Thứ 6, 29/03/2024, 04:22[GMT+7]

Dồn tổng lực giải cứu ngành chăn nuôi lợn (Kỳ 3)

Thứ 2, 22/05/2017 | 08:30:46
1,226 lượt xem
Không trông mong giá lợn hơi tăng trở lại, cũng không ngồi yên chờ thương lái đến thu mua, bằng nhiều cách khác nhau, nhiều hộ chăn nuôi đang “tự cứu” mình trước khi bị “lợn ăn cả sổ đỏ”.

Nhiều hộ chăn nuôi tự thịt lợn bán để giảm bớt thua lỗ.

Kỳ 3: Muôn nẻo đường “tự cứu” 

Từ nhiều ngày nay, về các vùng quê, không khó để gặp cảnh vài ba nhà mua chung nhau con lợn tự mổ ăn. Không khí nhộn nhịp tưởng chừng chỉ có ở những ngày giáp tết nhưng lại là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi khi giá lợn hơi giảm mạnh. 

Ông Phạm Văn Bài (huyện Đông Hưng) cho biết: Trước thực trạng giá thịt lợn hơi giảm mạnh, tôi cùng với mấy anh em trong gia đình mua chung lợn về tự giết mổ, vừa rẻ hơn so với đi mua ở chợ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con chăn nuôi trong vùng. Thấu hiểu “chờ được vạ thì má đã sưng”, trong tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”, mỗi hộ nuôi lợn tự tìm cách riêng cho mình để hạn chế mức thấp nhất thua lỗ. 

Ngồi bần thần trước phản thịt lợn bên vỉa hè, khuôn mặt hốc hác của bà Phạm Thị Gái, xã Vũ Hội (Vũ Thư) lộ rõ vẻ mệt mỏi. Sau lời mời chào khách mua thịt, bà Gái nhận lại những cái lắc đầu, thi thoảng có người trả giá nhưng phần vì tiếc rẻ, phần vì xót xa bao nhiêu công lao, tiền bạc đầu tư vào đàn lợn, phản thịt của bà vẫn còn ngổn ngang. Bà Gái cho biết: Vợ chồng tôi gắn bó nhiều năm với nghề nuôi lợn. Vốn hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải tự nuôi lợn nái để tiết kiệm chi phí đầu tư. Trước đây, giá lợn ổn định, cùng với việc chủ động nguồn giống, lợi nhuận từ nuôi lợn góp phần đáng kể ổn định kinh tế gia đình. Các cụ xưa có câu: “nuôi lợn có năm, nuôi tằm có lứa” nhưng chưa bao giờ thấy giá lợn rớt thê thảm như hiện nay. Con trai tôi cũng vay ngân hàng mấy chục triệu, đầu tư chuồng trại nuôi 50 con lợn. Ngay từ lứa đầu xuất bán đã gặp “khủng hoảng”, dọn vệ sinh chuồng trại, nhìn đàn lợn quá lứa còn ngổn ngang trong chuồng mà xót xa. Đến giờ, trong chuồng nhà tôi vẫn còn 20 con, con nào cũng trên 1,3 tạ. Giá xuống thấp mà không có người mua, hơn 1 tuần nay, ngày nào vợ chồng tôi cũng dậy từ 2 giờ sáng, thuê người đến giết mổ rồi tôi tự đem bán. Tính ra, mỗi ki-lô-gam lợn, gia đình tôi thua lỗ khoảng 20.000 đồng. 

Gia đình bà Phạm Thị Oanh, xã Đông Xuân (Đông Hưng) nuôi hơn 40 con lợn với trọng lượng trên 1 tạ. Không thể cầm cự thêm được nữa, gần nửa tháng nay, bà Oanh cũng phải tự giết lợn đem bán tại vỉa hè các khu đô thị trong thành phố Thái Bình. Bà Oanh cho biết: Tư thương không mua thì mình phải tự đem đi bán lẻ, cũng không cao hơn giá bán cho thương lái là bao nhưng còn tiêu thụ được lợn. Cứ mỗi ngày thịt một con đem bán từ sáng tới trưa cũng hết do tôi bán rẻ. Đến chiều lại lang thang mấy khu công nghiệp xem công nhân họ có mua thịt không, nếu có nhu cầu lại về giết bán cho họ. Anh em họ hàng ủng hộ gia đình tôi, cứ 3 - 5 nhà chung nhau mua 1 con lợn tự thịt, ngoài ăn thịt lợn, họ chế biến giò, chả, xúc xích, làm ruốc…. Các đại lý cám không bán chịu, bà Oanh cũng như rất nhiều hộ chăn nuôi thay cám công nghiệp bằng cám gạo, ngô, bèo bồng nhưng cũng 2 ngày mới được ăn một bữa, thay vào đó cho lợn uống nước cầm hơi. “Cũng xót xa lắm nhưng biết làm sao được, lợn ăn hết cả học phí của con tôi, sắp ăn cả nhà rồi mà vẫn chưa bán được”, bà Oanh chia sẻ. 

Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ áp dụng với những gia trại chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít. Với những trang trại chăn nuôi quy mô hàng trăm, hàng nghìn con lợn không thể mỗi ngày tự giết một vài con đem bán, đòi hỏi cần có sự chung tay vào cuộc từ ngân hàng và các cơ quan chức năng.


Anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Tử Tế, xã Thanh Tân (Kiến Xương)

Giá thịt lợn hơi giảm sâu xuống mức khoảng 18.000 - 22.000 đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi lợn đang đứng trước nguy cơ “phá sản”. Trước tình hình đó, một số hộ chăn nuôi trong thôn đã bàn nhau để “tự cứu” mình bằng cách thịt lợn xoay vòng. Chúng tôi thỏa thuận với nhau mỗi hôm giết từ 2 - 3 con của nhà này, sau đó bán cho những gia đình trong thôn với giá rẻ hơn giá mua ngoài chợ khoảng 10.000 đồng/kg. Nhờ cách này mà đàn lợn hơn 60 con của gia đình tôi đã được giải cứu kịp thời, giảm bớt thua lỗ khoảng 400.000 đồng/con so với bán lợn hơi cho thương lái.

Ông Nguyễn Văn Luân, xã Bách Thuận (Vũ Thư)


Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình tôi hiện đang duy trì nuôi khoảng 300 con lợn nái ngoại và 500 con lợn thịt siêu nạc với trọng lượng từ 80 - 120kg/con. Mặc dù giá lợn hơi đang ở mức rất thấp nhưng các thương lái cũng không thu mua do không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vừa qua, chúng tôi đã liên kết với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và HTX Chăn nuôi hữu cơ Thái Bình khai trương cửa hàng thực phẩm sạch, theo đó trang trại của tôi cung cấp thịt lợn cho cửa hàng. Sản phẩm được bày bán tại đây hoàn toàn là thịt lợn sạch do được chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.


Ông Trịnh Tiến Mạnh, thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên (Thái Thụy)


 Những ngày qua, giá lợn hơi tại tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung liên tục giảm đã khiến cho người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Theo tôi, nguyên nhân là do ngành chăn nuôi phát triển quá “nóng”, người chăn nuôi vẫn chủ yếu sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết về thị trường, đầu ra không ổn định... Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành có những giải pháp hỗ trợ thiết thực như giãn nợ, giảm giá thức ăn chăn nuôi để người dân yên tâm sản xuất, tiếp tục tái đàn. Cùng với đó cần phải có những giải pháp lâu dài, mang tính bền vững để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.


(còn nữa)

Lưu Ngần - Phạm Hưng