Thứ 6, 29/03/2024, 18:55[GMT+7]

Để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ 2, 14/08/2017 | 09:18:46
1,849 lượt xem
Năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2015 giảm 2 bậc. Đây là vấn đề nhiều đại biểu và cử tri quan tâm và được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XVI.

Sản xuất tại Công ty TNHH Poongshin Vina (khu công nghiệp Phúc Khánh).

Phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về nguyên nhân chỉ số PCI giảm và các giải pháp của ngành tham mưu với UBND tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số PCI của Thái Bình năm 2016?

Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo kiên quyết, triển khai các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ đó, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện đáng kể, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2016 đạt 45.150 tỷ đồng, tăng 10,12% so năm 2015, vượt kế hoạch đề ra 10%, đạt cao nhất từ năm 2011 trở lại đây. Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 86 dự án với tổng số vốn đăng ký là 6.360 tỷ đồng, bằng 106% về lượng và 135% về vốn so với năm 2015; đã cấp mới 579 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 3.400 tỷ đồng (bằng 125,3% về lượng so với năm 2015).

Thu ngân sách nhà nước (không kể ghi thu, ghi chi) đạt 15.858,5 tỷ đồng, vượt 62,3% dự toán, tăng 18,8% so với năm 2015; trong đó, thu nội địa ước đạt 7.324,6 tỷ đồng, vượt 74,7% dự toán, thu thuế xuất nhập khẩu gấp 2,4 lần dự toán.

Năm 2017, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đã có 21 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 26.000 tỷ đồng, đặc biệt có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư với quy mô lớn như Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn TH…

Như vậy, qua kết quả tăng trưởng của nền kinh tế, số doanh nghiệp và các dự án đầu tư mới, tốc độ thu ngân sách trên địa bàn có thể khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện, bước đầu tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Ngày 14/3/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố báo cáo chỉ số PCI năm 2016. Có 10.037 doanh nghiệp, trong đó trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 150 doanh nghiệp tham gia trả lời điều tra PCI.

Qua báo cáo PCI 2016 cho thấy sự cảm nhận của một số doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh mặc dù có những chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. PCI năm 2016 của tỉnh Thái Bình được 57,72 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (ở nhóm khá); so với năm 2015 tăng 0,08 điểm, tuy nhiên về thứ hạng lại giảm 02 bậc (40/38).

Đánh giá hiệu quả quản lý, năng lực điều hành của chính quyền trong thực thi công vụ dựa trên đánh giá trải nghiệm của 98.000 người dân theo chỉ tiêu PAPI thì năm 2016 Thái Bình đứng 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thứ 4/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, nằm trong nhóm các tỉnh có điểm số cao nhất trong bảng xếp hạng PAPI cả nước.

Từ những kết quả như trên chúng ta có góc nhìn tổng thể đánh giá đúng thực trạng môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và đúng hiệu lực, hiệu quả điều hành của các cấp chính quyền các năm qua.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Phóng viên: Vậy theo đồng chí, nguyên nhân giảm thứ hạng PCI của tỉnh năm 2016 là do đâu?

Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ: Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2016 của tỉnh thì 7 chỉ số thành phần tăng điểm, chỉ có 3 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2015. Trong đó,  7 chỉ số tăng điểm gồm: gia nhập thị trường tăng 0,44 điểm, tiếp cận đất đai tăng 0,03 điểm, tính minh bạch tăng 0,31 điểm, chi phí trung gian tăng 0,21 điểm, chi phí không chính thức tăng 0,29 điểm, cạnh tranh bình đẳng tăng 0,29 điểm, tính năng động của lãnh đạo tỉnh tăng cao nhất đạt 0,64 điểm.

3 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: hỗ trợ doanh nghiệp được 4,72 điểm, giảm 0,6 điểm, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 10/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Nguyên nhân của việc giảm điểm của chỉ số này có nhiều, trong đó có một số nguyên nhân như số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp thấp hơn bình quân cả nước; các chương trình đào tạo liên quan đến công nghệ, kế toán và tài chính, quản trị kinh doanh... còn chưa phù hợp, linh hoạt, xa thực tiễn nên chưa đáp ứng được nhu cầu ngày một cao của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tổ chức các hội chợ chưa nhiều, thấp hơn so với bình quân cả nước và chất lượng các hội chợ chưa đạt mục tiêu đề ra.

Chỉ số đào tạo lao động được 5,74 điểm, giảm 0,04 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 11/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Mặc dù tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề; tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo tại các trường chuyên nghiệp cao hơn mức bình quân chung toàn quốc nhưng chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được sự phát triển chung của toàn xã hội và doanh nghiệp (có 86,02% doanh nghiệp được hỏi cho rằng lao động đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong khi đó chỉ số bình quân toàn quốc là 90,43%).

Chỉ số thiết chế pháp lý được 5,13 điểm, giảm 0,7 điểm, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 8/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây là chỉ số giảm sâu nhất trong các chỉ số thành phần bị giảm. Nguyên nhân của việc giảm điểm này là do sự cảm nhận của doanh nghiệp về hệ thống cơ quan pháp luật, đặc biệt là tòa án kinh tế cấp tỉnh và các cơ quan hỗ trợ pháp lý. Doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào sự công bằng trong phán quyết của tòa án; có 75,82% (năm 2015 là 78,89%) doanh nghiệp tin tưởng rằng phán quyết của tòa án là công bằng, trong khi đó con số này của cả nước là 78,41%, do vậy chỉ có 33,01% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp, trong khi đó bình quân chung toàn quốc là 35,79%.

Phóng viên: Thời gian tới, ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp như thế nào để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh thưa đồng chí?

Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ: Ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm và đóng góp của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động đường dây nóng xử lý thông tin của tổ chức, cá nhân phản ánh về những vấn đề có liên quan đến tỉnh; tăng cường quản lý các hoạt động đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục tinh giản các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế… Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, làm tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các nhà đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong suốt thời gian đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Thái Bình.

Tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo khung pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp như: hoàn thiện các quy định về trình tự giải quyết các tranh chấp về đất đai, chế độ cho người lao động nước ngoài; tranh chấp, kiện tụng về kinh tế; nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp của các cơ quan tư pháp. Bảo đảm tính công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, các thủ tục hành chính theo quy định; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức khi tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá đầu tư; chú trọng thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các đối tượng vi phạm, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra và có kết luận rõ ràng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng với những quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, doanh nghiệp cũng cần nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, quyền lợi, đời sống chính đáng cho người lao động, bảo vệ môi trường; hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước, quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội để cấp ủy, chính quyền và nhân dân hiểu, gắn bó hơn với doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hình (thực hiện)