Thứ 7, 20/04/2024, 12:34[GMT+7]

Dồn tổng lực giải cứu ngành chăn nuôi lợn (Kỳ 4)

Thứ 2, 22/05/2017 | 09:06:31
1,680 lượt xem
Bài toán nan giải đầu tiên khi giá thịt lợn hơi liên tục giảm mạnh, bị thua lỗ nặng mà người chăn nuôi phải đương đầu là trả nợ vay cho ngân hàng và tìm kiếm nguồn vốn để tái đàn. Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai thực hiện các giải pháp giúp người nuôi lợn vượt qua cơn hoạn nạn.

Kỳ 4: Ngành Ngân hàng chung tay trong “cơn hoạn nạn”

Đến cuối tháng 3/2017, trên địa bàn tỉnh, ngoài Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn có 19 ngân hàng hoạt động (trong đó có 16 ngân hàng thương mại, 1 Ngân hàng Phát triển, 1 Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 Ngân hàng Hợp tác xã) và 85 quỹ tín dụng nhân dân. Các TCTD đã thành lập 9 chi nhánh loại 3, 84 phòng giao dịch, 1 quỹ tiết kiệm, 48 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 72 xã liền kề và 285 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn. 

Với mạng lưới hoạt động trải khắp các xã, thị trấn trong toàn tỉnh, hoạt động của ngành Ngân hàng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu dịch vụ, tiện ích cho nền kinh tế và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 20/4/2017, dư nợ cho vay lĩnh vực chăn nuôi lợn (bao gồm cả cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi, cho vay sản xuất thuốc thú y) trên địa bàn đạt 2.380,35 tỷ đồng, chiếm 18,2% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ với 48.851 khách hàng còn dư nợ; trong đó dư nợ cho vay chăn nuôi lợn đạt 2.352,4 tỷ đồng, dư nợ cho vay ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 27,8 tỷ đồng và dư nợ cho vay sản xuất thuốc thú y đạt 150 triệu đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngành chăn nuôi lợn chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. 

Thực hiện các chính sách của Nhà nước và của ngành Ngân hàng, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ sản xuất và chăn nuôi. Đến ngày 20/4/2017, tổng số nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt 23,8 tỷ đồng, chiếm 1% tổng dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. 

Thực hiện Công văn số 3091 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi lợn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh rà soát, phân loại khách hàng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với từng đối tượng khách hàng; ưu tiên cho vay chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, tổ hợp tác liên kết sản xuất nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, các TCTD còn xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng của khách hàng với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do có khó khăn trong tiêu thụ đạt 5 tỷ đồng; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, các ngân hàng còn căn cứ vào quy định hiện hành và khả năng tài chính để có biện pháp hỗ trợ khác nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. 

Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) là một trong những đơn vị đi tiên phong trong toàn hệ thống ngân hàng tham gia “giải cứu” đàn lợn cho bà con nông dân do thịt lợn bị giảm giá. Theo đó, LienVietPostBank sẽ dành gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh… vay vốn với lãi suất thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này đang vay vốn, thời hạn cho vay ưu đãi 1 năm.


Ông Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh

Sự vào cuộc của ngành Ngân hàng trong việc “giải cứu” đàn lợn cho nông dân trong thời điểm hiện tại chỉ mang tính chất tạm thời. Do đó, để ngành chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi lợn phát triển bền vững, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách tín dụng đối với lĩnh vực chăn nuôi; kiến nghị tỉnh có các giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo các ngành liên quan triển khai các giải pháp tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm cho lĩnh vực chăn nuôi lợn, giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh.


Ông Đinh Trọng Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Thái Bình

Thực hiện Chỉ thị số 300/2017/CT-CTHĐQT ngày 30/4/2017 của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ngân hàng Thương mại cổ phần LienVietPostBank Chi nhánh Thái Bình đã cử chuyên viên khách hàng trực tiếp xuống các trang trại, gia trại trong toàn tỉnh thông qua các đơn vị đầu mối cung cấp thức ăn chăn nuôi để truyền thông về gói sản phẩm 500 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhằm “giải cứu” đàn lợn trên địa bàn tỉnh. Với cam kết “giải cứu đàn lợn, giúp đỡ nông dân”, LienVietPostBank Chi nhánh Thái Bình khẳng định sẽ thẩm định và giải ngân kịp thời gói hỗ trợ cho đúng đối tượng khách hàng, giúp khách hàng sớm có vốn duy trì sản xuất. Cùng với việc triển khai gói hỗ trợ chăn nuôi lợn, từ cuối năm 2016 đến nay, LienVietPostBank Chi nhánh Thái Bình còn chú trọng triển khai các chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn, chủ động cho vay tín chấp qua các tổ chức hội, đoàn thể của một số địa phương. Đến cuối tháng 3/2017, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.


Ông Phạm Văn Toàn, thôn Cao Dương Thượng, xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy

Gia đình tôi hiện đang nuôi 230 con lợn nái ngoại, 600 con lợn thịt siêu nạc và 400 con lợn con. Chỉ tính riêng tiền thức ăn, mỗi ngày cũng tiêu tốn hết 16 triệu đồng chưa kể đến các chi phí khác như: thuê 3 lao động với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng, chi phí điện, nước... Với chi phí quá lớn như thế, trong khi đó, từ cuối năm 2016 đến nay giá lợn hơi liên tục giảm mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, gây khó khăn cho gia đình trong việc trả nợ vay ngân hàng. Qua đây tôi mong muốn ngành Ngân hàng có cơ chế hỗ trợ phù hợp chẳng hạn như: cho vay bổ sung vốn, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi tiền vay, từ đó giúp hộ chăn nuôi khắc phục tạm thời những khó khăn trước mắt, ổn định sản xuất.


Minh Hương