Thứ 6, 19/04/2024, 04:59[GMT+7]

Bỏ thành phố về nuôi bò

Thứ 3, 18/04/2017 | 08:06:54
4,144 lượt xem
Từ bỏ công việc với mức lương cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Bùi Thị Vân, cử nhân ngành tài chính ngân hàng lại về quê ở thôn Lại Xá, xã Minh Lãng (Vũ Thư) nuôi bò sinh sản với ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Chị Vân chăm sóc đàn bò.

Vân sinh năm 1984, chưa lập gia đình nhưng một mình quản lý đàn bò sinh sản 28 con trên diện tích hơn 2ha. Ngồi trong ngôi nhà giữa cánh đồng cỏ, Vân chia sẻ: Trước kia, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên bố và 3 chị em Vân vào Đắk Lắk sinh sống, làm việc, chỉ có một mình mẹ ở quê. Tốt nghiệp đại học, Vân công tác tại một số ngân hàng, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh. Bốn bố con Vân thuyết phục mẹ vào miền Nam để gia đình đoàn tụ nhưng mẹ không đồng ý. Bởi vậy, Vân quyết định về quê. Vân bảo, ý định làm giàu từ nông nghiệp có trong cô từ rất lâu rồi. Ban đầu, cô và gia đình dự định làm ở Đắk Lắk. Song do hoàn cảnh gia đình, rồi nhận thấy sự quan tâm, ủng hộ, các chính sách ưu đãi của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên Vân quyết định mang giấc mơ làm giàu về quê. Năm 2012, gia đình Vân thuê đất của các hộ dân, bắt đầu xây dựng chuồng trại, đồng cỏ. Năm 2015, khi cơ sở vật chất hoàn thiện, Vân nghỉ việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư mua 25 con bò sinh sản giống bò lai sind bắt tay vào chăn nuôi. Khi ấy, Vân gom hết số tiền cả gia đình có được, rồi vay thêm vốn đầu tư cơ bản vào nuôi bò khoảng 2 tỷ đồng.

Từ khi quyết định mang bằng đại học về “treo cửa chuồng bò”, nhiều người bảo Vân, nếu có ý định làm cô nuôi bò thì việc gì phải học đại học, mà lại học chuyên ngành tài chính ngân hàng, vốn chẳng có gì ăn nhập với chăn bò.  Vân chia sẻ: Những kiến thức chuyên ngành học ở đại học không giúp ích trực tiếp trong công việc cắt cỏ, cho bò ăn, dọn chuồng bò... nhưng tri thức không bao giờ thừa, không giúp cho mình trong việc này thì sẽ giúp cho mình trong việc khác.

Từ các mối quan hệ, hiểu biết khi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi về quê, Vân lặn lội đến thăm, học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại nuôi bò ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), Bình Dương, Vũng Tàu, rồi Ba Vì (Hà Nội)... Vân bảo: Chăn bò, cắt cỏ... mới nghe thì tưởng là đơn giản, nhưng giờ bước vào phải học hỏi rất nhiều, nhất là học từ những mô hình lớn, đã thành công, rồi học để còn biết cách nhân giống, chăm sóc để bò không bị bệnh. Đàn bò của Vân được nuôi bằng rơm, rạ, cỏ và cám gạo. Mỗi ngày, Vân dành khoảng 2 tiếng đồng hồ buổi sáng để cắt cỏ, thuê một nhân công cùng mình chăm sóc đàn bò, dọn dẹp chuồng trại, chăm đồng cỏ và trả lương hàng tháng. Mỗi tuần một lần, Vân phun thuốc khử trùng, hàng ngày đều vệ sinh chuồng bò bảo đảm sạch, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Một cô gái chưa có gia đình, chủ một trang trại ngày, đêm bên đàn bò ở giữa cánh đồng nhưng với Vân, không có gì đáng lo ngại, bởi theo cô muốn thành công phải mạnh mẽ, tự lập, quyết đoán, không ngại khó, ngại khổ.

Hơn 1 năm đầu tư chăm sóc, hiện tại, đàn bò của Vân đã có thêm 8 bê con, nhiều con đang mang thai. Vân cười bảo: có 7/8 con bê là bê đực. Mình phải học hỏi thêm kinh nghiệm cách chọn con giống, cách chăm sóc, chọn thời điểm, kỹ thuật, con đực phối giống... để những lần tới, tỷ lệ bê cái nhiều hơn, rồi cũng phải học cách trồng, chăm sóc cỏ không sử dụng phân hóa học để chăn nuôi an toàn. Vân kể: Khi bắt đầu nuôi bò, Vân trồng cỏ đều bị chết, phải trồng lại 4 lần. Bò không có đủ thức ăn nên sinh trưởng, phát triển chậm hơn so với dự định mấy tháng. Hiện tại, đàn bò chưa mang lại thu nhập nhưng Vân đã có nguồn thu lãi từ nuôi gà chọi, chim bồ câu, cá mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. 

Dự định của Vân sẽ nhân đàn bò lên khoảng 200 con, chăn nuôi theo chu trình khép kín từ chọn con giống, trồng cỏ cho bò ăn đến cung ứng sản phẩm chế biến từ thịt bò tới tận tay người tiêu dùng. Sau đó, Vân nuôi giun quế, nuôi gà, nuôi lợn, chim, cá, trồng rau cung cấp nông sản sạch ra thị trường. Với mô hình khởi nghiệp chưa có lãi, còn gặp một số khó khăn nhất định nhưng Vân chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Vân chia sẻ: Mình hạnh phúc vì mỗi sáng được hít thở không khí trong lành, yên bình ở ngay quê hương, hạnh phúc khi nhìn thấy đàn bò khoẻ mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt.

Trong câu chuyện của mình, Vân cảm ơn cán bộ Huyện đoàn đã luôn đồng hành cùng Vân từ những ngày đầu lập trang trại. Từ thăm, động viên đến giới thiệu các mô hình để Vân tham quan, học tập, giới thiệu các chuyên gia giúp Vân thêm kiến thức khoa học, thực tế trong chăn nuôi. 

Mô hình chăn nuôi của Vân tuy mới bắt đầu nhưng khẳng định ý chí, nghị lực của một thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, là tấm gương sáng cho nhiều đoàn viên thanh niên học tập và làm theo.

Xuân Phương 

Hoàng Hải - 5 năm trước

Cho e xin số điện thoại của chị Vân dc k ak?

Tải thêm