Thứ 3, 16/04/2024, 15:16[GMT+7]

Thầy giáo thuê ruộng trồng khoai

Thứ 2, 13/03/2017 | 09:22:32
2,194 lượt xem
Mặc dù mới thuê đất canh tác ở vụ đông năm 2016 song mô hình trồng khoai của thầy giáo Lê Xuân Giáp, thôn Ngọc Thanh, xã Thụy Sơn (Thái Thụy) bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Tuy là giáo viên dạy tin học tại Trường THPT Diêm Điền nhưng Lê Xuân Giáp vẫn luôn nhận mình là nông dân chính hiệu. 

Anh Giáp cho biết: Những năm qua, sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống cho giá trị không cao, nhiều nông dân không mặn mà với đồng ruộng. Mỗi lần tan trường về, nhìn đồng ruộng bỏ hoang nhiều anh tiếc và xót lắm. Ngoài thời gian lên lớp, anh tìm hiểu các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, các mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất, hiệu quả cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào sản xuất. 

Vụ đông năm 2016, anh thuê 8 mẫu ruộng để trồng khoai tây Marabel. Vụ đầu tiên trồng khoai tây với diện tích tương đối lớn, Giáp thấy mình hơi mạo hiểm, anh gặp không ít trở ngại về kỹ thuật trồng, chăm sóc và đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc đi học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương có truyền thống trồng khoai tây, tìm nguồn cung cấp giống chất lượng và đầu ra cho sản phẩm, anh còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với chủ các mô hình trồng khoai tây khác, thường xuyên có mặt ở cánh đồng để giám sát, theo dõi sự phát triển của cây để có biện pháp chăm sóc phù hợp. 

Sau một vụ trồng khoai tây Marabel, Giáp rút ra kinh nghiệm: khoai tây Marabel có củ hình oval, vỏ và ruột đều màu vàng đậm, mắt củ nông rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Độ đồng đều củ cao, tỷ lệ củ bé rất ít, thuận lợi cho sản xuất hàng hóa hay dùng để làm giống cho vụ sau. 

Sau 67 ngày trồng và chăm sóc, toàn bộ khoai tây của anh được thương lái thu mua tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg. Trung bình 1 sào khoai tây Marabel cho thu hoạch 7 tạ, lãi gần 3 triệu đồng (tương đương khoảng 80 triệu đồng/ha).

Từ những mảnh ruộng bỏ hoang, thầy giáo Lê Xuân Giáp đã thuê lại trồng khoai quy mô lớn, tạo việc làm cho chính những người cho mình thuê ruộng, thời gian cao điểm lên đến 40 người với tiền công từ 100.000 - 120.000 đồng/người/ngày, tùy theo vị trí công việc. Hiện tại, Giáp trồng 1 mẫu khoai tây xuân để làm giống, diện tích còn lại trồng bí và dưa hồng. 

Sắp tới anh tiếp tục ký hợp đồng thuê 8 mẫu ruộng để trồng cây màu các loại. Anh cho biết thêm: Tham quan các mô hình ở các tỉnh bạn, nhìn nông dân đưa máy móc vào sản xuất thích lắm! Nếu đủ điều kiện tôi sẽ áp dụng phương pháp trồng khoai tây bằng máy, xây dựng kho lạnh để bảo quản khoai tây giống, khoai tây thương phẩm.

Ông Ngô Văn Quỳnh, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Thanh cho biết: Mô hình thuê đất, mượn ruộng đầu tư sản xuất quy mô lớn đang mang lại hiệu quả tích cực cho những người dân như anh Giáp. Với sức trẻ, sự nhạy bén, tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết làm giàu từ đồng ruộng, Lê Xuân Giáp là tấm gương cho tuổi trẻ địa phương học tập, làm theo. Cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Phương Chi