Thứ 5, 25/04/2024, 08:36[GMT+7]

Thái Bình luôn là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Thứ 7, 08/04/2017 | 21:34:50
1,959 lượt xem
(Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình)

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; 

Kính thưa đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; 

Thưa các vị khách quý, các đồng chí cùng toàn thể quý vị!

Hôm nay, tỉnh Thái Bình rất vinh dự và phấn khởi được đón đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các vị khách quý cùng đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước về dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, cùng toàn thể các đồng chí lời chào mừng nồng nhiệt; lời kính chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Kính thưa các đồng chí; thưa toàn thể quý vị!

Thái Bình là tỉnh ven biển, có diện tích tự nhiên trên 1.500km2 , dân số trên 1,8 triệu người, nằm ở phía Đông Nam đồng bằng sông Hồng, trong tuyến hành lang kinh tế của khu vực đồng bằng Bắc Bộ; có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế...

Là vùng đất được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của các con sông, cùng với công cuộc quai đê, lấn biển và làm nông nghiệp của nhiều thế hệ cư dân, ngày nay Thái Bình càng chứng tỏ là tỉnh rất có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nông nghiệp, bởi có địa hình bằng phẳng, hệ thống sông ngòi dày đặc, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu bốn mùa, bờ biển dài 54km, bãi triều rộng trên 250km2 với nguồn lợi thủy, hải sản phong phú; người dân cần cù, năng động, có truyền thống và trình độ canh tác cao để tiếp cận và thích ứng với những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới... Ngoài ra, Thái Bình còn được thiên nhiên ban tặng các cồn cát và các vùng rừng ngập mặn ven biển thuần khiết, được UNESCO công nhận là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển châu thổ sông Hồng; là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng và làng vườn đặc sắc; nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, với hàng trăm lễ hội truyền thống được bảo tồn, lưu giữ và phát triển - là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đồng quê, văn hóa, tâm linh tại các vùng sản xuất nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh.

Với những tiềm năng, lợi thế nêu trên, từ xưa đến nay, Thái Bình luôn được xem là trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Khi đất nước còn chiến tranh, trình độ khoa học và công nghệ còn lạc hậu, điều kiện canh tác còn rất khó khăn..., Thái Bình đã vươn lên là địa phương đầu tiên dẫn đầu cả nước và miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha, cùng với việc phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương anh hùng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao quân, đóng góp xứng đáng sức người, sức của, phục vụ công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước hòa bình và bước vào thời kỳ đổi mới, Thái Bình tiếp tục đi tiên phong trong phong trào xây dựng điện, đường, trường, trạm; kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng và hiện nay lại đi đầu trong xây dựng nông thôn mới và phủ kín nước sạch nông thôn trong phạm vi toàn tỉnh.

Quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thành việc quy hoạch các vùng sản xuất, chỉnh trang đồng ruộng và “dồn điền, đổi thửa” ở toàn bộ các xã, thị trấn; khắc phục một phần tình trạng nhỏ lẻ, phân tán trên các thửa ruộng của mỗi hộ gia đình; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được chú trọng đầu tư nâng cấp; cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được tiếp tục đẩy mạnh; phong trào xây dựng cánh đồng lớn đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, đã có trên 70% kênh mương cấp 1 và hệ thống giao thông trục chính nội đồng được kiên cố; toàn bộ khâu làm đất và trên 70% khâu thu hoạch được thực hiện bằng cơ giới; đã xây dựng, phát triển được gần 300 cánh đồng lớn với diện tích trên 13.000ha, cùng nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ tiên tiến và hiện đại; năng suất lúa và năng suất các loại cây trồng đều đạt ở mức cao so với bình quân của cả nước và các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, Thái Bình đã thu hút được gần 100 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, tạo thêm nhiều việc làm, nâng thu nhập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay nhìn chung vẫn mang đậm tính truyền thống: quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ; diện tích canh tác manh mún; đầu ra của sản phẩm nông sản không ổn định; tình trạng lạm dụng phân bón hóa chất và thuốc trừ sâu trong sản xuất còn khá phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và giá trị hàng nông sản. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trương chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững; tăng cường thu hút các tổ chức, cá nhân (nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn) vào đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm để làm tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Theo đó, Thái Bình tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược trong sản xuất nông nghiệp, đó là: Phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; đẩy mạnh xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp phục vụ nông nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển nông thôn theo yêu cầu mới; đồng thời, phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, tâm linh tại vùng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Để thực hiện được 5 đột phá nêu trên, tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện 3 giải pháp trọng tâm là: Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn (nhất là quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp); đẩy mạnh việc thực hiện tích tụ đất đai, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch và sản xuất theo chuỗi hàng hóa trên cơ sở không trái với những quy định hiện hành của pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận chung của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong triển khai, thực hiện.

