Thứ 6, 29/03/2024, 13:25[GMT+7]

Chuyện làm giàu của “nhà nông” trẻ

Thứ 5, 03/11/2011 | 08:33:44
11,670 lượt xem
Những năm qua, phong trào thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Thái Bình không ngừng được phát triển. Xuất hiện ngày càng nhiều gương thanh niên vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Đoàn viên thanh niên Trần Quang Phước, sinh năm 1979, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) là một trong số đó.

Với diện tích trên 2,1 ha, trang trại VAC của anh Phước đã khiến các thành viên trong đoàn đi phải nể phục ý chí làm giàu của anh.

Từ trụ sở UBND xã, chưa đầy 10 phút chúng tôi đã lọt thỏm vào "mê trận" giữa bạt ngàn những cây trái đang mùa thu hoạch. Màu xanh của lá, của cây, của nước hồ phẳng lặng đã làm chúng tôi như quên đi cái lạnh của những ngày đầu đông. Với diện tích trên 2,1 ha, trang trại VAC của anh Phước đã khiến các thành viên trong đoàn đi phải nể phục ý chí làm giàu của anh.

 

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, nhà nghèo nhưng Phước học rất giỏi, trở thành sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội năm 1997. Con đường công danh rộng mở khi tốt nghiệp ra trường anh đã có một công việc ổn định, thu nhập khá cao nhưng anh đã từ bỏ tất cả để “ra ở riêng”, tự đứng ra thành lập công ty chuyên kinh doanh về phân bón (năm 2007) tại Hà Nội, sau khi đã tích luỹ được nguồn vốn (20 triệu đồng) và kinh nghiệm kinh doanh. Cùng thời gian đó anh đứng ra đấu thầu 2,1 ha đất 2 lúa chua trũng canh tác kém hiệu quả để xây dựng trang trại theo mô hình VAC.

 

Nhưng khó khăn lớn nhất Phước vấp phải lúc đó là vốn. Tất cả tiền tích cóp được anh đã đầu tư vào kinh doanh phân bón. Nếu muốn đi vay thì phải có thế chấp, trong khi đó anh lại chẳng có gì ngoài sự “tín chấp”. Quả thật là khó, nhưng dường như trong cái rủi có cái may, anh Phước chia sẻ: thông qua các mối quan hệ họ hàng, bạn bè, tôi đã nhận được sự giúp đỡ ban đầu về vốn. Chính nhờ nguồn vốn vay mà em đã vượt qua được những khó khăn ban đầu. Tiếp sau đó là nguồn vốn hỗ trợ từ Đoàn thanh niên huyện. Tổng cộng gần 300 triệu đồng, với số tiền này anh Phước đã đầu tư đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại và mua con giống.

 

Xác định buổi đầu lập nghiệp, kinh nghiệm chưa có thật không dễ chút nào nên anh chỉ đầu tư nuôi 50 con lợn thịt, 200 gà và thả các loại cá truyền thống trên diện tích 2.000 m2; 1.800 m2 trồng rau màu; diện tích còn lại cấy 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Sau một năm, anh Phước nhận thấy việc phát triển kinh tế trang trại tổng hợp của mình là có hiệu quả, anh quyết định mở rộng quy mô trang trại. Hiện tại, trang trại của anh có trên 100 con lợn, gần 2.000 gia súc, gia cầm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ công ty phân bón và kinh doanh trang trại năm 2010 đạt 300 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập từ 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, anh còn là người đầu tiên của địa phương ứng dụng giống mới, phân bón mới và đưa thuốc bảo vệ thực vật mới có hiệu quả, phù hợp hơn vào sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng cây trồng.

 

Nói về kinh nghiệm kinh doanh, anh Phước chia sẻ: Những năm đầu lập nghiệp thất bại cũng nhiều, nhưng mình đã cố gắng vượt qua. Là thanh niên, còn trẻ tuổi, còn khát vọng, tại sao không tự gây dựng một nền tảng kinh tế cho bản thân, rồi từ đó giúp những thanh niên khác cùng làm giàu.

 

Bản tính cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận mạo hiểm, Trần Quang Phước đã bước đầu thành công trong việc tạo lập một chỗ đứng vững vàng trên mảnh đất quê hương, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Thái Bình. Với những thành tích đó, anh đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2011- phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi. Thành công đó mới chỉ là bước đầu, khó khăn còn ở phía trước. Nhưng với ý chí, nghị lực vươn lên cùng với những kinh nghiệm đã tích luỹ được, chúc cho anh sẽ thành công hơn nữa trên con đường lập nghiệp của mình.

 

                                                                       Bài, ảnh: Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa