Thứ 6, 29/03/2024, 00:26[GMT+7]

Truyền thống 60 năm toả sáng bước tương lai

Thứ 2, 09/05/2011 | 09:02:19
2,102 lượt xem
Chặng đường 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các cấp và sự nỗ lực của tập thể CB- CNV, ngành Công Thương Thái Bình đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với danh hiệu cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất mà Chủ tịch nước đã trao tặng.

Công nhân Công ty DamSan trong giờ làm. Ảnh: Thành Tâm

Theo Quyết định số 1418 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/ 5 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam. Tại Thái Bình, mặc dù hai ngành Công nghiệp và Thương mại không thành lập trùng năm, có lúc sáp nhập, có lúc chia tách nhưng trong suốt 60 năm qua cả hai ngành đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển KT- XH, thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta.

   

Những năm đầu thành lập, ngành Công Thương Thái Bình phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đất nước có chiến tranh, cơ sở vật chất nghèo nàn lạc hậu; trình độ sản xuất thủ công, phân tán. Lực lượng sản xuất lúc đầu chỉ là 1 xưởng cơ khí nhỏ, vài xí nghiệp sản xuất VLXD, các HTX thủ công cùng tổ hợp tác và tổ gia công manh mún. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, ngành Công Thương nhanh chóng được củng cố và tổ chức lại.

 

Đến năm 1960, ngành thương nghiệp quốc doanh đã vươn lên giữ vai trò chủ đạo trong quan hệ mua bán, chiếm 90% mức bán buôn và 75% tổng mức hàng hoá thị trường. Năm 1964, doanh số mua bán tăng 16 lần, hệ thống các cửa hàng bán lẻ tăng 20 lần so với năm 1955.

 

Với ngành Công nghiệp, năm 1965 đã hình thành được 20 xí nghiệp, giá trị sản lượng tăng 39% so với năm 1960. Đặc biệt giai đoạn 1965- 1975, các CB- CNVLĐ ngành Công Thương vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa là hậu phương chi viện cho chiến trường Miền Nam. Hoà bình lập lại, cả nước bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, ngành Công Thương có điều kiện phát triển nhanh về quy mô và mở rộng trên nhiều lĩnh vực.

 

Năm 1980, toàn tỉnh có 109  HTX thủ công nghiệp về cơ khí, chế biến gỗ, chế biến LT- TP, dệt... Bên cạnh đó, hàng loạt xí nghiệp công nghiệp quốc doanh cũng ra đời như Xí nghiệp xe đạp, điện thông, xi măng, thuộc da, chiếu 27/ 7... Với ngành thương mại đã tập trung củng cố xây dựng các công ty, hình thành hệ thống bán buôn từ tỉnh xuống các huyện góp phần phân phối hàng hoá công bằng, thuận tiện cho người tiêu dùng.

 

Bước vào giai đoạn 1986- 2000, ngành Công Thương đã nhanh chóng đổi mới hoạt động, xoá bỏ tình trạng phân tán, buông lỏng quản lý tại các cửa hàng tạm, gắn kinh doanh nội thương với ngoại thương, buôn bán với sản xuất; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, mở rộng liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đa dạng hoá các ngành nghề thủ công. Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục.

 

Năm 1992 đạt 131 tỷ đồng, năm 1995 đạt 276 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình 10 năm (1991- 2000) là 13,3%/ năm. Năm 2000, toàn tỉnh có 330 doanh nghiệp và 11.000 hộ kinh doanh, xoá bỏ hẳn tình trạng ngăn sông cấm chợ; hàng hoá lưu thông, chất lượng, kiểu dáng phong phú.

 

Đặc biệt, từ năm 2001 đến nay, ngành Công Thương tỉnh ta đã có bước trưởng thành vượt bậc, ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH. Năm 2005, toàn tỉnh có 1.500 doanh nghiệp và 30.000 hộ tham gia kinh doanh. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 5 năm (2006- 2010) đạt 1,2 tỷ USD, tăng bình quân 35%/ năm. kim ngạch nhập khẩu 5 năm (2006- 2010) đạt hơn 1 tỷ USD, tăng bình quân 30,8%/ năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2006- 2010 tăng bình quân 25,2%/ năm.

