Thứ 5, 25/04/2024, 14:15[GMT+7]

Người thương binh nặng tình với nông dân

Thứ 3, 25/07/2017 | 10:03:25
1,459 lượt xem
Sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình, đang học lớp 8, năm 1968, theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, Trần Mạnh Báo “gác bút nghiên” lên đường đánh Mỹ. Hai lần bị thương nặng, bị hỏng mắt phải, thương binh Trần Mạnh Báo trở về quê gắn bó với nghiệp nhà nông. Dù học tập hay công tác, dù là cán bộ hay Tổng giám đốc, ở hoàn cảnh, cương vị nào ông cũng luôn đau đáu nỗi niềm làm sao cho người nông dân “chân lấm, tay bùn” bớt khổ, tiến tới có cuộc sống khá giả…

Bám ruộng đồng là niềm say mê của thương binh Trần Mạnh Báo.

Màu xanh áo lính

Ông có tuổi thơ khó nhọc khi là anh cả của 9 đứa em trong gia đình ở một xã biển nghèo và hiếm đất canh tác. Bữa đói bữa no, cơm độn khoai sắn nhưng ông rất mê đọc sách, vớ được cuốn nào nghiến ngấu cuốn ấy. Lớn lên ở thời chiến, 15 tuổi (khi đang học lớp 6), ông tình nguyện tham gia đội dân quân tự vệ, trực tiếp cầm súng bắn lũ “giặc trời” ở khu vực cửa sông Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Học dở dang cấp III, ông nhập ngũ rồi Nam tiến về Hà Tiên (Kiên Giang). Trong một trận càn, những cơn mưa đạn cối M79 của địch trút xuống, ông bị mảnh lựu đạn găm vào trán. Đó chỉ là một trong hàng chục lần đối mặt với cái chết trong gang tấc, nhưng chưa bao giờ ông có ý nghĩ thoái lui. Đánh nhiều trận lớn nhỏ, sau 5 năm ở chiến trường ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. 

Trò chuyện với chúng tôi, thương binh Trần Mạnh Báo bồi hồi, xúc động:  Đã là chiến trường, đương nhiên người lính phải đương đầu với mưa bom, bão đạn, sự sống và cái chết cách nhau chỉ  trong gang tấc. Có một kỷ niệm vào cái ngày chúng tôi được đưa ra an dưỡng ở miền Bắc mà tôi còn nhớ như in. Đang mùa mưa, đường Tây Nguyên trơn như xoa mỡ, đang ì ạch leo dốc, hai chiếc xe chở toàn bộ đội tù Phú Quốc bỗng nhiên xoay ngược lại rồi cứ thế vùn vụt lao xuống vực. Cả đoàn lặng người. Sau chúng tôi được biết số anh em trên hai xe đó đã hy sinh hết. Thoát chết lần đó, ngày 3/4/1974 tôi về Đoàn an dưỡng 51 đóng trên đất Tiền Hải.

Suốt những năm tháng tiếp theo, không lúc nào thương binh Trần Mạnh Báo nguôi ngoai nỗi nhớ về đồng đội, những người lính mà máu xương của họ đã để lại trên khắp mọi nẻo đường của đất nước vì nền độc lập, tự do. Ông nhớ đến người em Hàn Thanh Bình (Quảng Văn, Thanh Hóa), đồng đội thân thiết nhất trong đời quân ngũ của ông đã hy sinh tại chiến trường Campuchia; ông nhớ Vũ Như Phú (Thái Phúc, Thái Thụy) bất chấp hiểm nguy máy bay và thám báo địch, đi hàng cây số kiếm nước dừa chăm sóc ông khi bị thương. Rồi Khởi (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) lo mất “nghề đánh giặc”; Khuê (Khâm Thiên, Hà Nội) cả nhà bị bom Mỹ giết chết, Khuê cũng hy sinh khi đang canh gác tù binh… 

“Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi” (xưa nay ra trận có mấy người được trở về), dẫu biết vậy nhưng trước sự hy sinh của đồng đội làm sao không chết lặng người. Nhiều đêm khi nhận tin dữ, tôi tìm đến một chỗ vắng, ôm mặt khóc ròng - ông Báo xúc động chia sẻ. 

Nặng tình đồng đội nên trong quá trình tuyển dụng, Công ty của ông luôn ưu tiên cho con liệt sĩ, thương binh nặng, con em bộ đội, con nông dân nghèo vượt khó. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện sẻ chia những mất mát, thiệt thòi đối với người nghèo, bất hạnh, các gia đình chính sách...

