Thứ 6, 19/04/2024, 09:38[GMT+7]

Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp

Thứ 3, 25/04/2017 | 08:34:10
9,566 lượt xem
Năm 2007, gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn ở thôn Xuân Phong, xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) là hộ đầu tiên mạnh dạn tham gia vùng chuyển đổi ở địa phương. Sau nhiều năm đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trước đây, thu nhập của gia đình ông Sơn chỉ trông vào mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống. Khi địa phương có cơ chế khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ông Sơn đã mạnh dạn tham gia. Với diện tích chuyển đổi hơn 7.000m2, ông Sơn mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, thời gian đầu nuôi 20 con lợn nái để lấy con giống nuôi thành lợn thịt và cung cấp cho bà con địa phương. Qua các năm, quy mô đàn lợn thịt ngày càng tăng lên, thời điểm nhiều nhất trang trại nuôi tới 200 con lợn thịt; đồng thời nuôi thường xuyên 1.000 con gà thịt, 500 con gà đẻ. 

Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, ông Sơn đã cải tạo gần 3.000m2 diện tích mặt nước, nuôi thả các giống cá truyền thống và nuôi thêm một số loại như cá rô đồng, rô phi đơn tính, chạch. Diện tích đất còn lại, ông trồng các loại cây ăn quả, rau màu, cây hòe thương phẩm, cây cảnh, các loại hoa phục vụ cho thị trường những ngày lễ, tết. Ông Sơn cho biết: Hàng năm, trang trại xuất ra thị trường từ 2 - 3 lứa lợn thịt khoảng hơn 200 con cùng 200 con lợn giống, 6 - 7 tấn cá nước ngọt, vài nghìn con gà thịt và trứng thương phẩm, tổng thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, trừ các chi phí cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng.

Để chủ động được các khâu trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, ông Sơn đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, thú y, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản do hội nông dân các cấp tổ chức, chịu khó học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi từ trang trại của bà con các địa phương và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ông còn đầu tư xây dựng hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm vi sinh góp phần bảo vệ môi trường, tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm, giảm công sức lao động, mang đến hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trang trại tổng hợp của ông Sơn cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Lĩnh cho biết: Với sự nỗ lực, sáng tạo trong lao động sản xuất, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Sơn đã cho hiệu quả kinh tế cao, là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi được bà con nhiều nơi đến học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, ông Sơn còn đảm nhiệm vai trò tổ trưởng tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Đông Lĩnh, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xuân Phong, tổ chức tốt các hoạt động liên kết, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn, ngày công, giúp các hộ nuôi trồng thủy sản cùng phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Thành công từ mô hình trang trại tổng hợp, cuộc sống của gia đình ông Sơn giờ đây khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi dạy các con ăn học, gia đình luôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Năm 2016, ông Sơn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Huyền