Thứ 7, 20/04/2024, 05:54[GMT+7]

Hưng Hà tích cực phòng, trừ sâu bệnh hại lúa xuân

Thứ 2, 24/04/2017 | 17:14:03
1,507 lượt xem
Đến thời điểm này, hơn 10.000ha lúa xuân của huyện Hưng Hà sinh trưởng, phát triển tốt. Để phấn đấu cho một mùa bội thu, nông dân các địa phương trong huyện đang tích cực chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh cho lúa.

Nông dân huyện Hưng Hà phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Chị Lê Thị Mừng, xã Hùng Dũng chia sẻ: Gia đình gieo cấy 4 sào lúa xuân, chủ yếu là giống BC15, Bắc thơm. Những ngày qua, thời tiết khá âm u, độ ẩm không khí cao làm cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên lúa. Theo  hướng dẫn của ngành chức năng, gia đình đã mua đúng thuốc, phun đúng liều lượng, đúng thời điểm nên những diện tích phun thuốc bệnh đã giảm dần. Gia đình tiếp tục theo dõi để phun lại lần 2 cho sạch bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt. Còn tại xã Dân Chủ từ ngày 8/4 đã xuất hiện rải rác bệnh đạo ôn trên lúa, nhiều nhất là ở thôn Đinh có khoảng 1 sào lúa bị đạo ôn gây hại có nguy cơ mất trắng. 

Ông Đinh Công Chuyển, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay khi phát hiện bệnh, HTX đã đôn đốc nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện bệnh để phòng, trừ kịp thời, đồng thời hướng dẫn bà con phun thuốc đặc trị bệnh cho lúa.

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện, thời tiết những ngày qua đã tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát triển, chủ yếu trên các giống nếp các loại, Q5, Xi23, TBR225, BC15, Bắc thơm 7… Tỷ lệ bệnh từ 5 - 10%, nơi cao 30 - 50%, cục bộ 60 - 70%. Toàn huyện có 1.200ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, trong đó nhiễm nhẹ 1.132ha, trung bình 60ha, nhiễm nặng 8ha. Một số địa phương xuất hiện bệnh lúa bị lùn với diện tích 1,2ha như các xã Độc Lập, Đoan Hùng, Chi Lăng, Thống Nhất, Bắc Sơn, Minh Tân… Toàn huyện hiện có 500ha lúa bị bệnh khô vằn; khoảng 50ha lúa bị bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Ngoài ra, đã xuất hiện rầy các loại với mật độ rải rác, chủ yếu là rầy trắng, trong đó cục bộ có ổ rầy trưởng thành mang trứng 5 - 10 con/m2. Bên cạnh đó còn có sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành, sâu đục thân non... Trên các cánh đồng cũng xuất hiện chuột phá hoại lúa với tỷ lệ hại rải rác, cá biệt có nơi cao 5 - 10%, cục bộ 15 - 20%.

Dự kiến đến ngày 30/4, toàn huyện sẽ có gần 1.000ha lúa trỗ và toàn bộ diện tích lúa sẽ cơ bản kết thúc trỗ vào khoảng ngày 20/5.  Để phòng, trừ sâu bệnh cho lúa hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên thông báo tình hình sâu bệnh, chỉ đạo các HTX thăm đồng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh. Hướng dẫn nông dân phun phòng, trừ bệnh đạo ôn trên lá và phun phòng bệnh đạo ôn cho diện tích lúa đang trỗ. Tích cực điều tra theo dõi các đối tượng sâu bệnh trên cây lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm; hướng dẫn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật phun thuốc trừ sâu bệnh, đánh chuột hiệu quả, đồng thời chăm sóc lúa trong giai đoạn phân hóa đòng.

Nhờ làm tốt việc phòng, trừ sâu bệnh, hiện nay các diện tích lúa bị hại nặng đã hồi phục. Tuy nhiên, trước tình hình sâu bệnh hại lúa còn diễn biến phức tạp, các địa phương trong huyện không nên chủ quan và cần có biện pháp đồng bộ trong chăm sóc, bảo vệ lúa xuân, góp phần giành vụ lúa xuân bội thu.  

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày