Thứ 7, 20/04/2024, 06:13[GMT+7]

“Cánh đồng vàng” của nhà đầu tư

Thứ 4, 05/04/2017 | 16:17:12
4,130 lượt xem
Với những nỗ lực trong việc tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là về hạ tầng cơ sở, Thái Bình đang có nhiều lợi thế thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt.

Với điều kiện tự nhiên, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, có nguồn nước ngọt dồi dào, phù hợp cho sản xuất lúa, Thái Bình là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng với diện tích gieo trồng hàng năm hơn 160.000ha. Nhờ lợi thế tự nhiên và năng lực thâm canh tốt, năng suất lúa đạt trung bình 6,5 tấn/ha/vụ, cao hơn mức trung bình cả nước (5,6 tấn/ha/vụ), cao hơn cả năng suất một số tỉnh sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước. 

Thái Bình cũng là tỉnh có mức độ cơ giới hóa cao nhất khu vực đồng bằng sông Hồng, đến nay cơ giới hóa được 100% khâu làm đất, 75% khâu thu hoạch; chủ động được nguồn giống có chất lượng cao. Nỗ lực xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã giúp cho hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất của tỉnh được cải thiện rất nhiều, trên 90% diện tích canh tác lúa và rau màu đã chủ động tưới, tiêu.

Rau là cây trồng lớn thứ hai (sau lúa) trong ngành trồng trọt Thái Bình. Hệ số trồng rau là 3,5 vụ/năm với diện tích chuyên canh và 1,65 vụ/năm với diện tích luân canh với lúa và cây trồng khác. Đã hình thành một số vùng sản xuất cây trồng có thế mạnh như vùng sản xuất ớt ở Quỳnh Phụ; sản xuất rau, dưa xuất khẩu ở Thái Thụy, Hưng Hà; sản xuất khoai tây ở thành phố, Đông Hưng, Quỳnh Phụ; sản xuất bí xanh ở Đông Hưng, Hưng Hà, Vũ Thư… Rau chủ yếu được trồng theo phương pháp truyền thống. 

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Thái Bình đang hướng đến xây dựng các vùng sản xuất an toàn theo chuỗi. Đề án xây dựng vùng sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí dự kiến thực hiện hơn 11,3 tỷ đồng đã được UBND tỉnh thông qua, mục tiêu hết năm 2017 sẽ xây dựng được 7 vùng sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi trong đó có 5 vùng sản xuất rau, 1 mô hình và 1 vùng sản xuất lúa gạo. Phấn đấu giai đoạn 2018 - 2020 sẽ mở rộng các mô hình và các vùng sản xuất hiện có trên tổng diện tích 250ha rau và 500ha lúa thực hiện sản xuất sản phẩm cây trồng an toàn theo chuỗi, xây dựng được thương hiệu sản phẩm lúa gạo. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 trên địa bàn sẽ có 25% diện tích rau an toàn. Những địa phương xây dựng mô hình, vùng sản xuất an toàn được tỉnh hỗ trợ về cơ sở hạ tầng như hệ thống tưới, tiêu, nhà lưới, hỗ trợ về hệ thống điện, thu gom phế thải, xử lý môi trường, hỗ trợ kinh phí giống trong vụ sản xuất đầu tiên… 

Là một trong những địa phương có phong trào trồng cây màu lớn của huyện Quỳnh Phụ, Quỳnh Hải có trên 100ha chuyên màu với hệ số sử dụng đất từ 4 - 5 vụ/năm. Các cây trồng đa dạng: các loại rau gia vị, su hào, bắp cải, ớt… 

Ông Phạm Văn Liễn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Với kinh nghiệm trồng rau được tích lũy từ nhiều năm, nông dân địa phương đã áp dụng các biện pháp thâm canh, xen canh nhằm tăng hệ số quay vòng đất, tổng thu nhập từ trồng rau đạt từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp trồng rau trong khung, vòm, sử dụng nilon, lưới che nhằm giảm thiểu tối đa tác động của thời tiết đã giúp việc sản xuất các loại rau trái mùa được thuận lợi, giảm chi phí, chất lượng tốt, hạn chế tối đa sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật qua đó nâng cao giá trị kinh tế. Các hộ trồng rau không chỉ tự sản xuất được giống rau mà còn cung cấp cho nông dân các xã, huyện lân cận.

Thu mua rau cải bắp tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Nói về vai trò của doanh nghiệp trong liên kết, bà Trần Thị Lan, thôn Thượng Phúc, xã Quang Trung (Kiến Xương) cho biết: Tham gia sản xuất ngô giống cho Công ty TNHH Một thành viên Sông Bôi từ nhiều năm nay, nông dân chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc ngô đúng quy trình và hỗ trợ các chi phí như ngô giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến cuối vụ mới thanh toán. Khi tham gia liên kết với Công ty thì đầu ra nông sản ổn định, giá cả hợp lý vì vậy bà con yên tâm sản xuất, tăng vụ nhờ đó nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Là cây trồng vụ đông chính ở nhiều địa phương, diện tích khoai tây toàn tỉnh khoảng 4.000ha/năm với sản lượng đạt từ 6.000 - 10.000 tấn, tiềm năng sản xuất cây khoai tây của Thái Bình còn rất lớn với gần 20.000ha có thể trồng cây này. Đây cũng là cây trồng mà tỉnh đang hướng tới xây dựng chiến lược phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đưa khoai tây trở thành cây trồng mang thương hiệu Thái Bình.

Với những tiềm năng và lợi thế trong nông nghiệp, Thái Bình đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng tới mục tiêu đến năm 2020 đưa Thái Bình lên tốp 15 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cao nhất cả nước.


"Thời gian tới, Thái Bình tập trung thúc đẩy quá trình thuê, góp đất trong sản xuất nông nghiệp nhằm tập trung tích tụ ruộng đất, tăng quy mô sản xuất, tạo điều kiện cho cơ giới hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, giảm chi phí lao động, bảo đảm nông sản chất lượng cao, tăng hiệu quả sản xuất; tạo quỹ đất để các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết giữa doanh nghiệp, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã."

(Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)


Phan Anh - Lưu Ngần