Sản phẩm gạo của ThaiBinh Seed.

 Màu xanh ruộng đồng

 Hơn 40 năm đã trôi qua, ông Trần Mạnh Báo vẫn còn nguyên vẹn cảm giác cái giây phút xúc động đến nghẹn lời khi nghe bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào trưa ngày 30/4/1975. Sự hy sinh, cống hiến của những người lính trong đó có ông đã làm nở hoa độc lập, kết trái tự do cho đất nước Việt Nam mến yêu. Và cũng giây phút đó, trong ông càng nung nấu trách nhiệm của người lính thời bình trong việc góp phần viết tiếp trang sử hào hùng, thực hiện di chúc của Bác kính yêu “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. 

Sinh ra và lớn lên trên “quê hương 5 tấn”, thấu hiểu nỗi vất vả một nắng hai sương của người nông dân, ông quyết dành trọn tâm huyết và sức cống hiến của mình để những cánh đồng trên khắp các miền quê ngày thêm trĩu hạt. 

Để đạt được mục đích đó, dù đã 26 tuổi, ông vẫn xin đi học với lứa học trò cấp III mới 14 tuổi, sau đó thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Ra trường, ở cái tuổi không còn trẻ ông bắt đầu lao vào nghiên cứu, chọn tạo những bộ giống lúa năng suất tốt, chất lượng cao. Từ một nhân viên “không số, không má”, ông đã tận lực phấn đấu trở thành người đứng đầu Công ty Giống cây trồng Thái Bình, sau này là Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cấy trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed). Dưới sự chèo lái của ông, ThaiBinh Seed đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giống cây trồng; là thành viên Hiệp hội Giống cây trồng châu Á - Thái Bình Dương (APSA).

Nhìn lại 45 năm đóng góp cho ngành Nông nghiệp và ngành giống cây trồng Việt Nam, trong “10 cái nhất” của ThaiBinh Seed  không trực tiếp thì cũng gián tiếp hướng tới mục tiêu giúp người nông dân có cuộc sống no ấm, tốt đẹp hơn. Có thể kể đến 3 cái nhất được nông dân hết sức hoan nghênh, ủng hộ là: Năm 1987 thực hiện đề án “khoán sản phẩm đến người lao động”; năm 1998 đi đầu trong việc xóa bỏ chế độ bán hàng theo kế hoạch, tổ chức hệ thống bán lẻ giống cây trồng đến tận tay nông dân; đơn vị đi đầu và thành công nhất thực hiện chương trình “liên kết 4 nhà” và tiêu thụ nông sản cho nông dân tại Thái Bình. 

Để giải quyết bài toán “được mùa, mất giá” cho nông dân, đến năm 2016, diện tích liên kết sản xuất trên toàn quốc của ThaiBinh Seed  đạt trên 6.000ha, sản lượng đạt hơn 22.000 tấn, tăng 53% so với năm 2011; lượng giống các loại cung ứng cho nông dân đạt gần 20.000 tấn, tăng 53% so với năm 2011. Sản phẩm của người nông dân tham gia liên kết với Công ty luôn được mua với giá gấp 1,3 - 1,5 lần so với giá thị trường cùng mặt hàng. 

Thực hiện căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh  khi Người về thăm Thái Bình năm 1966 “phải chọn giống tốt cho nông dân”, đến nay, ThaiBinh Seed đã nghiên cứu thành công bộ giống mới với 11 giống bản quyền được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng và cơ cấu kinh tế nông nghiệp Việt Nam. 

Không chỉ vậy, ThaiBinh Seed còn đồng hành chia sẻ với nông dân những lúc họ gặp rủi ro, khó khăn, trong 5 năm qua, ThaiBinh Seed đã hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, nông dân nghèo, đóng góp xây dựng nông thôn mới và từ thiện, xã hội khoảng 35 tỷ đồng. Nặng tình với nông dân, là thương binh nặng, ở cái tuổi nên nghỉ ngơi nhưng thay bằng “vui thú điền viên” thì hàng ngày, hàng giờ ông vẫn dầm mưa, dãi nắng trên đồng ruộng để gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của từng nông dân. 

Thương binh Trần Mạnh Báo chia sẻ: Mình rất vui khi được bà con nông dân gọi bằng cái tên “Người con của những cánh đồng” hay “Con Báo của ngành nông nghiệp”. Tiếp tục nỗ lực giúp bà con đỡ vất vả trên đồng ruộng là trách nhiệm của mình, bởi mình là con nông dân mà.

Phan Anh