Với chủ trương đó, Thái Bình đang đẩy mạnh tích tụ đất đai theo hình thức vận động người dân có ruộng nhưng không có nhu cầu sản xuất tự nguyện ủy quyền cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có nhu cầu và tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ để sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, với thời gian thuê đất, giá thuê đất và phương thức thanh toán theo thỏa thuận giữa bên thuê đất và bên cho thuê đất trên cơ sở không trái với các quy định hiện hành của pháp luật. Bằng cơ chế và cách làm này, đến nay toàn tỉnh đã vận động tích tụ được trên 7.000ha đất nông nghiệp và thu hút được 5 tập đoàn kinh tế lớn (Tập đoàn TH, Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Hòa Phát), cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp tại tỉnh. Đây chính là những nhân tố, lực lượng nòng cốt thúc đẩy cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch để tạo ra các sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Kính thưa các đồng chí; thưa toàn thể quý vị!

Hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay là một bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất trong phạm vi cả nước và mỗi địa phương; đồng thời, là diễn đàn để Thái Bình giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, cũng như thể hiện cam kết và quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền địa phương với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch, tiên tiến và quảng bá, đưa các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa của Thái Bình đến với thị trường trong và ngoài nước.

Thông qua hội nghị này, để thêm một lần Thái Bình thiết tha mời gọi và nhiệt liệt chào mừng các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác đầu tư tại tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như sự phát triển và thành công hơn của các doanh nghiệp.

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thái Bình nhận thức sâu sắc rằng: Ngày nay, doanh nghiệp là động lực, là đầu tàu của nền kinh tế địa phương; các nhà đầu tư, các doanh nhân làm ăn chân chính là ân nhân của mình, vì vậy phương châm hành động của chúng tôi là: “Giúp doanh nghiệp vươn mình để Thái Bình phát triển”, coi sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính mình. Chúng tôi cam kết và khẳng định rằng: Thái Bình luôn là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; luôn lắng nghe, thấu hiểu, điều chỉnh và đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng rút gọn quy trình, đơn giản hóa tối đa thành phần hồ sơ và rút ngắn một nửa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với hiện nay; đồng thời, tỉnh sẽ cử những cán bộ có năng lực, uy tín và trách nhiệm cao trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn của tỉnh.

Về các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, Thái Bình cam kết thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hiện hành của Nhà nước; đồng thời, tùy theo quy mô, tính chất và nội dung của từng dự án; từ những kiến nghị, đề xuất cụ thể của nhà đầu tư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh trên cơ sở không trái với các quy định hiện hành của Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, làm ăn lâu dài và có hiệu quả tại địa phương.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các tỉnh, thành phố; các tổ chức trong nước, quốc tế và cá nhân các đồng chí lãnh đạo; trân trọng cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước vì sự ủng hộ, giúp đỡ và đóng góp có hiệu quả đối với sự phát triển mọi mặt của tỉnh thời gian qua. Kính mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân các đồng chí cùng toàn thể quý vị để Thái Bình có bước phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn trong tương lai.

Với tinh thần đó, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tôi xin tuyên bố khai mạc hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình. Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, các đồng chí, cùng toàn thể quý vị sức khỏe, hạnh phúc. Chúc hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!