; quán bán nước di động phục vụ tận dưới bãi tắm; 5 quán ăn, mỗi quán 2 dãy dài, nằm sát bãi biển, rộng rãi, thoáng mát, có tủ đựng đồ nhiều ngăn dành cho du khách, món ăn đa dạng, cung cách phục vụ tận tình, chu đáo. Mỗi quán đều có phòng hát karaôkê tự chọn, dãy phòng ngủ riêng, nhà tắm, nhà vệ sinh... Nước biển không còn mùi tanh như trước, vì tàu thuyền đánh cá đã bị nghiêm cấm ra vào khu vực Cồn Vành.

 

Đặc biệt, nước ngọt, nước lợ giờ không thiếu, mỗi nhà hàng đã tự trang bị từ 2 đến 6 téc nước phục vụ nhu cầu của du khách. Dù phải mất ít tiền nhưng như thế là đã quá tuyệt vời với một nơi xa khu dân cư và mới khởi đầu như ở Cồn Vành. 

 

Đã 10 giờ trưa, trời nắng dịu, lượng người đổ về Cồn Vành vẫn nhiều. Trên bãi biển hàng trăm người vẫn nô đùa với sóng và nhiều đoàn tắm xong đang ngồi kín các quán, thưởng thức hải sản biển Thái Bình. Đoàn chúng tôi có 6 người, chỉ mình tôi không xuống tắm, vì lần này tôi muốn thưởng thức Cồn Vành bằng ánh mắt và trái tim, lại có thể tâm sự với du khách về cảm nhận riêng, mang sắc thái Cồn Vành.

 

Bạn trẻ Nguyễn Thị Hiền, quê Quảng Bình, đang làm việc tại Hà Nội, tâm sự: Tận dụng mấy ngày nghỉ em về ra mắt gia đình bạn trai ở Thành phố Thái Bình, nghe ở đây có biển Cồn Vành hấp dẫn lắm nên bọn em xuống tắm. Bãi tắm ở Quảng Bình quê em, nước trong, dịch vụ cũng da dạng, phong phú, hiện đại hơn ở đây nhưng em thích Cồn Vành bởi nét hoang sơ, hệ sinh thái đa dạng, con người Thái Bình mến khách, các món hải sản vừa tươi ngon, vừa rẻ. Sắp tới, chúng em sẽ thu xếp công việc, mời bạn bè và đưa cả gia đình xuống tắm biển Cồn Vành.

 

Hai vợ chồng bác Phạm Ngọc Đảm (Hưng Hà) nghe chúng tôi nói về Cồn Vành, đang thưởng thức món tôm nướng cũng quay sang góp vui: Khi bãi biển Đồng Châu trở thành bãi nuôi ngao, chúng tôi tưởng giờ muốn tắm biển phải đi sang tỉnh khác, không ngờ còn có Cồn Vành, mà Cồn Vành của ta đẹp hơn bãi biển Đồng Châu, hơn đứt cả một số bãi biển quanh Thái Bình, lại gần và rẻ nữa. Hai năm nay, gia đình bác Đảm thường chọn Cồn Vành là điểm du lịch hè.   

 

Xuống Cồn Vành, tắm xong, ăn xong, thích thì hát karaôkê, đàn ông và trẻ em mệt quá thì thuê phòng ngủ, chị em phụ nữ đi chọn mua đồ lưu niệm làm quà. Các mặt hàng tuy chưa đa dạng nhưng cũng đã mang hồn biển Cồn Vành. Nếu còn muốn tắm biển thì nghỉ ngơi tại quán ăn, khi trời râm, mát lại cùng nhau nhẩy sóng, thả diều hoặc dạo bước trên bãi cát dài ngắm hoàng hôn, nghe rừng thông kể chuyện, nhặt hoa muống biển nở tím Cồn Vành mà lòng xao xuyến, bâng khuâng…

 

Tạm biệt Cồn Vành ra về, du khách vẫn có thể thả mắt theo những khu rừng ngập mặn trải dài tít tắp. Màn đêm buông xuống, Cồn Vành hấp dẫn, lý thú theo cả vào trong giấc ngủ êm đềm của mỗi du khách, sớm mai thức dậy lại muốn trở lại Cồn Vành.

 

Đỗ Hiền

  • Từ khóa