 

 

Công nhân Công ty may Bình Minh - Đông Hưng trong giờ làm. Ảnh: Ngọc Trâm

 

Đến năm 2010, tổng mức lưu chuyển hàng hoá đạt 14.075 tỷ đồng, tăng 3,37 lần so với năm 2005; kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 455 triệu USD, gấp 4,48 lần , kim ngạch nhập khẩu đạt 378 triệu USD, gấp 3,77 lần. Từ năm 2001 đến nay, ngành Công Thương đã tham mưu giúp tỉnh hoàn thành quy hoạch chi tiết 6 KCN với tổng diện tích 1.006 ha, 41 cụm- điểm công nghiệp với tổng diện tích 1.008ha.

 

Theo đề án quy hoạch phát triển các khu- cụm công nghiệp đã được phê duyệt, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh ta sẽ hình thành 15 KCN với tổng diện tích 3.172ha và 43 CCN với tổng diện tích 1.226ha. Về tình hình thu hút đầu tư, tính đến hết năm 2010 toàn tỉnh đã thu hút được 398 dự án với tổng số vốn đăng ký 55.000 tỷ đồng, dự kiến tạo việc làm cho trên 122.400 lao động. Trong đó có 292 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, bước đầu tạo việc làm cho 93.220 lao động. Cùng với công nghiệp tập trung, khu vực nghề và làng nghề cũng có bước phát triển toàn diện.

 

Tính đến hết năm 2010 toàn tỉnh có 229 làng nghề được UBND tỉnh chính thức cấp bằng công nhận. Nhờ sự phát triển song song cả công nghiệp tập trung và làng nghề đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2010 lên 10.194 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2005. Một số sản phẩm của ngành Công nghiệp Thái Bình đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được khách hàng đánh giá cao như: Gạch ốp lát, sứ vệ sinh, xi măng trắng, quần áo may sẵn, sợi bông, thuỷ tinh pha lê, nước khoáng...

 

 Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, ngành Công Thương phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 12.540 tỷ đồng, tăng 23% trở lên so với năm 2010. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng 20,8%. Kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD, tăng 10%. Kim ngạch nhập khẩu dự kiến 414 triệu USD, tăng 9,5%. Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành Công Thương chủ trương triển khai có hiệu quả các quy hoạch và cơ chế, chính sách thu hút đầu tư như: Quy hoạch phát triển ngành đến năm 2015, định hướng 2020; quy hoạch phát triển thương mại tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch phát triển ngành cơ khí, luyện kim; chế biến NSTP đến năm 2015; Quy hoạch điện lực giai đoạn 2015, định hướng 2020... Đi sâu, đi sát, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất phát triển. Đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp quy mô và giá trị sản xuất lớn. Đôn đốc, tạo điều kiện cho các dự án đang đầu tư đẩy nhanh tiến độ sớm đi vào sản xuất. Tiếp tục làm tốt công tác hội nhập kinh tế, chú trọng phát triển thị trường trong và ngoài nước. Thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường.

 

Ngoài ra, còn tích cực hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trung ương về đầu tư phát triển sản xuất tại địa phương. Điển hình là phối hợp với Tập đoàn dầu khí Quốc gia khoan thăm dò đánh giá trữ lượng khí ngoài khơi để đưa vào bờ phục vụ sản xuất; đẩy nhanh tiến độ dự án Trung tâm điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc (Thái Thuỵ). Phối hợp với Công ty Đông Dương hoàn thành xây dựng Đề án khảo sát thăm dò, khai thác thử nghiệm bể than đồng bằng sông Hồng. Phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam xây dựng một số hệ thống điện cao áp, trung áp cung cấp cho các khu- cụm công nghiệp...

    

Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các cấp và sự nỗ lực của tập thể CB- CNV, ngành Công Thương Thái Bình đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với danh hiệu cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất mà Chủ tịch nước đã trao tặng.

 

                                                                          Đào Minh Hải

 Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công Thương

 

 

 

  • Từ khóa