Thứ 5, 28/03/2024, 18:47[GMT+7]

Phủ Sóc thuở ấy, Vũ Quý hôm nay

Thứ 2, 17/04/2017 | 09:17:19
6,939 lượt xem
Tại sân vận động xã Vũ Quý (Kiến Xương), nhà bia tưởng niệm một sự kiện lịch sử cách mạng vừa được hoàn thành. Văn bia có tiêu đề: Nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Vũ Quý (Kiến Xương).

Nội dung văn bia ghi rõ: “Ngày 20 tháng 4 năm 1947, Tỉnh đội Dân quân Thái Bình làm lễ ra mắt tại khu nhà Séc trong sân vận động Phủ Sóc (nay là xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương). Tỉnh ủy Thái Bình cử: đồng chí Ngô Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy giữ chức Chính trị ủy viên Tỉnh đội; đồng chí Nguyễn Thái Sơn, Chính trị Ủy viên Phó; đồng chí Nguyễn Đình Điền, Trưởng ban Quân sự ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh phụ trách Tỉnh đội trưởng. Cơ quan Tỉnh đội gồm: Ban Quân sự, Ban Chính trị, Ban Hành chính - Văn thư, Ban Quản trị. Các đơn vị trực thuộc có: Đại đội Lê Lợi, Đại đội Quang Trung, Đại đội Đề Thám và Đại đội Trần Quốc Tuấn”. 

Làng Sóc là tên gọi Nôm của làng Động Trung, nay là địa phận hành chính của hai xã Vũ Quý và Vũ Trung (Kiến Xương). Vì là nơi đặt phủ lỵ phủ Kiến Xương nên nơi đây mang tên Phủ Sóc. Phố Phủ Sóc là một trong những phố cổ nổi tiếng ở Thái Bình. Chợ Phủ Sóc là một chợ lớn có từ thế kỷ XV, từng được nhiều thương nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến buôn bán. Địa danh Động Trung - Phủ Sóc đã xuất hiện trong khá nhiều sử sách trong và ngoài nước, gắn liền với tên tuổi của các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử qua các thời kỳ. Mạch nguồn truyền thống của đất này đã hội đủ các yếu tố để có thể khẳng định Động Trung là một trong những làng văn hiến tiêu biểu của Việt Nam.

Từ thời xa xưa, Phủ Sóc đã sầm uất với cảnh trên bến dưới thuyền. Hệ thống đường ngựa trạm từ bốn phía chạy về lỵ sở mà thư tịch cổ ghi là “dịch lộ”. Sau khi thành lập tỉnh, đường ngựa trạm đã trở thành tỉnh lộ, quốc lộ. Đoạn đường 39B từ thị xã Thái Bình xuống Tiền Hải qua Phủ Sóc vào ki-lô-mét số 7 dài khoảng hơn 1km. Trung tâm phố là một ngã tư lớn. Sông Kiến Giang chảy xuyên qua làng, cận kề với ngã tư. Thời trước, có các thuyền buôn nước mắm, thuyền chở đồ sành, các bè gỗ, nứa, bương, vầu... từ Thanh - Nghệ và các tỉnh mạn ngược tìm về neo đậu.

Trước năm 1950, phố Phủ Sóc có nhiều nhà cao tầng. Chủ nhân của những ngôi nhà đó là những nhà buôn ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Hưng Yên, Hải Dương… tới. Có cả một số Hoa kiều ở Quảng Đông, Phúc Kiến đến mở hiệu thuốc bắc, vải vóc. Dọc hai bên mặt phố là những nhà hàng buôn bán vải, tơ lụa, tạp hóa, các đại lý rượu, đường, bàn ghế, giường tủ, xưởng làm guốc, đóng giày, dép… Một dãy phố khác là các lò rèn nổi tiếng từ xưa. Khoảng  những năm 1937 - 1938, chợ Phủ Sóc được xây hai tầng liền với phủ đường, có quy mô rộng lớn, tòa dọc dãy ngang, buôn bán đủ các mặt hàng. Hàng tơ lụa và trâu, bò chợ này đã được phản ánh trong kho tàng văn học dân gian như: lụa Bộ La, là Sóc, đũi Ngọc Đường hoặc “Tậu trâu tậu bò thì đi chợ Sóc, đong gạo đong thóc thì về chợ Nang”... Động Trung còn là một làng đa nghề với  các nghề rèn, mộc, nề, điêu khắc, đúc đồng… đã nổi danh trong nhiều thời kỳ.

Vào thời thuộc Pháp, Phủ Sóc có thêm nhà Séc được xây theo kiểu kiến trúc Pháp trong khuôn viên sân vận động, nhà trí thể dục. Trường sơ học yếu lược (tiểu học Việt - Pháp) được xây dựng từ năm 1923. Xa xưa, học đường của huyện cũng được đặt tại đây. Văn từ hàng huyện, văn chỉ hàng xã đặt tại Phủ Sóc thường là nơi các vị huấn đạo và các danh sĩ về tụ hội, giảng tập, đào tạo được nhiều thế hệ trí thức cho đất nước.

Với lợi thế nhất cận thị, nhị cận giang lại là nơi đặt làm phủ lỵ, Phủ Sóc từng là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của phủ Kiến Xương thời phong kiến và thời thuộc Pháp.

Làng Sóc - Động Trung là một làng văn hiến với nhiều dòng họ văn hiến. Từ thế kỷ XVI nơi đây đã có dòng họ Nguyễn Đăng “tam thế tứ quận công” (ba đời có bốn quận công). Họ Đặng Xuân có Đặng Xuân Tiên, cử nhân khoa Mậu Thân (1848), từng được cử vào kinh đô Huế dạy con cháu hoàng tộc. Đầu thế kỷ XIX trở về sau, dòng họ Nguyễn Mậu Kiến với thế thứ “Mậu, Hữu, Công, Danh, Tái, Điển, Đăng” đã có nhiều người thành danh. Trải qua quá trình giao thoa về hôn nhân, huyết thống, hơn 20 dòng họ trong làng, họ nào cũng có những niềm tự hào riêng về nguồn cội văn hiến “phi nội tắc ngoại” của mình.

Là nơi đặt phủ lỵ, mặc dù bị chính quyền thực dân phong kiến kiểm soát gắt gao nhưng Phủ Sóc vẫn là một trung tâm yêu nước và cách mạng, là nơi nuôi dưỡng, chở che các yếu nhân yêu nước và các chiến sĩ cách mạng ở các thời kỳ. Trong cao trào Cách mạng Tháng Tám, các tầng lớp nhân dân Phủ Sóc đã tạo hậu thuẫn, cùng lực lượng cách mạng ở Kiến Xương tiến vào phủ đường giành chính quyền cách mạng.

Đất nước giành được độc lập, sau hơn một năm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng lực lượng dân quân du kích, Tỉnh đội Dân quân Thái Bình đã được thành lập và làm lễ ra mắt vào ngày 20/4/1947 tại Phủ Sóc. Đây là một dấu son chói ngời trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thái Bình, đồng thời cũng là dấu son tô điểm thêm địa danh Phủ Sóc trên trang sử quê hương. Ngày ấy đến nay đã tròn 70 năm. Nếu như trải qua 70 năm, lực lượng quân sự Thái Bình từ một tỉnh đội dân quân nhỏ bé, trang bị thô sơ đến nay đã trở thành một Bộ CHQS có lực lượng hùng hậu với trang thiết bị hiện đại thì cũng trải qua 70 năm, Phủ Sóc đã biết bao lần đổi thịt thay da với biết bao kỳ tích đã được lập nên trong từng thời kỳ cách mạng.

Khi giặc chuẩn bị đổ bộ vào Thái Bình, phủ đường, thành quách, chợ Phủ, đình Đông, lăng Quận Chúa, văn từ, văn chỉ, trường học, nhà Séc, nhà tầng cùng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ khác ở phố Phủ Sóc bị tháo dỡ để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Một căn phố cổ phồn hoa đô hội đã nhạt nhòa dần trong ký ức của lớp người cao tuổi, không còn được biết đến, ít dần được nhắc tới với lớp người sinh ra ở đất này vào nửa sau thế kỷ XX. Có nguồn thông tin cho hay, một nhiếp ảnh gia người Pháp đã chụp được những tấm ảnh toàn cảnh phố Phủ Sóc vào năm 1940, tấm ảnh này đã được Viện Viễn Đông bác cổ đưa về Pháp và hiện còn lưu trữ ở Trường Đại học Sooc bon (Pa ri 7).

