Thứ 6, 29/03/2024, 20:49[GMT+7]

Dồn tổng lực giải cứu ngành chăn nuôi lợn (Kỳ 1)

Thứ 5, 18/05/2017 | 09:14:55
2,229 lượt xem
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, những năm gần đây ngành chăn nuôi của Thái Bình có tốc độ phát triển khá, bình quân giai đoạn 2012 - 2016 đạt 5,7%. Ba năm gần đây, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đều đạt trên 43%, góp phần làm thay đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tích cực. Với khối lượng sản phẩm hàng năm đạt 184.000 - 200.000 tấn, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm, thịt lợn được xem là ngành hàng chủ yếu trong chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi ở xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Kỳ 1: Ngành hàng có tiềm năng, thế mạnh

Gắn bó với nghề chăn nuôi từ lâu, hệ thống trại chăn nuôi lợn của anh Đặng Thế Huyễn, xã Vũ Lăng (Tiền Hải) được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại. Không chỉ lắp đặt hệ thống phun sương, quạt hút gió vừa làm mát chuồng lợn vừa hạn chế mùi chất thải anh còn tính toán nuôi số lượng lợn sao cho phù hợp với quy mô, diện tích chuồng trại. Với diện tích hơn 5ha, trang trại của anh Huyễn thường xuyên nuôi hơn 2.000 lợn thịt, lợn nái, tạo việc làm thời vụ cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. 

Theo ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải: Huyện luôn quan tâm và có nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Hiện nay tổng đàn lợn toàn huyện có trên 131.000 con, góp phần đưa giá trị sản xuất chăn nuôi hàng năm đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 546 trang trại chăn nuôi lợn và gần 70.000 hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ. Thực hiện tái cơ cấu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi, Thái Bình đang phát triển mạnh việc chăn nuôi trang trại, gia trại, giảm tỷ trọng chăn nuôi nhỏ lẻ; khảo nghiệm, lựa chọn đưa các giống vật nuôi mới có năng suất và chất lượng thịt cao vào sản xuất, tích cực ứng dụng và chuyển giao công nghệ chăn nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại.

Theo ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong lĩnh vực chăn nuôi thì chăn nuôi lợn có thể nói là thế mạnh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 195.000 con lợn nái, hàng năm sản xuất trên 3,2 triệu con lợn sữa, trong đó ước khoảng 2,1 triệu con được sử dụng làm giống, phục vụ cho tái đàn trong tỉnh và cung cấp con giống cho một số tỉnh Tây Bắc. Lợn sữa còn được dùng nuôi thịt và đưa vào lò giết mổ để xuất khẩu ra thị trường truyền thống như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc…

Trang trại chăn nuôi của nông dân Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ).

Để góp phần phát triển chăn nuôi lợn, chính quyền các cấp, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dẫn các chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn làm tốt công tác thú y. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật nuôi nói chung và trên đàn lợn nói riêng luôn được quan tâm, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch bệnh đã chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, tạo niềm tin cho người sản xuất chăn nuôi lợn đầu tư, tăng đàn mở rộng quy mô. Toàn tỉnh có 26 trang trại được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, xây dựng được 5 vùng GAHP, 51 nhóm GAHP và 36 nhóm GAHP mở rộng cùng hàng nghìn hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Về hệ thống giết mổ, Thái Bình hiện có 8 cơ sở giết mổ tập trung, gần 1.600 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ và 14 điểm giết mổ hỗn hợp. Trong đó có 2 cơ sở giết mổ tập trung sản phẩm lợn sữa xuất khẩu và 6 cơ sở giết mổ lợn choai tiêu thụ nội địa. Toàn tỉnh có 24 điểm giết mổ do dự án LIFSAP hỗ trợ nâng cấp, đủ điều kiện vệ sinh thú y và được kiểm soát giết mổ theo quy định. Sản phẩm từ các cơ sở này chủ yếu phục vụ xuất khẩu (lợn sữa) và tiêu thụ ở tỉnh ngoài. Với hệ số quay vòng bình quân 2,7 lứa/năm, mỗi năm Thái Bình sản xuất trên 200.000 tấn thịt lợn hơi xuất chuồng. 

Hiện, một số chủ trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh đã liên kết hợp tác trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần để ngành chăn nuôi trong tỉnh ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

Hưng Hà hiện có hơn 113.000 con lợn, trong đó hơn 20.000 lợn nái, 22.182 lợn thịt, 29.045 lợn choai, 41.511 lợn con. Để chăn nuôi lợn phát triển bền vững, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung với quy mô lớn. Chỉ đạo các phòng chức năng và các địa phương làm tốt công tác quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân mở rộng quy mô, đưa con giống có chất lượng tốt vào sử dụng. Việc phát triển trang trại chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa đã góp phần đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2016 của huyện đạt hơn 1.300 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Văn Đức,Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Kết quả nổi bật về chăn nuôi của tỉnh trong thời gian qua phải kể đến sự chuyển dịch chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp hiện đại, trang trại quy mô lớn, liên kết theo chuỗi có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao và sự bền vững cho chăn nuôi. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế, đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong nông nghiệp là chăn nuôi, đặc biệt là nông hộ nhỏ, phân tán. Trong khi, với Thái Bình, đây là hình thức phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn cả về số lượng vật nuôi và số hộ chăn nuôi. Trước tình hình đó, nhằm khuyến khích chăn nuôi phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có Quyết định số 3312/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 4064/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 phê duyệt đề án tái cơ cấu giống gia súc trong chăn nuôi nông hộ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Phạm Bá Vang, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình

Trang trại của gia đình tôi thường xuyên nuôi hơn 1.000 con lợn, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng hiện đại nên nhiều năm liền trang trại đều đạt năng suất cao, doanh thu bình quân đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm. Chúng tôi mong muốn ngân hàng sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp vay vốn cũng như có sự ưu đãi về lãi suất vốn vay giúp doanh nghiệp tái đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần có sự hỗ trợ về vắc-xin phòng, chống dịch để người chăn nuôi yên tâm sản xuất.


Phan Lợi - Mai Thư