Thứ 6, 29/03/2024, 14:41[GMT+7]

Dồn tổng lực giải cứu ngành chăn nuôi lợn (Kỳ 5)

Thứ 2, 22/05/2017 | 09:34:05
1,839 lượt xem
Chỉ trong vòng nửa năm, người chăn nuôi lợn gần như rơi vào bước đường cùng. Mọi cánh cửa tiêu thụ sản phẩm gần như đóng chặt, giống vật nuôi ứ đọng, vốn liếng tiêu tan khiến nợ chồng thêm nợ. Các cấp, các ngành đã vào cuộc tích cực bằng nhiều giải pháp thiết thực giúp người chăn nuôi vượt qua cơn khủng hoảng. Song để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, không thể mãi giải quyết “phần ngọn” mang tính giải pháp tình thế.

Kiểm tra sản phẩm thịt lợn tại HTX SXKD lương thực thực phẩm Ban Mai BIO (xã Thái Hồng, huyện Thái Thụy).

Kỳ 5: Phát triển chăn nuôi bền vững - cần những giải pháp đồng bộ, căn cơ

Trong phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, ổn định phát triển, đặc biệt Thủ tướng yêu cầu phải đề ra các giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, trước mắt các bộ, ngành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và  UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ thực hiện đàm phán tìm thị trường xuất khẩu; xem xét giãn nợ, miễn giảm lãi, tiếp tục cho vay mới đối với người chăn nuôi; giảm nguồn cung bằng cách tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tạm nhập tái xuất thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tại buổi thảo luận tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi lợn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, nhiều giải pháp trước mắt cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh thảo luận và đưa ra. Theo đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi lợn ở thời điểm này cần bình tĩnh, tìm giải pháp về nguồn thức ăn để duy trì đàn lợn đang nuôi, tránh tình trạng lơ là công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh cho lợn; tăng cường công tác quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả trong sản xuất và kinh doanh thuốc thú y. Bên cạnh đó kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y quan tâm, hỗ trợ, đồng hành với người chăn nuôi như điều chỉnh giá bán thức ăn phù hợp, cho trả chậm tiền mua thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… Cùng với đó tỉnh vận động các doanh nghiệp chế biến, giết mổ có biện pháp phát triển, mở rộng thị trường nhằm tăng cường thu mua, chế biến, dự trữ sản phẩm thịt lợn giúp cho người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn…Tuy nhiên, để giải quyết bài toán đầu ra và tránh tình trạng rớt giá lợn hơi như hiện nay, phải cần tới những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài.

Chuyển hướng sản xuất theo an toàn, hiệu quả, khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn, chăn nuôi hữu cơ, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để phối trộn thức ăn, không sử dụng chất cấm và lạm dụng thuốc kháng sinh gây mất an toàn thực phẩm là một trong những biện pháp hữu hiệu để không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu, vốn rất khiêm tốn từ trước tới nay. 

Hộ gia đình ông Vũ Như Khoa, thôn Đà Thôn, xã Quỳnh Khê (Quỳnh Phụ) là một minh chứng rõ nét cho điều này. Trong khi nhiều hộ chăn nuôi đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do giá lợn xuống thấp thì sản xuất chăn nuôi của hộ ông Khoa lại vững vàng trước bão giá. Ông Khoa cho biết: Trang trại của tôi hiện tại có 20 lợn nái và 20 lợn thịt, chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ được tôi áp dụng từ năm 2016. Ưu điểm vượt trội của phương pháp này giúp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, giảm tỷ lệ kháng sinh trong chăn nuôi, lợn tăng tỷ lệ hấp thụ thức ăn tối đa, tăng sức đề kháng. Thức ăn chính của lợn cám gạo, rau, bèo được ủ với men tan hữu cơ nên chất thải không có mùi hôi thối như chăn nuôi công nghiệp. Qua kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, lợn nuôi theo phương pháp hữu cơ thịt đỏ đẹp tự nhiên, chế biến không có mùi hôi, không chảy nước… Điều đáng nói là sản phẩm từ trang trại của ông Khoa luôn bán cao hơn giá thị trường từ 2 - 3 giá, thương lái luôn phải đặt trước do khan hiếm hàng. Ông Khoa cho biết thêm: Từ thực tế, tôi thấy đây là phương pháp chăn nuôi mới, đạt hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, thân thiện với môi trường… Sau khi giá lợn tăng trở lại, tôi sẽ tiếp tục phát triển đàn, áp dụng chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ.

Về lâu dài, ngành chăn nuôi cần tuân thủ theo quy luật cung, cầu, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi phù hợp với thực tế của tỉnh như thực hiện việc chuyển hướng nhanh sang thay đổi cơ cấu giống, phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, khuyến khích phát triển các giống cao sản và giống đặc sản phục vụ các phân khúc thị trường khác nhau; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo quy mô lớn. Một trong những giải pháp “gốc” là phải hình thành được các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, đây cũng là giải pháp được đề cập trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh. Theo đó cần hỗ trợ phát triển và khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi có sự tham gia của các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; cụ thể là liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở, doanh nghiệp giết mổ vói các vùng chăn nuôi trong tỉnh có như vậy mới điều tiết cung, cầu và kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm.

Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tuyên truyền, chỉ đạo và tổ chức phát động chương trình chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cung cấp thông tin, kế hoạch, chương trình chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(Chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 1659/UBND-NNTNMT ngày 4/5/2017)



Ông Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Ngoài các giải pháp trước mắt như tăng cường truyền tải các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn; giúp người chăn nuôi giảm đầu vào bằng việc giảm giá thức ăn, thuốc thú y; tiêu thụ sản phẩm ứ đọng; khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng…, tỉnh cũng đề ra các giải pháp chiến lược lâu dài. Trong đó, tập trung xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sau các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường...


Ông Đoàn Hữu Ty, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình

Để ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng phát triển bền vững, thời gian tới, Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình tiếp tục tập huấn, phổ biến và mở rộng chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ đến các thành viên để có thực phẩm sạch, an toàn. Đồng thời phấn đấu xây dựng được các chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, mở rộng các cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng qua đó ổn định đầu ra, nâng cao giá thành sản phẩm cho người chăn nuôi.


Chị Nguyễn Thanh Mai, xã Đông Cơ (Tiền Hải)

Thịt lợn là một trong những loại thực phẩm được sử dụng rất phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, thời gian qua liên tiếp có những thông tin về thịt lợn chứa kháng sinh, chất tạo nạc, thịt không có nguồn gốc xuất xứ đã làm cho người tiêu dùng rất hoang mang, lo lắng. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, theo tôi, những người chăn nuôi không nên chạy theo lợi nhuận mà sử dụng chất kích thích, chất tạo nạc… mà cần thay đổi nhận thức, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có những chuỗi cửa hàng cung cấp thịt lợn sạch, an toàn từ trang trại đến bàn ăn ở các huyện, thành phố để người dân được tiếp cận, sử dụng.


Phan Lợi - Lưu Ngần - Phạm Hưng - Trịnh Cường