Đầu năm 1950, giặc Pháp đổ quân vào đánh chiếm Thái Bình đã nhanh chóng dựng đồn bốt lớn tại Phủ Sóc để kiểm soát, khống chế toàn bộ vùng Nam Thái Bình. Sống cận kề đồn bốt, thường xuyên bị giặc lùng sục, càn quét, khủng bố nhưng người dân Động Trung vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

Từ năm 1955 trở lại đây, danh xưng Phủ Sóc không còn trên bản đồ hành chính nhưng nơi đây vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hóa. Nhiều thiết chế kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, của huyện lần lượt được xây dựng tại phố phủ xưa như: bưu điện, cửa hàng công nghệ phẩm, cửa hàng dược phẩm, trường phổ thông các cấp, hiệu sách nhân dân, phòng khám khu vực, bệnh viện điều dưỡng, trạm thuế, kho lương thực, ngân hàng, xưởng cơ khí, trạm chế biến thức ăn gia súc… Khi chuyển đổi cơ chế, một số thiết chế của thời bao cấp không còn tồn tại, thay vào đó là những cơ sở kinh doanh dịch vụ của các thành phần kinh tế.

Trên hành trình hơn 30 năm đổi mới, Phủ Sóc - Vũ Quý đã từng bước chuyển mình, ngày càng thêm xứng tầm với một đô thị vệ tinh của thành phố Thái Bình. Những ngôi nhà cao tầng liền kề nhau san sát mọc lên. Các loại hình kinh doanh dịch vụ ngày thêm sầm uất. Cụm công nghiệp được hình thành và ngày càng có thêm sức hút với các nhà đầu tư. Đến nay, hầu hết các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thành. Hơn 90% số hộ trong xã đã sử dụng điện sáng và nước sạch. Hệ thống đường rải nhựa, đường bê tông đã đến khắp các nẻo đường thôn, ngõ xóm. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2016, nông nghiệp và thủy sản chiếm 8,08%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 45,29%; dịch vụ, thương mại chiếm 46,63%. Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế, Vũ Quý luôn là một xã phát triển khá về các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhiều năm là lá cờ đầu của huyện về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác thực hiện chính sách người có công.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, Vũ Quý có gần 400 gia đình có công với cách mạng, chiếm gần 1/3 số hộ gia đình trong xã. Có 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 15 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, 1 người là cán bộ tiền khởi nghĩa, 105 liệt sĩ, gần 200 thương binh, bệnh binh và người hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam. Xã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp.

Sinh ra và lớn lên từ đất thiêng Phủ Sóc, đến nay hàng trăm con em đã trở thành những tướng lĩnh, những nhà quản lý, nhà khoa học hoặc doanh nhân thành đạt. Nhiều công trình phúc lợi của xã được xây dựng khang trang bằng nghĩa tình sâu nặng của người Phủ Sóc đang sinh sống ở tỉnh ngoài. Nghĩa trang liệt sĩ của cụm 7 xã, nơi yên nghỉ của 346 liệt sĩ và cán bộ lão thành cách mạng đang được nâng cấp với dự toán bước đầu khoảng 4 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ yếu do một người con của Vũ Quý tài trợ.

Phát huy truyền thống và lợi thế của quê hương, những năm gần đây Đảng bộ và nhân dân trong xã đã nỗ lực thực hiện quy hoạch xây dựng Vũ Quý thành một thị trấn.  Đến nay, các tiêu chí của một đô thị loại V đã hội đủ. Thủ tục pháp lý để xã Vũ Quý trở thành thị trấn đã cơ bản hoàn tất và đang chờ phê chuẩn.

Hẳn là, khi trở thành thị trấn thì mọi tiềm năng và lợi thế của một phố phủ cũ sẽ tiếp tục được làm thức dậy và nhân lên một cách mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn để địa danh Phủ Sóc - Vũ Quý ngày thêm xứng tầm với truyền thống, ngang tầm với thời đại.

Nguyễn Thanh

Vũ Quý, Kiến Xương